Dự án 'siêu rùa' kỳ lạ của VNPT

20/09/2013 10:14 AM | Kinh doanh

Nội dung nổi bật:

Dự án cáp quang biển Bắc – Nam của tập đoàn VNPT sử dụng gần 3.000 tỷ đồng vốn vay ODA của Nhật Bản, triển khai từ năm 2003 nhưng không thực hiện được, đã bị dừng triển khai. 

Năm 2003, dự án cáp quang biển Bắc Nam được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường năng lực hạ tầng của VNPT, giảm bớt các rủi ro bị gián đoạn khi gặp các sự cố thiên tai của các tuyến cáp quang trên đất liền...

Nguyên nhân:

- Nhà thầu tư vấn JTEC/KEC (của Nhật Bản) không đủ năng lực, kinh nghiệm;

- Ban QLDA và nhà thầu tư vấn gặp khúc mắc, thậm chí còn có nhiều bất đồng và tranh cãi về việc nghiệm thu và thanh toán...

- Tài sản bị hao mòn và không còn phù hợp khi việc chậm thi công diễn ra quá lâu.



Ngày 26/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý đề nghị ngừng Dự án cáp quang biển Bắc – Nam của tập đoàn VNPT, sử dụng gần 3.000 tỷ đồng vốn vay ODA của Nhật Bản, triển khai từ năm 2003 nhưng không thực hiện được. 

Vậy vì sao một dự án đầu tư quan trọng mang tính chiến lược quốc gia như vậy lại chậm tiến độ tới 10 năm?

Từ một dự án quan trọng cấp quốc gia

Dự án cáp quang biển Bắc Nam do VNPT làm chủ đầu tư, được Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) phê duyệt dự án đầu tư theo quyết định số 1023/QĐ-BBCVT ngày 26/11/2003. Quy mô dự án bao gồm việc triển khai một hệ thống truyền dẫn cáp quang 8 sợi sử dụng cấu hình hoa cung, công nghệ WDM, chạy dọc bờ biển Việt Nam với chiều dài 2034 km kéo dài từ Hải Phòng tới Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Dung lượng ban đầu dự kiến của tuyến cáp là 60Gbps, có 11 điểm cập bờ và 197km cáp quang trên đất liền để kết nối với các tuyến cáp quang trên bờ.

Vào thời điểm được phê duyệt năm 2003, dự án cáp quang biển Bắc Nam được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường năng lực hạ tầng của VNPT, giảm bớt các rủi ro bị gián đoạn khi gặp các sự cố thiên tai, lũ lụt, động đất… của các tuyến cáp quang trên đất liền, giúp tăng cường hiệu quả mạng lưới viễn thông, đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế xã hội… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án này đã gặp rất nhiều vướng mắc dẫn tới việc chậm tiến độ trong thời gian quá dài, khiến công nghệ cáp quang được lựa chọn trở nên lạc hậu, không còn hiệu quả khai thác.

Nhà thầu tư vấn không đủ năng lực, kinh nghiệm

Sau khi Dự án được phê duyệt vào tháng 11/2003, ngày 04/11/2004, Bộ Bưu chính Viễn thông đã có quyết định số 890/QĐ-BBCVT về việc phê duyệt kết quả chỉ định thầu gói thầu số 2 “Dịch vụ tư vấn” của dự án cáp quang biển Bắc – Nam. Ngày 22/11/2004, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông VN (nay là VNPT) đã có quyết định số 491/QĐ-KHNT-HĐQT về việc phê duyệt kết quả đàm phán hợp đồng tư vấn. Ngày 24/11/2004, Ban QLDA cáp quang biển Bắc – Nam đã ký kết hợp đồng thương mại cung cấp dịch vụ tư vấn gói thầu số 2 “Dịch vụ tư vấn” với liên danh nhà thầu JTEC/KEC của Nhật Bản.

Theo biên bản ghi nhớ giữa phía Việt Nam và Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) thì việc chọn đơn vị tư vấn sẽ theo hình thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, JTEC cũng là đơn vị đã hỗ trợ việc lập dự án khả thi để vay vốn ODA của Nhật Bản từ năm 2001, là 1 trong 4 nhà thầu tư vấn được JBIC giới thiệu. Ba nhà thầu còn lại gồm KDDI Corporation, KDDI Engineering and Consulting (KEC) và Nippon, sau khi VNPT gửi thư mời tham gia thì KDDI Corporation và Nippon từ chối, JTEC và KEC muốn tham gia với tư cách liên danh do JTEC đại diện chính.

Do năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu tư vấn hạn chế, nên trong quá trình lập dự án khả thi, đơn vị tư vấn đã không lập thiết kế sơ bộ hoàn chỉnh cho toàn bộ dự án, bao gồm các hạng mục công trình (chưa tuân theo Quyết định 18/2003/QĐ-BXD về quản lý chất lượng), không nêu rõ quy chuẩn, tiêu chuẩn của nước ngoài (vì trong nước chưa xây dựng).

Trong quá trình đàm phán hợp đồng tư vấn, do phải thực hiện theo Quyết định 1023/QĐ-BBCVT và Quy định quản lý chất lượng (18/2003/QĐ-BXD) ngày 27/6/2003, sau này là Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004, nhà tư vấn JTEC đã không hiểu rõ các quy định của Việt Nam nên đã đồng ý lập Thiết kế kỹ thuật và Thiết kế thi công nhưng chưa hiểu được nhiệm vụ cụ thể từng công việc. Điều này thể hiện rõ khi trong Hợp đồng tư vấn quy định các bước thực hiện thiết kế không cụ thể, nhiệm vụ và giá trị công việc không rõ ràng.

Nếu nhà tư vấn có kinh nghiệm, hiểu quy định luật pháp Việt Nam thì lúc này phải đàm phán và làm rõ yêu cầu nhiệm vụ của từng công việc và trách nhiệm của nhà thầu tư vẫn trong mỗi công việc phát sinh. Điều này sẽ giúp tránh được tranh cãi khi thực hiện. 

Tuy nhiên, JTEC vẫn đồng ý thực hiện và bổ sung nhiệm vụ (thể hiện trong phụ lục A và B của Hợp đồng tư vấn) nhưng chỉ thể hiện chung chung. Chính vì vậy, cho đến khi dự án bị ngừng triển khai vào năm 2013, nhà tư vấn JTEC và Ban QLDA vẫn chưa thống nhất được nội dung Thiết kế thi công (CDR), giám sát thi công, giám sát tác giả gồm những công việc gì và giá trị cụ thể cho từng công việc.

Nhiều vướng mắc giữa Ban QLDA và nhà thầu tư vấn

Theo một báo cáo về tình hình triển khai dự án cáp quang biển trục Bắc – Nam của Ban QLDA báo cáo tập đoàn VNPT vào tháng 05/2013, trong quá trình triển khai dự án, việc đánh giá hồ sơ dự thầu gặp nhiều vướng mắc do tính chất phức tạp của gói thầu, quan điểm không thống nhất với đơn vị tư vấn nước ngoài về việc thanh toán chi phí khảo sát biển, quan điểm không thống nhất giữa các Bộ chức năng và tổ chức JICA hướng dẫn VNPT xử lý tình huống trong trường hợp điều chỉnh yêu cầu kỹ thuật gói thầu bảo đảm phù hợp với sự phát triển và yêu cầu phát triển thực tại của lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam.

Dự án, VNPT, cáp quang

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc phải điều chỉnh yêu cầu kỹ thuật gói thầu chính là bởi quá trình triển khai dự án và phối hợp giữa Ban QLDA và nhà thầu tư vấn để xây dựng và phê duyệt hồ sơ mời thầu (của gói thầu thi công chính) quá chậm. Quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu cũng gặp nhiều vướng mắc, dẫn tới các công nghệ cáp quang theo yêu cầu kỹ thuật trong hồ sơ mời thầu bị lạc hậu khá nhiều so với tốc độ phát triển công nghệ tại Việt Nam và các nước trong khu vực.

Do không được quy định cụ thể, nên giữa Ban QLDA và JTEC xảy ra các bất đồng và tranh cãi về việc nghiệm thu và thanh toán cho công tác khảo sát biển (MSR) và thiết kế thi công (CDR) kéo dài. JTEC thực hiện MSR từ năm 2005 nhưng không quan tâm theo đúng quy định phần việc không thực hiện hoặc thực hiện thiếu sẽ bị giảm trừ. Do vậy, khi nghiệm thu bị trừ tiền, đã nảy sinh tranh cãi. Ngoài ra, cán bộ Ban QLDA cũng không năm vững được đầy đủ các quy định nên không có hướng dẫn giải thích kịp thời cho JTEC.

Chính vì không được nghiệm thu thanh toán MSR, nhà tư vấn đã nhiều lần không chịu hợp tác, gây sức ép, không hoàn thiện báo cáo đánh giá thầu giai đoạn 1 nếu Ban QLDA không nghiệm thu MSR. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây chậm tiến độ hợp đồng tư vấn nói riêng và cả dự án cáp quang biển Bắc Nam nói chung.

Đến dự án cáp… phế thải

Tính đến thời điểm cuối năm 2007, có thể thấy những vướng mắc và bất đồng trong quá trình triển khai, nghiệm thu giữa nhà thầu tư vấn JTEC/KEC và Ban QLDA cáp quang biển Bắc –Nam là nguyên nhân chính khiến quá trình lập hồ sơ mời thầu cho gói thầu thi công chính bị chậm trễ, kéo dài tới 3 năm, đến tháng 12/2007 mới phê duyệt được Hồ sơ mời thầu, tháng 01/2008 phát hành Hồ sơ mời thầu.

Với một lĩnh vực có sự phát triển nhanh như viễn thông, thì khoảng thời gian 3-5 năm đã đủ để thay mới một thế hệ công nghệ hiện đại hơn. Chính vì vậy, yêu cầu kỹ thuật ban đầu cho tuyến cáp quang 8 sợi dung lượng 60Gbps không còn phù hợp với nhu cầu thực tế, dẫn đến phải điều chỉnh yêu cầu kỹ thuật gói thầu (lên thành cáp quang 24 sợi, dung lượng 320Gbps).

Việc điều chỉnh yêu cầu kỹ thuật gói thầu chính kéo theo việc phải đàm phán lại với nhà thầu trúng thầu về giá để tăng dung lượng truyền dẫn, lập hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư để VNPT trình Bộ TT&TT, thẩm tra tổng mức đầu tư, đề nghị nhà thầu gia hạn hồ sơ dự thầu… Nhưng quan trọng nhất là tổng mức đầu tư của dự án đã bị đội lên cao hơn mức ban đầu khá nhiều (lên tới 3.494 tỷ VNĐ), chủ yếu do biến động về tỷ giá giữa đồng Yên Nhật (JPY) và VNĐ.

Chính vì những lý do này, sau khi tập đoàn VNPT báo cáo Bộ TT&TT và Bộ TT&TT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, ngày 26/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý đề nghị ngừng Dự án cáp quang biển Bắc – Nam của VNPT. Sau 10 năm triển khai, dự án đã tiêu tốn hơn 130 tỷ VNĐ cho các chi phí triển khai, thiết kế khảo sát, thuê nhà thầu tư vấn, xây dựng nhà trạm cho các điểm cập bờ… nhưng chưa biết sẽ thanh toán vốn vay bằng cách nào, vì dự án đã ngừng nên không thể sử dụng nguồn vốn ODA để trả.

Sự yếu kém của nhà tư vấn và thiếu chủ động của Ban QLDA cũng là nguyên nhân khiến cho việc chấm thầu ở gói thầu thi công chính tiếp tục gặp trục trặc, phải mất thêm 4 năm nữa mới có kết quả đấu thầu. VietNamNet sẽ phân tích những nguyên nhân khiến quá trình chấm gói thầu chính tiếp tục bị chậm trễ trong bài viết tiếp theo.

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM