Động cơ nào để TPG rót tiếp 50 triệu USD vào mảng nông nghiệp của Masan?

03/07/2013 08:10 AM | Kinh doanh

Đây là thương vụ lớn nhất của TPG tại Việt Nam trong 7 năm qua. Tháng 3/2013, TPG đã rót 900 triệu USD vào Inghams – công ty gia cầm lớn nhất của Úc. Liệu TPG có tham vọng đưa Proconco thành “Inghams phẩy” không?

Quỹ đầu tư tăng trưởng của TPG - Mỹ vừa mua lại 49% sở hữu của Masan Agriculture với giá 50 triệu USD. Masan Agriculture (Hoa Mười Giờ) là công ty đang sở hữu 40% cổ phần CTCP Sản Xuất Thức Ăn Gia Súc Việt Pháp - Proconco (Cám Con Cò). Với giao dịch này, TPG đang tin tưởng gửi gắm “giấc mơ nông nghiệp” của mình ở Việt Nam cho đối tác Masan.

Từ Inghams đến Proconco

TPG bắt đầu vào Việt Nam từ tháng 10/2006 với khoản đầu tư 36,5 triệu USD cùng với Intel Capital vào CTCP FPT dưới dạng cổ phiếu mới phát hành. Đến cuối năm 2009, TPG tiếp tục đầu tư 35 triệu USD vào CTCP Tập đoàn Masan.

Với thương vụ FPT, TPG đã bán 6 tháng sau đó – ngay khi hết thời gian bắt buộc nắm giữ CP và thu về mức lợi nhuận gấp 3-4 lần khoản đầu tư ban đầu. Với Masan, chưa đầy 3 năm sau, giá trị đầu tư của TPG tại Masan được cho là đã tăng đến 5 lần.

Thành công của 2 thương vụ này, TPG đã chọn Hà Nội là nơi tổ chức Hội nghị các nhà đầu tư thường niên năm 2013. Điểm nhấn của Hội nghị này là cơ hội trong ngành hàng tiêu dùng ở Việt Nam.

Tỷ phú David Bonderman – một trong 2 nhà sáng lập quỹ TPG khi trả lời báo chí đã nói rằng: “Việt Nam là quốc gia với gần 100 triệu dân, tăng trưởng tương đối nhanh và chưa khai thác hết tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân”. Ông cũng cho rằng Việt Nam nói riêng và Châu Á nói chung đang “ngày càng hấp dẫn để đầu tư”

TPG đã chứng minh không nói xuông bằng thương vụ đầu tư 50 triệu USD vào Masan Agriculture. Với thương vụ này, TPG đã chọn đi vào ngành nông nghiệp của Việt Nam thông qua việc liên kết đầu tư với tập đoàn Masan. Đây cũng là khoản đầu tư lớn nhất trong 3 khoản đầu tư của TPG tại Việt Nam trong gần 7 năm qua.

Inghams là nhà sản xuất gia cầm lớn nhất Australia

Cũng cần nói rằng trong lĩnh vực nông nghiệp, TPG có một thương vụ đình đám thế giới trong quý I/2013 là vụ mua lại Inghams – công ty gia cầm lớn nhất Australia với giá 880 triệu đô la Úc (khoảng 900 triệu USD).

Inghams có quy trình khép kín từ sản xuất thức ăn, chăn nuôi, giết mổ, tới phân phối thịt sạch đến người tiêu dùng. Trong thị trường gia cầm ở Australia, Inghams cùng nhà cung cấp Baiada kiểm soát hơn 70% thị phần và doanh số của công ty này trong năm 2012 lên đến 2,2 tỷ đô la Úc (khoảng xấp xỉ 2,5 tỷ USD).

Vì sao “con cáo TPG” thích Masan?

TPG đang thành công với khoản đầu tư 35 triệu USD trước đây ở Masan. Nhưng điều đó không giúp giải thích tại sao TPG lại tiếp tục chọn Masan trong chiến lược đầu tư mới. Bởi TPG đã đầu tư vào FPT và đã bán đi rất nhanh rồi không quay lại.

Có lẽ phần trả lời của tỷ phú David Bonderman trước báo chí giúp lý giải một phần. Theo ông, Masan là khoản đầu tư lớn nhất của TPG ở Việt Nam. Ông cho rằng: “chúng tôi rất thích cách quản lý ở đây. Họ (Masan) đang làm việc rất tốt. Đó cũng là thứ chúng tôi đang tìm kiếm ở châu Á cũng như ở bất cứ đâu”.

Công thức của Masan là kết hợp tri thức bản địa, chuyên môn quốc tế, và nguồn vốn mạnh. Với công thức này, Masan đã thành công trong nhiều khoản đầu tư mà tập đoàn này thực hiện.

Trước hết, Masan đã xây dựng Masan Consumer thành một công ty hàng tiêu dùng hàng đầu của Việt Nam chỉ trong khoảng thời gian 5 năm. Trong 5 năm này, Masan Consumer đã tăng doanh thu thường niên gấp 5 lần và lợi nhuận sau thế gấp 7 lần.

Nhờ đó, giá trị thị trường của Masan Consumer đã tăng từ mức 300 triệu USD (2008) lên khoảng 2,3 tỷ USD hiện nay. Các sản phẩm của Masan Consumer như tương Chinsu, nước mắm Nam Ngư hay mì ăn liền Omachi đã trở nên thân thuộc và là đồ ăn hàng ngày của phần lớn các gia đình Việt.

Tiếp đó là sự thành công của Masan trong lĩnh vực khai khoáng. Sau khi tiếp nhận dự án Núi Pháo từ Dragon Capital cuối năm 2010, Masan đã huy động được tới hơn 400 triệu USD từ các nhà đầu tư và đối tác tài chính trong và ngoài nước cho dự án. Theo tiến độ, dự án Núi Pháo được vào khai thác trong Quý II/2013.

Masan mới đặt một chân vào thị trường nông nghiệp khi mua
40% cổ phần (chưa đủ mức kiểm soát) của Cám Con Cò.

Các mô hình tương tự về việc kết hợp giữa tri thức địa phương, công nghệ quốc tế, và nguồn vốn mạnh đang được Masan áp dụng trong các khoản đầu tư khác ở như tại Vĩnh Hảo và VinaCafe Biên Hòa.

Vì vậy, không khó hiểu là tại sao TPG lại kỳ vọng Masan sẽ tiếp tục vận dụng công thức này tại Proconco. Masan đã nêu rõ kế hoạch xây dựng một chuỗi giá trị “giống sạch – thức ăn sạch – nuôi sạch – chế biến sạch – phân phối, bảo quản sạch” và đưa vào vận hành trong năm 2013.

Nếu kế hoạch của Masan thành công, Masan Agriculture sẽ sớm mang dáng vóc của tập đoàn Inghams. Giúp Masan Agriculture trở thành một “Inghams phẩy” có lẽ là tham vọng của TPG khi đầu tư vào công ty này.

Được thành lập từ năm 1992 bởi hai tỷ phú David Bonderman và James Coulter, TPG (Texas Pacific Group) hiện nay là một trong những tập đoàn đầu tư tư nhân với lượng tài sản quản lý trị giá 56,7 tỷ USD. Quỹ đầu tư tăng trưởng của TPG – TPG Growth có tổng mức tài sản đang quản lý khoảng 3,7 tỷ USD.


Q. Nguyễn

quynhnn

Cùng chuyên mục
XEM