Đôi cánh của Icarus - Sự cố của Gỗ Trường Thành

04/10/2013 10:10 AM | Kinh doanh

Muốn bay cao trên đôi cánh yếu ớt.

Nội dung nổi bật:

+ Đợt tăng vốn khủng năm 2007 đã giúp Trường Thành có được nguồn vốn khổng lồ, giúp công ty mở rộng đầu tư sản xuất. Trường Thành đã trở thành doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ lớn nhất Việt Nam.

+ Có lượng vốn chủ lớn trong tay, Trường Thành dễ vay nợ nhiều hơn. Gánh nặng nợ nần ngày càng tác động mạnh tới tình hình kinh doanh của công ty.


Đôi cánh của Icarus

Trong thần thoại Hy Lạp có câu chuyện về chàng trai trẻ Icarus được nhận đôi cánh bằng sáp gắn lông chim khiến anh ta có thể tự do bay lượn trên bầu trời. Quá thích thú với việc bay lượn, Icarus quên đi cảnh báo rằng bay quá gần mặt trời có thể khiến đôi cánh bị tan chảy và rơi xuống biển sâu từ giã cõi đời.

Cách đây 6 năm, Gỗ Trường Thành chỉ là một doanh nghiệp gỗ “thường thường bậc trung” với vốn điều lệ chỉ có 50 tỷ đồng cùng doanh thu xấp xỉ 500 tỷ.

Một năm sau đó, bước ngoặt lớn đã đến với Gỗ Trường Thành, tựa như Icarus có được đôi cánh. Vào thời điểm thị trường chứng khoán sốt nóng, công ty đã phát hành được thêm gần 10 triệu cổ phiếu, thu về gần 570 tỷ đồng, tương ứng giá bình quân là gần 57.000 đồng/cp. Không ít nhà đầu tư lớn đã chấp nhận trả mức giá hơn 70.000 đồng/cp.

Khoản tiền “trong mơ” này đã giúp quy mô của Trường Thành phồng lên nhanh chóng, công ty liên tục “bay cao hơn” bằng cách vung tiền vào nhiều khoản đầu tư lớn. Quá trình đầu tư tăng trưởng nóng đã giúp công ty trở thành doanh nghiệp nội địa lớn nhất trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu gỗ với doanh thu những năm gần đây đều đạt 2-3 nghìn tỷ đồng.

Tồn kho quá lớn khiến Trường Thành bị mắc kẹt một lượng vốn lớn.
Lượng vay nợ tăng mạnh qua các năm trong khi vốn chủ sở hữu hầu như không đổi


Mắc kẹt với tồn kho và nợ nần

Kể từ năm 2008, với nguồn vốn chủ lớn trong tay, Trường Thành cũng dễ dàng vay nợ hơn để thực hiện những dự án của mình. Số tiền vay luôn ở mức cao và liên tục gia tăng trong khi vốn chủ sở hữu hầu như không thay đổi.

Vay nhiều trong khi mặt bằng lãi suất cao đã dẫn đến việc công ty phải gánh những khoản trả lãi vay khổng lồ. Hệ quả là lợi nhuận thu về rất khiêm tốn so với quy mô tài sản công ty.

Không những vay nhiều, Trường Thành lại chủ yếu vay với kì hạn ngắn, dẫn đến việc lúc nào cũng phải lo trả nợ. Nguồn vốn ngắn hạn cũng lại được tài trợ cho rất nhiều khoản đầu tư dài hạn. Đây cũng là sai lầm mà taxi Mai Linh đã mắc phải.

Đến cuối tháng 6 năm nay, hàng tồn kho của công ty đã lên đến hơn 2 nghìn tỷ, chiếm 2/3 tài sản của công ty. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cả nghìn tỷ đồng tiền vay cũng đang nằm kẹt trong kho.

Với những bất cập trên thì khi hoạt động kinh doanh có chút đình trệ thì rõ ràng Trường Thành sẽ thiếu hụt dòng tiền trả nợ. 

Giờ đây, Trường Thành đang phải ngồi lại với các ngân hàng để giãn nợ tháo gỡ khó khăn. Hiện công ty đang nợ 13 ngân hàng với số tiền xấp xỉ 1.200 tỷ đồng. Trước mắt, công ty sẽ được gia hạn 1 năm với hạn mức vay hiện hữu kể từ ngày 1/9/2013.

Giãn nợ cũng chỉ là biện pháp nhất thời, quan trọng nhất là tình hình tiêu thụ sản phẩm của công ty. Đến tháng 9/2014, các ngân hàng sẽ xem xét lại triển vọng kinh doanh của Trường Thành để xem có duy trì tiếp việc cho vay hay không.


Cũng là một doanh nghiệp chế biến gỗ, với doanh số chưa bằng 1/10 nhưng lợi nhuận của Gỗ Đức Thành lại ăn đứt Gỗ Trường Thành. Khác biệt chủ yếu là Trường Thành chuyên sản xuất bàn ghế thì Đức Thành chuyên về chế tác đồ chơi trẻ em cũng như vật dụng trong nhà như thớt, móc áo.

Trao đổi với VietNamnet ông Võ Trường Thành – Tổng Giám đốc công ty không giấu diếm: “sản xuất kinh doanh của Công ty chúng tôi trong hai năm qua suy yếu dần bởi tồn kho nguyên liệu cao và ngân lưu yếu kém dẫn tới không thực hiện được kế hoạch kinh doanh như đã hoạch định, lượng tiền đầu tư lớn vào trồng rừng nhiều năm qua, chưa thu hoạch được, và chỉ bắt đầu khai thác từ tháng 12/2013 kéo dài đến tháng 5/2014”.
Xem thêm: 
Ông trùm Gỗ Trường Thành có một năm để thoát nợ


Khả Hãn

duchai

Cùng chuyên mục
XEM