Doanh nghiệp với AEC & TPP: Tư duy 90 hay 600?

11/09/2015 17:23 PM | Kinh doanh

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao cho rằng khi hội nhập với ASEAN hay TPP, chúng ta thường nói cạnh tranh là việc của doanh nghiệp, điều đó đúng nhưng chưa đủ, vì cạnh tranh còn là câu chuyện giữa các Chính phủ, các thể chế chính sách đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao cho rằng khi hội nhập với ASEAN hay TPP, chúng ta thường nói cạnh tranh là việc của doanh nghiệp, điều đó đúng nhưng chưa đủ vì cạnh tranh còn là câu chuyện giữa các Chính phủ, các thể chế chính sách đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Đây là chia sẻ của bà Vũ Kim Hạnh tại buổi họp báo công bố “Vietnam CEO Forum 2015 với chủ đề: CEO 3.0: Khởi đầu sứ mệnh – Tư duy 90 hay 600?” diễn ra ngày 24/9 sắp tới tại TPHCM.

Bà Hạnh chia sẻ, mặc dù vẫn có một bộ phận thiểu số các doanh nghiệp Việt tận dụng những cơ hội từ hội nhập mang lại để phát triển nhưng đa số các doanh nghiệp vẫn chưa có sự chuẩn bị tốt. Hơn 90% các doanh nghiệp Việt là vừa và nhỏ. Đó là câu chuyện mà ai cũng biết. Tuy vậy còn một câu chuyện khác, không hẳn ai cũng biết.

Bà Hạnh kể, ra khỏi địa bàn Hà Nội và TPHCM, số doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn chiếm rất nhiều và điều quan tâm duy nhất của họ không phải là AEC, mà là làm sao bán được hàng, làm sao giải phóng hàng tồn kho, làm sao để tồn tại, ngay như việc bán hàng online vẫn còn là câu chuyện rất xa đối với họ.

Tương tự bà Hạnh, ông Lê Trí Thông, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn bảo hiểm nhân thọ và Tài chính Prudential Việt Nam, đưa ra hình ảnh ví von “doanh nghiệp như những tay chèo, còn người lái con thuyền là những nhà hoạch định chính sách. Tay lái và tay chèo cần phối hợp nhịp nhàng với nhau nếu muốn cạnh tranh trong hội nhập.”

Ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc công ty CP Vật liệu Xây dựng Secoin chia sẻ nhận xét của một người bạn nước ngoài của ông về những câu chuyện khủng hoảng tại Việt Nam. Cụ thể, ông thuật lại lời bạn ông nói, Việt Nam hiện có nhiều khủng hoảng, nhưng khủng hoảng lớn nhất là câu chuyện niềm tin trong giới doanh nghiệp.

Vietnam CEO Forum 2015 hứa hẹn là “phát súng” tiên phong khơi mào cho sứ mệnh dành cho CEO Việt Nam trong việc phải đưa Việt Nam trở thành quốc gia “chiến thắng” trong cuộc chơi hội nhập quốc tế mà trước hết là ASEAN. Sứ mệnh đó bắt đầu bằng câu hỏi cho một tư duy chiến lược 90 hay 600?

Cuối năm 2015, Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và sẽ tham gia TPP trong tương lai gần. Tham gia AEC đồng nghĩa với việc 10 quốc gia trong khối ASEAN có thể tự do giao thương, tự do đầu tư, tự do di chuyển vốn và tự do dịch chuyển lao động có kỹ năng mở ra một thị trường lớn, vượt ra ngoài ranh giới của thị trường Việt Nam (với hơn 90 triệu dân).

AEC đang mang đến cơ hội tiếp cận thị trường tăng hơn 6 lần so với thị trường nội địa thuần tuý, nhưng doanh nghiệp Việt Nam buộc phải đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt tầm AEAN không chỉ tại “sân nhà” mà cả trên “sân khách”.

“Thị trường lớn hơn với 600 triệu người tiêu dùng ASEAN, áp lực cạnh tranh tầm ASEAN, dù muốn hay không doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi tư duy để hoàn thành sứ mệnh của mình”, ông Trần Đức Huy, Trưởng Ban tổ chức Vietnam CEO Forum 2015 chia sẻ quan điểm chung mà Diễn đàn năm nay hướng đến nhân sự kiện Việt Nam gia nhập AEC sắp tới. 

Và theo ông Huy thì sứ mệnh chỉ có thể thực thi khi thế hệ CEO 3.0 – thế hệ CEO Việt Nam thời hội nhập sẵn sàng đón nhận và thay đổi tư duy với thái độ tích cực nhất trước khi bước vào cuộc chơi lớn trong tương lai.

Dự kiến sẽ có sự tham gia của hơn 20 diễn giả hàng đầu trong nước và quốc tế, thu hút 1.000 CEO trong và ngoài nước, thảo luận chia sẻ 6 chủ đề mang tính thời sự sống còn của CEO Việt gồm: “Phòng thủ hay tấn công?”; Hợp tác hay đối đầu?”; Dẫn đầu hay theo gót?...

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM