Doanh nghiệp FDI đã bớt lỗ?

06/11/2014 12:05 PM | Kinh doanh

“Số lượng doanh nghiệp FDI kê khai thua lỗ từ đầu năm đến nay đã giảm rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp đã tự giác hơn trong kê khai, điều chỉnh chi phí”, Phó TGĐ Deloitte Việt Nam Bùi Ngọc Tuấn cho biết.

Đây có thể được coi là tín hiệu vui trong công cuộc chống chuyển giá của Việt Nam?

Lỗ sau kiểm tra ngày càng ít

Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam Bùi Ngọc Tuấn cho rằng hiệu quả của việc thanh tra chuyển giá được thể hiện qua kết quả khả quan trong các năm qua. “Các doanh nghiệp FDI cũng đã nhận thấy vấn đề này và đang tự giác điều chỉnh kết quả hoạt động kinh doanh về mức giá thị trường, tránh bị phạt thuế nếu bị thanh tra chuyển giá sau này”, ông cho biết.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho rằng cơ quan thuế Việt Nam vẫn đang nỗ lực trong việc chống chuyển giá của khối doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài).

Bà Cúc lấy dẫn chứng: Năm 2010, cơ quan thuế thanh tra 575 doanh nghiệp lỗ từ 2005 – 2009, kết quả giảm lỗ được 4.006 tỷ đồng, truy thu được 212 tỷ.

Năm 2011, kiểm tra 856 doanh nghiệp lỗ, giảm lỗ 4.400 tỷ, truy thu và phạt 1.650 tỷ đồng.

Năm 2013, kiểm tra 1.233 doanh nghiệp lỗ, có dấu hiệu chuyển giá thì truy thu, giảm lỗ 1.600 tỷ đồng.

Có thể thấy, con số giảm lỗ của các doanh nghiệp FDI sau kiểm tra giảm đáng kể qua các năm.

Hiệu quả chống chuyển giá đến đâu?

Mặc dù ghi nhận nỗ lực của cơ quan thuế Việt Nam, bà Cúc nhận định hiệu quả thu được của cơ quan thuế chưa cao, và Việt Nam vẫn gặp khó trong công cuộc chống chuyển giá.

Vấn đề chuyển giá là vấn đề của quốc tế. Trong khi đây là vấn đề khá mới ở Việt Nam nên kinh nghiệm và trình độ để đối phó với hành vi này là còn hạn chế. Cơ quan thuế Việt Nam vẫn đang nỗ lực, tuy nhiên hiệu quả thì chưa được cao”, bà Cúc cho biết.

Khi nói về chuyển giá, có thể chúng ta biết, nhưng để kiểm tra, có chứng cứ, thu được thuế là điều không dễ. Vì chuyển giá là một hình thức trốn thuế, phần lẽ ra phải nộp thuế ở Việt Nam thì họ chuyển về công ty mẹ ở nước ngoài, từ đó khiến Việt Nam bị thiệt thòi”.

Theo bà Cúc, chuyển giá có hai khía cạnh: Thứ nhất, thông qua nâng giá thiết bị, công nghệ, vật liệu từ công ty mẹ ở nước ngoài vào Việt Nam... từ đó khiến chi phí của công ty ở Việt Nam cao lên, dẫn tới thua lỗ. Đây là hình thức phổ biến.

Ví dụ, họ nhập vật tư, thiết bị từ doanh nghiệp mẹ chuyển vào, khai tăng lên khiến doanh nghiệp trong nước lỗ, trong khi công ty mẹ vẫn lãi.

Thứ hai là chiều từ Việt Nam đi, tức là lẽ ra phải xuất hàng hoá bằng giá thị trường thì họ lại khai thấp đi để bán ở nước ngoài từ đó khiến công ty ở Việt Nam bị lỗ.

Hoặc họ có thể dùng các công ty tư vấn của công ty mẹ để định giá tư vấn cao lên, mục đích cuối cùng là tăng chi phí, giảm doanh thu để từ đó tránh được thuế.

“Muốn chống được chuyển giá thì phải có biện pháp để tìm ra bằng chứng thì mới có thể truy thu được. Nhưng câu chuyện chống chuyển giá không chỉ là của Việt Nam mà là của khu vực và quốc tế, vì muốn kiểm tra được vấn đề đó thì phải biết giá đầu vào cùng một mặt hàng đó khi chuyển vào Việt Nam là bao nhiêu, còn chuyển vào các nước khác là bao nhiêu?

Khó ở chỗ là không có cơ quan nào cung cấp cho mình giá đó, vì thông thường cơ quan thuế các nước cũng phải bảo vệ doanh nghiệp của họ”, bà Cúc nói.

TS. Lê Đăng Doanh – chuyên gia kinh tế - cho rằng hiện tượng chuyển giá xuất hiện ở nhiều nước và ta không nên quá “hốt hoảng” hay “bi kịch hóa” hiện tượng này.

Không nên có những phản ứng có tính chất kỳ thị hay lên án dựa trên cảm tính. Trong cái sai của họ cũng có cái yếu kém của mình. Vì vậy, phát hiện phải dẫn đến hoàn chỉnh khung pháp luật và nâng cao tính chuyên nghiệp của các cơ quan và chuyên viên của Việt Nam”, TS. Doanh nhận định.

Bên cạnh đó, ông cho hay: Các doanh nghiệp thường xuyên phản ánh bị thanh tra quá nhiều lần, thanh tra kéo quá dài, và rất phức tạp, chồng chéo.

Theo tôi, việc thanh tra kiểm tra nên được quy định rõ ràng và tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. Công khai, minh bạch sẽ tránh được những cảm nhận không thuận lợi của các doanh nghiệp. Rất mong các cơ quan có liên quan phối hợp để giảm bớt sự phiền hà đối với doanh nghiệp”, TS. Doanh bày tỏ.

Đầu năm nay, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thực hiện một phân tích về hoạt động chuyển giá tại Việt Nam. Kết quả cho thấy khoảng 20% doanh nghiệp FDI tham gia điều tra đã thực hiện việc chuyển lợi nhuận nhằm giảm gánh nặng thuế.

Để hạn chế tình trạng này, nhóm nghiên cứu của VCCI đề xuất hạ thấp mức thuế thu nhập doanh nghiệp ngang bằng mức thuế mà doanh nghiệp được hưởng tại nước xuất xứ sẽ làm giảm đáng kể động cơ chuyển giá.

Từ đầu năm nay, thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông được giảm từ 25% xuống còn 22%. Mức thuế suất này sẽ giảm tiếp còn 20% từ ngày 01/01/2016. Mặc dù liên tục có tín hiệu giảm, mức thuế đã giảm vào năm 2016 của Việt Nam vẫn còn cao hơn của mức thuế hiện tại của Hongkong với thuế suất chỉ 15%.

>> Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn doanh nghiệp FDI

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM