Doanh nghiệp đồ gỗ Việt: Quay về sân nhà đã mất, sức mỏng đỡ lực kiệt?

18/11/2011 10:05 AM |

Liên kết giữa nhà phân phối được xem là giải pháp tối ưu đối với các nhà sản xuất ngành công nghiệp đồ gỗ trong chiến lược quay về sân nhà đã mất - về với thị trường nội địa.


Quay về sân nhà đã mất

Năm 2010, với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD, ngành gỗ Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 35%, trong đó, tính cả sự góp mặt của các nhà đầu tư nước ngoài.

So với năm 2009, thị trường xuất khẩu đồ gỗ có mức phục hồi đáng kể, điển hình thị trường Mỹ tăng 15%, các nước EU tăng 8%.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng đã tiếp cận thêm một số thị trường mới, tiềm năng như Nga, Ấn Độ và Trung Đông...

Tuy nhiên, trở về thị trường nội địa vẫn là hướng đi căn cơ của nhiều DN. Có không ít DN chọn giải pháp trở về thị trường nội địa nhưng cho đến nay, tại sân nhà, các sản phẩm đồ gỗ nhập khẩu đã chiếm đến 75% thị phần.

Hiện nay, thị trường đồ gỗ nội thất trong nước có doanh thu khoảng 1 tỷ USD nhưng có tới 80% trong số đó thuộc về các sản phẩm nhập từ Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông và Thái Lan...

“Do đó, nếu không có sự thay đổi, thì nguy cơ mất thị phần sẽ là điều sớm muộn”, ông Nguyễn Quốc Khanh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kiến trúc Xây dựng AA, cảnh báo.

Theo ông Đỗ Thanh Dũng, Giám đốc Công ty Thanh Dũng chuyên về nội thất là hệ thống phân phối yếu kém. Ngoài ra, người tiêu dùng sính ngoại, thích gỗ nước ngoài hơn dù hàng trong nước không thua kém. Muốn thắng tại thị trường nội địa, DN phải nỗ lực lớn, nhất là về mẫu mã và giá cả hợp với thu nhập của số đông.

Mấu chốt của sự việc cũng đã được các DN trong ngành gỗ đem ra phân tích tại hội thảo “Xu hướng phát triển ngành nội thất Việt Nam và hệ thống phân phối sản phẩm đồ gỗ trang trí nội thất” do HAWA vừa tổ chức.

Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng, một nguyên nhân khác là do nhà sản xuất chưa tiếp cận được các nhà phân phối. Mặt khác, tại Việt Nam chưa có nhà phân phối tầm cỡ đối với các sản phẩm nội và ngoại thất.

Ở nhiều nước, các nhà phân phối lớn có thể có hàng trăm, thậm chí cả ngàn cửa hàng trên thế giới. Theo đó, đơn hàng được đặt từ nhà sản xuất đôi khi lên đến vài chục container.

Như vậy, chỉ cần 5 - 10 đơn hàng/năm, DN cũng đã ổn định sản xuất và có thể đảm bảo được lợi nhuận. Tuy nhiên, Việt Nam không có những nhà phân phối lớn cỡ như vậy. Các nhà phân phối hiện nay chỉ cân nhắc những mặt hàng với số lượng ít, sẽ rất phiêu lưu đối với nhà sản xuất.

Xốc lại hệ thống phân phối

Một trong những “mô hình” về sự hợp lực các nhà phân phối nhỏ đồ gỗ được cho là thành công nhất hiện nay là thành phố Phật Sơn, Quảng Đông (Trung Quốc) với hơn 10.000 gian hàng, bán đủ loại đồ gỗ “thượng vàng, hạ cám”, được xem là nơi phân phối đồ gỗ cho cả thế giới.

Năm 2010, doanh thu mặt hàng gỗ của Phật Sơn đã lên đến 4 tỷ USD. Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, đại đa số các nhà phân phối lớn tại Việt Nam đều đang mua hàng ở Phật Sơn, vì mức lợi nhuận khá cao.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Anh, nhà phân phối nội thất Việt May Depot, để tạo điều kiện cho nhà sản xuất đến với nhà phân phối thì các nhà sản xuất Việt Nam cần phải có một chiến lược rõ ràng về sản xuất hàng trong nước. Chiến lược đó phải xuất phát từ tính ứng dụng của sản phẩm.

Hiện nay, đã có một số DN gỗ sản xuất bàn máy vi tính, bàn văn phòng tiêu thụ rất tốt, hoặc những đồ dùng văn phòng giá rẻ... Do đó, vấn đề còn lại là ở giá thành, chất lượng cũng như cách tiếp cận sản phẩm. Việt Bay Depot đang phân phối chính thức các sản phẩm đồ gỗ của Hoàng Anh Gia Lai.

Bên cạnh đó, DN cũng mong muốn tìm thêm những những nhà sản xuất có các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Qua đó, từng bước mở rộng, đẩy mạnh thị trường nội địa.

Theo phân tích của ông Vũ Văn Anh, đứng vị trí là nhà sản xuất, DN đang cố mọi cách để phân phối sản phẩm ở thị trường trong nước. Từng bước nâng doanh số ở thị trường nội địa, giành lại thị phần từ các nhà nhập khẩu nước ngoài, đặc biệt là những hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc.

Nhận định thêm về vấn đề này, ông Heiko Woerner, Trưởng hợp phần 2, Chương trình Lâm nghiệp Việt Đức, cho biết, thị trường nội địa Việt Nam có rất ít thông tin để tiến hành nghiên cứu về thị trường, không có thông tin cụ thể về các sản phẩm, các loại hàng hóa... do hệ thống phân phối quá nhỏ, thiếu tính chuyên nghiệp.

Vì vậy, rất khó để xác định tỷ lệ hàng hóa nội thất Việt Nam tại thị trường nội địa. Do đó, tháng tới, HAWA sẽ phối hợp với chương trình Lâm nghiệp Việt Đức và các DN thành viên trong Hội tiến hành khảo sát thị trường ở một số lĩnh vực, ban đầu là phòng ngủ, phòng khách, bếp và sàn nhà.

Bên cạnh việc thực hiện hội chợ ảo trên trang web của HAWA, nhằm khảo sát nhu cầu phân phối hàng hóa của DN trong ngành, cũng như tạo cầu nối cho sự bắt tay hợp lực giữa hai nhà sản xuất và phân phối.
 

Theo PHAN LÊ

Doanh nhân Sài Gòn

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM