Điều gì đang đợi Alibaba?

18/09/2015 17:39 PM | Kinh doanh

Trên thực tế, nhiều rắc rối của Alibaba đến từ nền kinh tế Trung Quốc - điều mà họ khó có thể kiểm soát.

Chỉ cách đây 1 năm, Alibaba là cái tên “nổi như cồn” với vụ IPO lớn nhất trong ngành công nghệ. Alibaba là “ông hoàng thương mại điện tử” của Trung Quốc trong thời nền kinh tế bùng nổ và chi tiêu tiêu dùng tăng trưởng vững chắc. Cổ phiếu của Alibaba đã ngay lập tức tăng 76% trong 2 tháng sau IPO.

Tuy nhiên, sau khởi đầu hoành tráng là một cú trượt dài. Alibaba bị Chính phủ Trung Quốc điều tra vì những tố cáo bán hàng giả hàng nhái, một số thương vụ khiến nhà đầu tư rối trí và hãng phải thay cả CEO sau khi doanh thu tăng trưởng chậm lại. Quan trọng hơn cả, nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều rắc rối và do đó chi tiêu tiêu dùng – điều thực sự cần thiết đối với Alibaba – bị thu hẹp. Cổ phiếu của Alibaba liên tục giảm điểm và hiện đã xuống dưới mức giá IPO.

Jack Ma, Chủ tịch và cũng là người sáng lập của Alibaba – không phải là người luôn “chiều chuộng” các nhà đầu tư. Trong lá thư gửi kèm theo hồ sơ IPO, ông đã nói rằng cổ đông chỉ là ưu tiên thứ 3, xếp sau khách hàng và nhân viên của Alibaba. Jack Ma và các đồng nghiệp không muốn những biến động trong ngắn hạn của thị trường khiến họ xao nhãng việc xây dựng một doanh nghiệp thành công trong dài hạn.

Trên thực tế, nhiều rắc rối của Alibaba đến từ nền kinh tế Trung Quốc - điều mà họ khó có thể kiểm soát. Mặc dù Alibaba có một vài bước đi chệch hướng trong năm đầu tiên, nguyên nhân khách quan nhiều hơn so với nguyên nhân chủ quan.

Điều gì đang xảy ra với Alibaba?

Các nhà đầu tư đã cùng Alibaba chứng kiến 128 tỷ USD giá trị vốn hóa biến mất không nên hi vọng Alibaba sẽ sớm hồi phục. Theo chuyên gia James Cordwell của công ty chứng khoán Atlantic, dự báo rằng kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ khiến tăng trưởng của các giao dịch thương mại điện tử giảm mạnh cho đến ít nhất là năm 2016.

Trong khi đó những thương vụ mà Alibaba đã hoàn tất đàm phán đang khiến nhà đầu tư rối trí. Công ty có trụ sở ở Hàng Châu đang cố gắng vươn tầm hoạt động ra bên ngoài Trung Quốc và cả bên ngoài mảng thương mại điện tử. Alibaba đã công bố một loạt các thương vụ có tổng giá trị lên tới 15 tỷ USD. Nhiều khoản đầu tư có chiến lược rõ ràng, nhưng một số còn khá mơ hồ. Điển hình là vụ đầu tư vào đội bóng đá Quảng Châu, một công ty sản xuất điện thoại thông minh có vị trí nhỏ bé trên thị trường Trung Quốc và một hãng phim đang thua lỗ.

Ma vẫn có tầm nhìn để trong thập kỷ tới sẽ hòa quyện tất cả các khoản đầu tư. Mục tiêu là giúp Alibaba trưởng thành, vượt lên trên thương mại điện tử để đầu tư vào sản xuất nội dung giải trí như các bộ phim hay thể thao hay xây dựng hệ thống thanh toán cho riêng các giao dịch mà Alibaba thực hiện.

Alibaba cũng đang dựa vào các khoản đầu tư mới để kết nối thông tin trên website tới các khách hàng ở thế giới thực. Được giới công nghệ biết đến với tên gọi O2O (từ online tới offline), ý tưởng là cho phép người dùng mua được mọi thứ (từ rau của tới bữa tối, một chiếc tivi hay thậm chí là dịch vụ rửa xe) chỉ bằng các thao tác đơn giản trên điện thoại di động. Để biến điều này thành hiện thực, Alibaba đã đầu tư vào một chuỗi siêu thị, nhà bán lẻ đồ điện tử và dịch vụ đi chung xe Didi Kuaidi.

Ngoài những tranh cãi về hàng giả, Alibaba cũng bị giới truyền thông chỉ trích mạnh mẽ. Tuần trước tạp chí của Barron vừa tiên đoán cổ phiếu Alibaba sắp tới ngày tàn và giá cổ phiếu sẽ giảm giá thêm 50%. Đáp lại, Alibaba nói báo cáo này được dựa trên những tính toán không chính xác và thông tin sai lệch.

Những dự đoán lạc quan

Ngược lại, John Choi, chuyên gia phân tích tại Daiwa Capital Markets, cho rằng những yếu tố cơ bản của Alibaba vẫn vững chãi vì thị trường thương mại điện tử vẫn đang tăng trưởng.

“Vấn đề thực sự thuộc về tâm lý của thị trường, ở thời điểm hiện tại tâm trạng về Trung Quốc quá tiêu cực”, Choi – người vẫn nhận định nên mua vào cổ phiếu của Alibaba – nhận định. “Thương mại điện tử là một trong số ít ngành vẫn có được tốc độ tăng trưởng vượt bậc trong lĩnh vực Internet”.

Các chuyên gia phân tích khác cũng không “quay lưng” với Alibaba. Trong số 52 chuyên gia được Bloomberg theo dõi, 44 người khuyến nghị nên mua vào và chỉ có 2 người khuyên bán ra.

Cordwell của Atlantic nhận định dù Alibaba sẽ trải qua 2 đến 3 quý khó khăn trong thời gian tới, những thử thách này sẽ giúp Alibaba trở thành một công ty tốt hơn trong 10 năm tới.

Dẫu vậy, các cổ đông của Alibaba dường như đang tỏ ra bất an. Các tỷ phú Daniel Loeb và George Soros đã bán hết hoặc gần như toàn bộ cổ phiếu ở Alibaba.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM