Địa phương sẽ phải chung chia trách nhiệm nợ công

10/12/2015 21:27 PM | Kinh doanh

Điều này đã được các chuyên gia đặt ra tại Hội thảo khoa học về cơ chế cho vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh do Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) tổ chức sáng 10-12. Hội thảo này nhằm đề xuất khuôn khổ chính sách quản lý chặt khoản vay mới, giảm dần tỷ lệ cấp phát, đảm bảo các chỉ tiêu nợ công.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan quản lý Nhà nước, các viện nghiên cứu, các trường đại học, 15 địa phương ở khu vực phía Bắc và đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.

Còn thiếu bình đẳng

Cho biết về thực trạng cấp vốn cho địa phương thời gian qua, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết: Việc huy động vốn nước ngoài về cho vay lại, hoặc cấp phát của ngân sách Nhà nước hiện nay rất lớn.

Thống kê trong vòng 10 năm qua, vốn cho vay lại tới chính quyền địa phương khoảng 15,5 tỷ USD,  chiếm 1/3 tổng nguồn vốn vay cấp ra. Cơ cấu vốn cho vay lại đầu tư vào cơ sở hạ tầng chiếm 38%; phát triển đô thị 35%; giảm nghèo 23%, dịch vụ xã hội 4%. “Điểm đặc biệt trong thời gian qua, trong tổng số tiền đã cấp cho chính quyền địa phương thì 92,15% là cấp phát” – ông Long nhấn mạnh.

Không chỉ chiếm con số lớn, hiện trạng sử dụng vốn ODA của các địa phương còn nhiều bất cập.

Điều dễ nhận thấy nhất là sự thiếu bình đẳng giữa các địa phương. Thực tế có tình trạng địa phương có sức hút lớn, thu hút được nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn nhưng lại đồng thời nhận cấp phát từ ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, nhiều địa phương nghèo lại rất hạn chế trong việc tiếp cận vốn, thường chỉ tập trung vào một dự án cho vay lại như nước nông thôn, điện nông thôn…

Bên cạnh đó, một số địa phương còn tư tưởng coi vốn vay là vốn tăng thêm từ ngân sách Trung ương, chưa chủ động chỉ đạo thực hiện, không bố trí vốn đối ứng và lại đề nghị Trung ương hỗ trợ.

Xét về chính sách, mặc dù, cơ chế cho vay lại cho chính quyền địa phương đã được xác lập trong Luật Quản lý nợ công, Nghị định 78/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Quản lý nợ công, song cơ chế này vẫn chưa được phát huy, vốn chủ yếu vẫn là cấp phát như một khoản viện trợ, trợ cấp cho các địa phương.

Với thực trạng đó, theo ông Long, điều cần làm là xác lập lại quyền bình đẳng giữa các cấp địa phương khác nhau. Những địa phương có nguồn thu lớn, có khả năng điều tiết về Trung ương phải chia sẻ trách nhiệm với Trung ương trong việc đi vay nợ nước ngoài về đầu tư về các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, nhường phần hỗ trợ lại cho những địa phương nghèo, còn khó khăn về ngân sách.

Bổ sung thêm luận điểm này, bà Nguyễn Xuân Thảo – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại nêu: Theo Luật Ngân sách Nhà nước mới được Quốc hội thông qua đầu năm 2015 và có hiệu lực từ năm 2017, ngân sách địa phương sẽ chính thức được quyền bội chi. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc xác lập mối quan hệ giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương theo hình thức vay nội bộ giữa 2 cấp ngân sách với nhau.

“Hiện nay, chúng ta đang trong bối cảnh nợ công tăng, việc chia sẻ trách nhiệm của Trung ương với địa phương trong việc đi vay lại các nguồn vốn nước ngoài là rất cần thiết để đảm bảo sự công bằng, hợp lý giữa cấp ngân sách ở các địa phương khác nhau" – bà Thảo chia sẻ.

Không chỉ thế, hai chuyên gia đến từ cơ quan quản lý nợ công đều cho rằng: Bên cạnh cơ cấu lại việc cấp phát vốn, một việc quan trọng hơn cả là Trung ương và địa phương đều phải triển khai tích cực hơn nữa những biện pháp mang tính đồng bộ nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng vốn.

Cần "gấp" một cơ chế mới

Đề cập giải pháp, đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho hay, việc cải cách sẽ có lộ trình và không chuyển hẳn sang 100% cho vay lại để tránh “sốc” cho các địa phương.

Bộ Tài chính đề xuất 3 phương án là: Ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 78 hoặc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 78 hoặc tách nội dung cho địa phương vay lại thành một Nghị định riêng.

Phương án thứ 3 đang được Bộ Tài chính cân nhắc nhiều hơn vì ngoại trừ nội dung cho vay lại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì các nội dung khác đang được quy định tại Nghị định số 78 không có vướng mắc nên không nhất thiết phải thay thế văn bản này.

Hơn nữa, việc triển khai cho vay lại đối với địa phương đã trở nên rất cấp thiết nên nếu chờ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 78 thì sẽ chậm trễ, không kịp thời.

Thống nhất với đề xuất này, đồng thời đóng góp thêm, TS. Lê Hải Mơ- Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho rằng, cần thiết đưa ra kỳ hạn trả nợ của các địa phương vào Nghị định mới và kỳ hạn này nên sớm hơn một bước so với những cam kết của Chính phủ với nước ngoài. Đây sẽ là điều kiện để Chính phủ tính toán phương án xử lý và trả nợ đúng hạn.

Ngoài ra, cơ quan chức năng trước khi cho vay lại vốn nước ngoài phải xác định kỹ lưỡng tính cấp thiết của dự án, mức vốn, nhu cầu và khả năng trả nợ của địa phương để đảm bảo nguồn vốn được cấp phát huy hiệu quả.

Hiến kế cho Bộ Tài chính, PGS. TS. Phan Thị Thu Hà, Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nêu ý kiến: "Không thể biến địa phương thành con nợ rồi bêu tên. Bởi vậy, chúng ta cần tổ chức chuyên trách và có kỹ năng cho vay". Theo bà Hà, điều này sẽ xóa tan được nghi vấn về khả năng hoàn trả của các địa phương cũng như tránh các khoản cho địa phương không đòi được trở thành nợ xấu quốc gia.

“Các cơ quan chức năng sẽ vừa làm vừa đánh giá tác động tới Trung ương cũng như địa phương để hoàn thiện cơ chế này” – đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại khẳng định.

Theo Hồng Vân

Cùng chuyên mục
XEM