Địa điểm bí mật này là nơi 'yên nghỉ' của hàng triệu chiếc iPhone cũ

17/02/2016 17:17 PM | Kinh doanh

Tại một nhà máy hợp đồng của Apple ở Hồng Kông, an ninh được thắt chặt 24 giờ mỗi ngày và địa điểm được giữ bí mật. Trong khu nhà máy này, Apple đang vô cùng cẩn trọng tiêu hủy... những chiếc iPhone đã qua sử dụng.

Đây là một trong những số ít nhà máy của Apple được xây dựng để tiêu hủy và tái chế vật liệu từ iPhone.

Cũng giống như việc sản xuất nghiêm ngặt và bảo mật một chiếc iPhone, quy trình tiêu hủy và tái chế sản phẩm này cũng được Apple thực hiện một cách vô cùng cẩn thận nhằm chắc chắn không có bộ phận nào bị mất.

Kể từ năm 2007 khi Steve Jobs giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên, Apple đã bán được hơn 570 triệu chiếc. Thậm chí chính bản thân Apple cũng không xác định được hiện nay có bao nhiêu chiếc iPhone cũ và mới, đang được sử dụng hay bị lãng quên trên thị trường.

Mặc dù vậy, công ty muốn chắc chắn rằng những chiếc iPhone cũ hoặc hỏng mà họ thu thập được sẽ được tiêu hủy hoàn toàn nhằm tránh tiết lộ bí mật kinh doanh.

Tất cả những gì mà mọi người biết đến hiện nay về nhà máy hợp đồng tiêu hủy sản phẩm của Apple tại Hồng Kông là nó nằm ở quận Yuen Long và thuộc quản lý tập đoàn Li Tong.

Đây là nơi “yên nghỉ” của các loại sản phẩm như iPhone, iPad hay iMac.

Mặc dù những thương hiệu công nghệ lớn khác như HP, Huawei, Amazon và Microsoft cũng có các tiêu chuẩn chi tiết cho tiêu hủy và tái chế nguyên vật liệu, nhưng Apple lại có quy định cực kỳ cứng nhắc và khắt khe, từ quy trình cho đến những người tham gia hệ thống này.

Hiện cả Apple và Li Tong đều từ chối cung cấp thông tin về số sản phẩm bị tiêu hủy mỗi ngày hay bao nhiêu đơn vị nguyên liệu được tái chế cũng như quá trình chi tiết. Thậm chí việc tiếp cận cơ sở trên cũng bị công ty từ chối.

Thông thường trong ngành thiết bị điện tử, các công ty sẽ cố gắng thu hồi và tiêu hủy khoảng 70% sản phẩm đã được sản xuất cách đó 7 năm. Tuy nhiên, Apple cho biết tỷ lệ tiêu hủy của hãng thường cao hơn thế, vào khoảng 85% và thậm chí hãng còn tiêu hủy cả những thiết bị không phải của Apple nhưng đi kèm sản phẩm của hãng lúc được thu hồi.

Nếu tiết lộ trên là chính xác, Apple sẽ tiêu hủy tương đương khoảng hơn 9 triệu chiếc iPhone 3GS sản xuất năm 2009 trong năm nay trên toàn thế giới.

Với doanh số bán 155 triệu chiếc iPhone trong năm tài chính vừa qua, ngành công nghiệp tiêu hủy iPhone có lẽ sẽ ngày càng “làm ăn phát đạt”.

Tập đoàn Li Tong không chỉ tái chế cho Apple mà còn ký hợp đồng với nhiều công ty công nghệ khác. Hãng có 3 khu nhà máy ở Hồng Kông và nhiều khu nhà máy khác trên toàn cầu. Công ty ước tính năng suất tái chế của hãng sẽ tăng hơn 20% trong năm nay.

Apple cho biết họ thu thập hơn 40.000 tấn chất thải điện tử tái chế năm 2014, trong đó riêng số nguyên vật liệu thép đã đủ để xây dựng hơn 160 km đường sắt.

Một loạt các công ty như Brightstar, TES-AMM, Li Tong và Foxconn Technology là những nhà sản xuất hợp đồng nổi tiếng cho sản phẩm iPhone.

Các hãng này cũng đa đồng ý tham gia quy trình tiêu hủy và tái chế iPhone với hơn 50 tiêu chuẩn khác nhau, từ hệ thống an ninh, bảo hiểm cho đến kiểm toán đối với chu trình này.

Cả quy trình bắt đầu từ những cửa hàng bán lẻ iPhone hoặc qua mạng trực tuyến. Apple sẽ đề nghị tặng phiếu mua (voucher) cho khách nhằm thu hút người dùng bán lại iPhone cho hãng.

Sau một quá trình kiểm tra nhanh chóng, bên trung gian thứ 3 được phép của Apple sẽ quyết định mua lại sản phẩm để sửa chữa và bán lại ra thị trường hoặc gửi thẳng đến các nhà máy tiêu hủy. Tất nhiên, những chiếc iPhone cũ này sẽ trải qua nhiều thử nghiệm hơn để chắc chắn rằng chúng còn có thể bán lại hay phải tiêu hủy.

Tại Mỹ, một chiếc điện thoại iPhone 4 cũ có giá rẻ nhất vào khoảng 100 USD, còn iPhone 6 Plus cũ có giá rẻ nhất là 350 USD.

Ngay khi các hãng đối tác của Apple xác nhận iPhone cũ mà họ thu mua lại cần bị tiêu hủy, quy trình này sẽ diễn ra tương tự như khi sản phẩm được chế tạo nhưng theo hướng ngược lại.

Hãng Apple trả tiền dịch vụ cho quy trình này và công ty là sở hữu hợp pháp của chiếc iPhone cũ cần tiêu hủy, từ lúc được thu mua lại cho đến khi bị nghiền thành nguyên liệu.

Quá trình tiêu hủy của Apple được cho là bao gồm 10 bước và được thực hiện trong phòng chân không nhằm ngăn chặn 100% các hóa chất hay khí ga thải ra trong lúc tái chế.

Những iPhone cần bị tiêu hủy không thể vận chuyển ra khỏi ngoài khu vực nhận thu mua mà cần được tiêu hủy tại nhà máy gần nhất. Những số liệu lưu trữ trong máy phải bị xóa và tất cả các nhãn hiệu (logo) phải bị dỡ bỏ.

Ngoài ra, Apple cũng không chấp nhận phế liệu sản phẩm của họ bị để chung với thương hiệu khác, vì vậy những nhà máy hợp đồng như Li Tong phải dành riêng một khu nhà máy cho hãng. Thậm chí Apple còn cử nhân viên của họ đến tận nhà máy để giám sát quá trình này.

Thông thường, một số linh kiện như chip có thể được tái sử dụng để sửa chữa điện thoại bị lỗi, nhưng Apple lại có một chính sách hoàn toàn tiêu hủy thành phế liệu.

Rõ ràng, việc tiêu hủy hoàn toàn sản phẩm iPhone tốn nhiều công sức và chi phí hơn là chỉ dỡ bỏ và tái sử dụng bởi nhà máy đều phải tháo thiết bị này theo quy trình chứ không được “nghiền nát” một cách đơn giản.

Chính sách tiêu hủy này của Apple là nhằm tránh tình trạng làm giả iPhone trên thị trường đồ cũ.

Khi đã được nghiền thành phế liệu, “chất thải” iPhone sẽ được lưu trữ ở một cơ sở được cấp phép và các đối tác tiêu hủy có thể phân loại một số nguyên vật liệu như vàng hay đồng để bán. Số còn lại có thể được dùng làm vật liệu sản xuất khung cửa bằng nhôm, kính hay đồ nội thất.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM