Đây là lý do thuyết phục để Zalora rời khỏi Việt Nam

11/12/2015 14:52 PM | Kinh doanh

Cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thương mại điện tử năm 2015 cùng với những khó khăn của tập đoàn trên toàn cầu có thể là lý do khiến Rocket Internet rút lui khỏi Zalora.

Một nguồn tin còn cho biết, nền tảng thương mại điện tử chuyên thời trang Zalora của tập đoàn này cũng đang tìm đối tác để bán lại bộ phận của mình tại Việt Nam như Foodpanda vừa thực hiện. Nếu Rocket Internet rút khỏi Zalora thì tại Việt Nam tập đoàn này chỉ còn đầu tư vào Lazada.

Trong khi phần lớn các nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam chủ yếu hoạt động theo dạng đa dạng các mặt hàng phổ biến như Lazada, Adayroi, Sendo, Tiki,… thì Zalora đi vào thị trường ngách là thời trang. Ngoài Việt Nam, Zalora hiện còn có mặt tại các nước Đông Nam Á khác.

Anh em nhà Zalora

Tháng 12 năm 2014, Rocket Internet và các nhà đồng đầu tư khác thành lập nên công ty Global Fashion Group (GFG) trong đó Rocket Internet nắm 23% cổ phần tại GFG, tập đoàn đàu tư Thụy Điển Investment AB Kinnevik nắm 26% cổ phần, còn lại của các nhà đầu tư khác.

GFG quản lý 5 nền tảng thương mại điện tử do tập đoàn này rót vốn gồm: Dafiti, Jabong, Lamoda, Namshi và Zalora/The Iconic. GFG hoạt động trên 27 nước và có hơn 9.500 nhân viên trong đó tập trung vào thị trường mới nổi với mục tiêu hướng tới thị trường 630 tỷ Euro (khoảng 689 tỷ USD) và hơn 2,5 tỷ người dùng.

Zalora được thành lập năm 2011 và hướng tới thị trường Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Phippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Brunei và Hong Kong trong khi tại Úc lại sử dụng thương hiệu The Iconic. Theo đó Zalora nhắm tới việc lấp đầy lỗ hổng nguồn cung offline với hàng hiệu cấp trung đang tồn tại ở một số thị trường Đông Nam Á.

Ngoài Zalora, Rocket Internet còn rót vốn vào nền tảng tương tự là dafiti tại Mỹ Latin, lamoda tại Nga và Đông Âu, Jabong tại Ấn Độ, Namshi tại Trung Đông.

Báo cáo tài chính năm 2014 của tập đoàn này cho thấy mặc dù các nền tảng thương mại điện tử thời trang tăng trưởng doanh thu nhưng đều rơi vào tình trạng lỗ. Trong 5 nền tảng thương mại điện tử, Zalora khiến Rocket Internet lỗ nhiều nhất với mức triệu USD năm 2014.

Tập đoàn Rocket Internet gặp khó

Không chỉ riêng mảng thương mại điện tử thời trang gặp khó trên các thị trường, các nền tảng khác như Lazada toàn cầu cũng đang lỗ mặc dù doanh thu vẫn tăng trưởng gấp đôi so với 2013. EBITDA của Lazada năm 2014 là -152,5 triệu USD trong khi năm 2013 là -67 triệu USD.

Năm 2014 kết quả kinh doanh của Rocket Internet không mấy khả quan khi lợi nhuận trước thuế giảm tới hơn 10 lần từ con số 187,2 (khoảng 204 triệu USD) xuống chỉ còn 17,4 triệu Euro (khoảng 19 triệu USD), lỗ ròng tới hơn 20 triệu Euro trong khi năm trước lãi tới hơn 174 triệu Euro. Kinh doanh gặp khó khiến giá cổ phiếu của tập đoàn này giảm tới 40% trong năm 2014.

Rocket Internet được biết đến là tập đoàn đầu tư nổi tiếng của Đức với việc sao chép các startup thành công tại Mỹ và mang ra những quốc gia khác. Hiện danh mục thương hiệu đầu từ của tập đoàn này trên khắp thế giới khá đa dạng từ thương mại điện tử, công nghệ tài chính cho tới du lịch.

Tại Việt Nam, khi rót vốn vào Lazada, tập đoàn này cũng không ngại “đốt tiền” để nhanh chóng giành vị trí trong thị trường. Theo tạp chí Forbes dẫn nguồn từ một cựu nhân viên Lazada Việt Nam, chi phí tiếp thị của công ty này “tương đương với tất cả chi phí tiếp thị của các đối thủ khác cộng lại, rồi nhân lên một vài lần”.

Chính CEO Lazada Việt Nam, Alexandre Dardy cũng thừa nhận: “Đúng là chúng tôi chi rất nhiều tiền để có được lượng khách hàng hiện nay, nhưng cần rất nhiều yếu tố hơn tiền để có được vị trí hàng đầu”. Theo báo cáo của cục thương mại điện tử, Bộ công thương, năm 2014 nền tảng này có mức thị phần 36%.

Mặc dù không công bố con số đầu tư nhưng cũng như Lazada, Zalora cũng được Rocket Internet đầu tư mạnh tại Việt Nam. Tuy nhiên cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thương mại điện tử năm 2015 cùng với những khó khăn của tập đoàn trên toàn cầu có thể là lý do khiến Rocket Internet rút lui khỏi Zalora.

Kim Thủy

Cùng chuyên mục
XEM