Đây là lý do khiến người dân hạnh phúc hơn khi EVN ngừng độc quyền ngành điện

09/12/2015 16:34 PM | Kinh doanh

Kinh nghiệm tại Đức cho thấy khi tự do hóa, thị trường điện nước này trở nên sôi động từ năm 2007-2008; khối lượng giao dịch trên thị trường giao ngay tăng gấp đôi tính từ năm 2009; xu hướng giá giảm khoảng 50% so với năm 2008.

Điện ở Việt Nam là một trong số ít loại hàng hóa mua càng nhiều giá càng đắt. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng lý do chính mà chúng ta hay được nghe đó là sản lượng điện hàng năm thường không đáp ứng đủ nhu cầu.

Hệ quả của cung không đủ cầu đó là giá điện sẽ chỉ tăng chứ không bao giờ giảm.

Vào mùa hè, khẩu hiệu tiết kiệm điện được nhắc đến thường xuyên. Điện còn là tác nhân lớn gây ô nhiễm và tốn kém tài nguyên thiên nhiên khi phần lớn các nhà máy điện của chúng ta là nhà máy nhiệt điện dùng than.

Tuy nhiên việc thiếu điện, đẩy giá điện lên cao cũng cho chúng ta thấy một lý do hiển nhiên: Đơn vị cung cấp sản phẩm (ở đây là điện) không đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nếu đây là một ngành bất kỳ nào khác, giải quyết vấn đề trên hết sức đơn giản: Xây dựng một thị trường tự do phục vụ theo nhu cầu của khách hàng. Để tồn tại, các doanh nghiệp sẽ phải không ngừng phát triển và chăm sóc khách hàng của mình ngày một tốt lên.

Tuy nhiên, dù xây dựng thị trường điện cạnh tranh là chủ trương được triển khai 3 năm nay tại Việt Nam nhưng cho đến nay, ngành điện vẫn duy trì thế độc quyền.

Chia sẻ kinh nghiệm thị trường điện cạnh tranh, GS.TS Andreas Polk, Trường đại học Kinh tế và Luật Berlin cho biết, khi tự do hóa, diễn biến thị trường ở Đức trở nên sôi động từ năm 2007-2008; khối lượng giao dịch trên thị trường giao ngay tăng gấp đôi tính từ năm 2009; xu hướng giá giảm khoảng 50% so với năm 2008.

Khi tự do hóa, thị trường điện ở Đức sẽ đặt ra yêu cầu minh bạch trong cơ cấu giá. Đặc biệt, các lợi ích của việc chuyển đổi thị trường năng lượng ở Đức là bền vững sinh thái, bền vững kinh tế; giảm quyền lực thị trường; giảm giá thành, ngày càng độc lập trong nhập khẩu, phát triển ngành công nghiệp xuất khẩu…

Tương tự như ngành điện các nước khác trên thế giới, hoạt động kinh doanh của ngành điện Việt Nam cũng được phân chia thành các khâu: phát điện, truyền tải, phân phối và kinh doanh bán buôn, bán lẻ điện.

Ông Lê Hồng Hải, cục điều tiết Điện lực Bộ Công thương thì cho biết, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động chính thức, thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam đã thu được những thành công, nổi bật là việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đã tăng tính minh bạch, công bằng trong việc huy động các nguồn điện.

Tuy nhiên, khi tỷ lệ các nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện cạnh tranh tăng nhanh, thì thị phần các nhà máy điện gián tiếp tham gia thị trường điện vẫn còn cao. Khoảng 50% công suất lắp đặt không tham gia thị trường và không tham gia xác định giá thị trường. Do vậy, giá thị trường chưa phản ánh chính xác chi phí biên của toàn hệ thống điện…

Để nâng cao sức cạnh tranh của thị trường điện, ông Trần Đình Cung, viện trưởng của Viện nghiên kinh tế quản lý Trung ương (CIEM) cho rằng, cần quan tâm đến chính sách quản lý điện bên cạnh thị trường.

“Chúng ta cần xem giá điện, phân phối, bán lẻ... là bao nhiêu, chúng ta cần biết cơ cấu chi phí của hệ thống… Từ đó, từng bước hoàn thiện và nâng cao sức cạnh tranh của toàn thị trường”, ông Cung nói.

Cùng chuyên mục
XEM