Đầu tư sân bay: Miếng ngon độc quyền

20/04/2015 08:19 AM | Kinh doanh

Nhiều doanh nghiệp trong nước đang tăng tốc để giành quyền đầu tư và khai thác các sân bay thương mại.

Dù Nhà nước có áp dụng chính sách quản lý thế nào đi nữa, sân bay vẫn là một lĩnh vực kinh doanh béo bở mang tính độc quyền tự nhiên. Và đó là lý do khiến các doanh nghiệp trong nước đang bắt đầu tăng tốc để giành quyền đầu tư và khai thác các sân bay thương mại.

Cuộc đua bắt đầu

Tuần trước, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) của doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn đã trở thành cái tên mới nhất tham gia vào cuộc đua mua lại hoặc xin nhượng quyền Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc, theo sau Tập đoàn T&T của ông bầu Đỗ Quang Hiển. Không dừng ở đó, IPP cũng điền tên mình vào danh sách những ứng cử viên cạnh tranh để được nhượng quyền khai thác nhà ga T1 thuộc Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, đối đầu với 2 hãng hàng không Vietjet và Vietnam Airlines.

Sự kiện IPP nộp đơn xin được nhượng quyền khai thác hoặc mua lại cảng hàng không Phú Quốc và nhà ga T1 Nội Bài cho thấy cuộc đua vào lĩnh vực này đang ngày càng gay gắt hơn, khi bản danh sách ứng viên mỗi ngày một kéo dài thêm chỉ sau thời gian ngắn.

Ngoài những tên tuổi đã nêu như IPP, T&T, Vietjet hay Vietnam Airlines, trước đó, Tập đoàn Rạng Đông đã được cấp phép làm chủ đầu tư dự án sân bay Phan Thiết tại Bình Thuận và Sun Group được cấp phép xây dựng sân bay Vân Đồn tại Quảng Ninh. Cả 2 sân bay này đều được xây mới theo hợp đồng Xây dựng - Khai thác - Chuyển giao (BOT). Nghĩa là sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư được quyền khai thác trong một khoảng thời gian nhất định và rồi sau đó chuyển giao cho Nhà nước quản lý và khai thác.

Việc các công ty tư nhân đua nhau xin đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng hàng không, ngay sau khi Bộ Giao thông Vận tải công bố kế hoạch thí điểm xã hội hóa đầu tư sân bay, đã đặt ra một câu hỏi: Tại sao các công ty lại tỏ ra rất hào hứng với lĩnh vực kinh doanh này, dù trước đó chưa có một công ty tư nhân nào từng được thử sức và có kinh nghiệm?

“Đầu tư vào sân bay hấp dẫn hơn rất nhiều so với đầu tư vào hãng hàng không,” ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc hãng hàng không tư nhân Hải Âu, nhận định. Theo ông Nam, câu trả lời nằm ở chính vị thế độc quyền mà các doanh nghiệp sẽ được hưởng nếu như tham gia vào đầu tư và quản lý một sân bay nào đó. Cho đến nay, ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, sân bay vẫn được cho là một lĩnh vực có tính chất độc quyền tự nhiên. Ví dụ, nếu như có một hãng hàng không mở đường bay đến Hà Nội thì không có lựa chọn nào khác là phải hạ cánh tại sân bay Nội Bài. Ngay cả hành khách cũng bắt buộc phải sử dụng những dịch vụ trong sân bay.

‘‘Độc quyền là thứ rất hấp dẫn nhà đầu tư, không ai lại không thích kinh doanh một thứ có một mức độ độc quyền nhất định. Đó chính là yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư hiện tại”, ông Nam nói.

Ngay cả ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam, cũng cho rằng không thể loại bỏ được sự độc quyền đó. Đấy chính là lợi thế rất lớn mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư tư nhân khi họ đầu tư vào sân bay. Thay vào đó, Nhà nước sẽ có chính sách hạn chế việc lạm dụng sự độc quyền đó nhằm bảo vệ lợi ích chung của đất nước, các hãng hàng không và hành khách. Việc Bộ Giao thông Vận tải gần đây đã phải can thiệp vào giá bán quá bất hợp lý của các cửa hàng dịch vụ ăn uống tại sân bay Nội Bài là ví dụ điển hình cho nỗ lực chống lạm dụng độc quyền tại sân bay.

“Những quan ngại về độc quyền, cạnh tranh đều có thể giải quyết bằng các quy định, những chuẩn mực chặt chẽ mà Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải xây dựng”, ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Tổng Giám đốc hãng hàng không Vietjet, chia sẻ.

Mức tăng trưởng ấn tượng

Độc quyền tự nhiên của sân bay là một lợi thế lớn, nhưng đó không phải là lý do duy nhất hấp dẫn các nhà đầu tư hiện tại. Nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng của thị trường hàng không dân dụng Việt Nam và nhu cầu về đầu tư sân bay, sẽ thấy rõ đấy cũng là điều mà nhà đầu tư không thể bỏ qua khi cân nhắc đầu tư vào một dự án sân bay, dù Bộ Giao thông Vận tải mới chỉ công bố là đang “thí điểm”.

Báo cáo của Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam cho thấy, trong hơn 10 năm trở lại đây, thị trường vận tải hàng không Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng cao, liên tục với tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2001-2014 là 14,5% về hành khách, 15,3% về hàng hóa, bất chấp bối cảnh kinh tế khó khăn và thị trường hàng không quốc tế phải vật lộn với khủng hoảng trong những năm gần đây. Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), thị trường hàng không Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về tốc độ tăng trưởng.

Trong bối cảnh thị trường tăng mạnh như vậy, các hãng hàng không trong nước đã liên tục mở rộng đội bay của mình. Đến năm 2020, dự kiến số lượng máy bay của các hãng hàng không Việt Nam sẽ là 205 chiếc, so với con số 111 chiếc hiện tại. Thêm vào đó, các hãng hàng không quốc tế cũng liên tục mở đường bay đến Việt Nam. Cho đến nay đã có 51 hãng thuộc 25 quốc gia có đường bay đến Việt Nam. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế quốc tế.

Nhu cầu và thị trường tăng cao như vậy, nhưng hạ tầng hàng không hiện tại lại không theo kịp. Vào thời điểm này, cả nước có 22 sân bay, trong đó có 21 sân bay đang được khai thác với tổng công suất thiết kế tính đến hết năm 2014 là 56 triệu lượt khách và tính đến hết tháng 3.2015 là 58 triệu lượt khách.

Hiện tại, các sân bay đang đối mặt với nguy cơ quá tải rất cao khi đến hết năm 2014, số khách qua sân bay đã đạt đến con số 50,7 triệu người. Dự báo đến năm 2020, tổng thị trường hành khách thông qua các cảng hàng không trong cả nước sẽ đạt 106 triệu, đến năm 2030 đạt trên 200 triệu lượt hành khách.

“Nhà nước không đủ năng lực để đầu tư xây mới và mở rộng tất cả các sân bay trong tương lai. Chúng ta cần phải huy động vốn tư nhân tham gia vào”, ông Thanh, Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam, giải thích lý do tại sao cần xã hội hóa đầu tư sân bay vào thời điểm hiện tại.

Theo ước tính của Bộ Giao thông Vận tải, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng hàng không giai đoạn 2015-2020 là 230.215 tỉ đồng. Trong đó, vốn tư nhân dự kiến sẽ chiếm gần một nửa. Rõ ràng, nhìn vào đó, cơ hội và tiềm năng cho các nhà đầu tư tư nhân như IPP, Vietjet, T&T hay Sun Group là rất lớn. Trong thời gian tới, chắc chắn cuộc đua của các công ty giành quyền khai thác và đầu tư sân bay sẽ còn quyết liệt hơn.

>> Xã hội hóa ngành hàng không và nỗi lo thế độc quyền

Cùng chuyên mục
XEM