Đang có một cuộc "cải tổ ngầm" tại Cốc Cốc?

16/10/2015 07:46 AM | Kinh doanh

Nhiều câu hỏi nghi vấn đang được đặt ra xung quanh việc liệu có hay không một cuộc cải tổ ngầm trong bộ máy lãnh đạo của công cụ tìm kiếm “made in Vietnam” Cốc Cốc và có phải 2 trong 3 nhà sáng lập đã lặng lẽ rút khỏi công ty này hay không. Ngoài ra, dường như nhà đồng sáng lập còn lại cũng có động thái tương tự.

Theo nguồn tin của tờ Dealstreetasia, 2 trong 3 nhà sáng lập của Cốc Cốc đã bán cổ phần của họ cho CEO người Nga là Victor Lavrenko và những nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn tới tờ Dealstreetasia qua email, ông Lavrenko đã chối bỏ thông tin này và khẳng định “những lời đồn đại này không phải là sự thật”.

Nhà đồng sáng lập của công ty là anh Lê Văn Thanh nói rằng: “Tôi không có ý định rời Cốc Cốc trong tương lai gần hay bán bất kỳ cổ phần nào tại công ty. Cốc Cốc đang phát triển rất nhanh và dường như giá trị của chúng tôi sẽ tăng nhanh chóng trong thời gian tới”.

Nguyễn Thanh Bình – một nhà đồng sáng lập khác của công ty thì nói rằng: “Tôi vẫn đang làm việc tại Cốc Cốc. Tôi phải chuyển tới TP Hồ Chí Minh bởi vì thị trường ở đây lớn và rất tiềm năng. Tôi không có ý định bán cổ phần của mình, đặc biệt là trong thời điểm hiện tại khi công ty đang có tiềm năng phát triển hết sức dồi dào”.

Trong khi đó, theo một nguồn tin riêng thì trong nội bộ Cốc Cốc đã xảy ra “những thay đổi ngầm”. Một cựu nhân viên Cốc Cốc chia sẻ: Công ty đã trải qua sự cải tổ bộ máy nhân sự lớn chưa từng có trong 2 năm gần đây. Người này cũng khẳng định, nhà sáng lập Bình và Nguyễn Đức Ngọc (một đồng sáng lập khác của công ty) đã không còn làm việc ở công ty nữa. “Mặc dù họ đã sáng lập nên Cốc Cốc nhưng họ chỉ điều hành các bộ phận nhỏ của công ty sau khi CEO người Nga lên nắm quyền. Tôi là một trong rất nhiều người đã rời khỏi công ty vào năm ngoái”.

Cốc Cốc là startup được chống lưng bởi công ty tìm kiếm lớn nhất của Nga là Yandex. Ngay từ đầu, Yandex đã rót vốn cho Cốc Cốc và sau đó là Mail.ru Group – công ty Internet lớn thứ 7 thế giới về lượng truy cập. Ngoài ra còn có cả Digital Sky Technologies – đơn vị rót 200 triệu USD vào Facebook.

Lavrenko – người tạo nên công cụ tìm kiếm Nigma.ru của Nga trở thành CEO của Cốc Cốc và chịu trách nhiệm về chiến lược phát triển và gây quỹ của công ty.

Trong khi Cốc Cốc từng tuyên bố họ có thể sẽ vượt qua Google tại thị trường Việt Nam và nắm trong tay 1/4 trong tổng số 40 triệu người dùng Internet của Việt Nam. Tuy nhiên, tờ Dealstreetasia khẳng định tình hình doanh thu của công ty này không khả quan.

Tuy nhiên, không giống như hiện tượng Flappy Bird, Cốc Cốc được ca ngợi là công ty khởi nghiệp thành công nhất Việt Nam sau khi huy động được 14 triệu USD từ một công ty của Đức vào đầu năm nay. Trước đó, Cốc Cốc đã huy động được tổng cộng 20 triệu USD.

Trong một sự kiện công nghệ diễn ra vào tháng 5 tại Việt Nam, nhà sáng lập Cốc Cốc là Lê Văn Thanh – với tư cách là khách mời của sự kiện đã chia sẻ kinh nghiệm của mình về sự thành công của một công ty khởi nghiệp. Theo anh, việc chọn đúng thời điểm để nhận đầu tư là hết sức quan trọng, các công ty khởi nghiệp không nên nhận đầu tư quá sớm.

Cốc Cốc từng nhận khoản đầu tư 30.000 USD. Tuy nhiên, nó không tốt cho Cốc Cốc và anh nhấn mạnh rằng thu hút đầu tư ngay từ những vòng đầu khiến lợi ích của những nhà sáng lập giảm dần khi công ty phát triển.

Cũng trong sự kiện này, CEO và đồng sáng lập nền tảng ANTS Đinh Lê Đạt cho biết phần quan trọng sống còn của việc tìm nhà đầu tư là liệu họ có cùng suy nghĩ với mình hay không.

Cốc Cốc được thành lập năm 2007 khi 3 nhà sáng lập gồm Thành, Bình, Ngọc có tham vọng vượt qua được cái bóng của gã khổng lồ tìm kiếm Google tại Việt Nam.

Giữa năm 2015, nhiều thông tin cho thấy trình duyệt này đã vượt qua Firefox và Internet Explorer để trở thành công cụ tìm kiếm phổ biến thứ 2 tại Việt Nam. 3 tháng sau khi nhận đầu tư từ công ty của Đức, doanh thu của Cốc Cốc Ads đã tăng gấp đôi và lượng thuê bao với công cụ tìm kiếm Cốc Cốc đã tăng 32%.

Trong năm 2013, cũng có lời đồn đại rằng nhà cung cấp dịch vụ viễn thông VNPT sẽ giới hạn băng thông rộng với Google để mở đường cho Cốc Cốc phát triển. Chính vì vậy, hầu hết thuê bao Internet của VNPT đều kết nối khá chậm khi họ truy cập vào công cụ tìm kiếm Google hoặc YouTube.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM