Đám cưới A-Z (3): Kinh doanh thiệp kiếm gần trăm triệu doanh thu từ siêu đám cưới

05/03/2012 10:10 AM |

Chiếc thiệp cưới cũng góp mặt trong những 'siêu đám cưới' gần đây với vai trò đại diện gương mặt của chủ nhân. Được biết, đám cưới 50 tỷ của con một đại gia, chỉ riêng tiền thiệp, cũng ngốn tầm cỡ gần trăm triệu.

Ban đầu, thiệp cưới được sử dụng như một lá thư trang trọng để mời các vị khách tham dự lễ cưới. Thiệp cưới được gửi trước ngày cưới từ 4-6 tuần để thông báo thời gian buổi lễ. Các kỹ thuật in ấn phát triển, người ta bắt đầu phổ thông hóa “lá thư trang trọng” này rộng hơn và xã hội xuất hiện văn hóa mừng bằng thiệp cũng như ngành kinh doanh thiệp ăn nên làm ra. Việt Nam cũng trong xu hướng đó khi kỹ nghệ kinh doanh cưới ngày càng phát triển theo nhu cầu của xã hội.

Thiệp cưới cho đại gia: Thế nào mới xứng đẳng cấp?

Với nhiều người, tấm thiệp chỉ là thủ tục lấy lệ, là “tờ giấy” chính thức đánh tiếng với anh em bạn bè đến dự bữa cơm chung vui với gia đình. Nhưng khi phú quý sinh lễ nghĩa, tấm thiệp cưới không chỉ mang tính ước lệ đó nữa, nó trở thành bộ mặt của chủ nhân đối với quan khách, nhất là trong những đám cưới của những gia đình thuộc hàng đại gia.

Tùy thuộc vào loại giấy in thiệp cao cấp hay không, mức độ cầu kỳ trong thiết kế (có trang trí thêm nơ, in thêm ảnh, hình ẩn, hoa văn…) hay những thiết kế đặc biệt do khách hàng yêu cầu riêng, khiến giá cả thiệp cũng dao động khá rộng từ 2000 – 3000 đồng/thiệp loại đơn giản, đến vài chục nghìn đồng cho một tấm thiệp loại sang.

Dư luận vừa qua được phen choáng váng trước độ chịu chơi, chịu chi của các đại gia khi tổ chức những siêu đám cưới hoành tráng. Đương nhiên, chiếc thiệp cưới cũng góp mặt trong những sự kiện đình đám cỡ này với vai trò đại diện gương mặt của chủ nhân đối với các quan khách.

Theo tiết lộ của chủ hiệu Thiệp cưới Việt – công ty vừa thực hiện trọn bộ thiệp cưới hạng sang cho đám cưới của đại gia phố núi ở Hà Tĩnh: Đối với những khách hàng tầm cỡ này, vấn đề quan trọng nhất là thiệp phải sang, làm bằng giấy xịn nhất, in đẹp nhất, thể hiện được hình ảnh của gia chủ. Lúc này, giá cả được dẹp qua một bên.

Được biết, đám cưới 50 tỷ của đại gia này, chỉ riêng tiền thiệp, cũng ngốn tầm cỡ gần trăm triệu, với số lượng đặt thiệp hơn 3000 chiếc, trong đó, thiệp in bằng tiếng Anh chiếm gần 1/3. Giấy làm thiệp cũng được chủ nhân đặt với loại cao cấp nhất (giấy của Ý), với giá cho mỗi tấm là 30.000 đồng. Thậm chí, chú rể khi trực tiếp đi đặt còn nhắc đi nhắc lại "Chúng tôi chỉ cần có bộ thiệp đẹp và sang, giá cả bao nhiêu cũng không thành vấn đề!!!!"

Dưới đây là một số hình ảnh Thiệp mời khách của vị đại gia này:

(Mẫu thiệp cưới Kim Long của Thiệp cưới Việt mà chủ nhân siêu đám cưới ở Hà Tĩnh lựa chọn - ảnh: thiepcuoiViet cung cấp)

Vỏ thiệp

Nội dung bên trong tấm thiệp

Cô chủ Thiệp cưới Việt cũng đưa thêm một ví dụ về một đám cưới lớn khác của một đại gia bất động sản ở Đan Phượng (Hà Nội). Lượng khách mời hơn 1000 người, chủ nhân đặt thiệp với giá 21.000 đồng/thiệp. Tính ra cũng ngót nghét hơn 20 triệu đồng chỉ cho khâu giấy tờ mời khách! Thế mới biết, với người giàu, chỉ là tờ giấy mời cũng không đơn giản chút nào.

Bộ thiệp hoàn chỉnh được chuẩn bị ra sao?


Thiệp cưới ra đời thế nào?

Theo các tài liệu lịch sử, thời trung cổ, đám cưới ở Anh được thông báo bằng lời nói. Một người rao tin sẽ dọc các tuyến phố để thông báo về đám cưới. Khi đó, nạn mù chữ cũng khiến thông lệ gửi giấy mời chỉ tồn tại ở tầng lớp quý tộc. 

Các gia đình thường triệu tập các tu sĩ, những người có nhiều kỹ năng trong nghệ thuật thư pháp để chuẩn bị lời mời giúp họ. Những thiệp mời này được niêm phong bằng sáp và thường mang theo huy hiệu hoặc hình dấu cá nhân.

Ban đầu, thiệp cưới được sử dụng như một lá thư trang trọng để mời các vị khách tham dự lễ cưới. Thiệp cưới được gửi trước ngày cưới từ 4-6 tuần để thông báo thời gian buổi lễ. Các kỹ thuật in ấn phát triển, người ta bắt đầu phổ thông hóa “lá thư trang trọng” này rộng hơn và xã hội xuất hiện văn hóa mừng bằng thiệp cũng như ngành kinh doanh thiệp ăn nên làm ra. 

Thiệp cưới có thể được xem là điểm khởi đầu cho việc tổ chức lễ cưới. Văn hóa phương Tây cũng như những nền văn hóa khác đều có một vài quy ước mặc định về cách làm thiệp cưới.

Nếu người Á Đông thường quen với hình ảnh những chiếc thiệp cưới truyền thống, màu đỏ tươi, chữ Song Hỷ lớn, chữ bên trong in nhũ vàng, bắt mắt, thì văn hóa phương Tây, những chữ viết nên được viết bằng mực đen trên nền giấy trắng một cách đơn giản mà trang trọng. Hay người châu Á quan niệm ngày cưới là ngày vui (Song Hỷ) nên chữ viết cũng cần cầu kỳ và bắt mắt. Trong khi đó, người phương Tây không thích sử dụng chữ đồ họa hay chữ kiểu cách, vì họ muốn giữ vẻ trang nghiêm cho chữ viết. Chữ thảo là cách viết được ưa chuộng nhất tại phương Tây.

Quá trình giao thoa văn hóa khiến thị trường thiệp ngày nay trở nên phong phú và đa dạng với đủ màu, đủ vẻ cách tân theo ý muốn gia chủ. 

Thiệp cưới thông thường có một tờ lớn là thiệp báo, tờ nhỏ là thiệp mời ăn. Ngày nay, người ta thường làm thêm phong bì cho cả bộ thiệp. Phong bì này rất tiện vì đã ghi tên người được mời, khi người được mời đi dự tiệc thì chỉ cần cho tiền mừng vào phong bì này và mang đến mừng cô dâu chú rể.

Về màu sắc, bên cạnh màu đỏ của thiệp truyền thống, ngày nay, các nhà sản xuất thiệp cũng “Tây hóa” với những mẫu thiệp màu vàng nhạt, trắng bạc hay màu be, thậm chí là xanh, cam… nếu các thượng đế yêu cầu. Hình dáng cũng theo đó mà thay đổi, không chỉ in chữ Song Hỷ, thiệp cưới ngày nay có thể có thêm hình trái tim, đôi chim câu, thần cupid hay chính ảnh cưới của cô dâu chú rể. Ngoài ra, nếu có nhu cầu, khách hàng có thể lựa chọn những phụ kiện thêm cho thiệp như nơ, ruy-băng, cườm đính… Tất nhiên, với mỗi phụ kiện kèm theo, chi phí phải trả cho một tấm thiệp theo đó cũng tăng lên.

Điều quan trọng nhất cho một tấm thiệp có lẽ là giấy in, nó quyết định khá lớn đến chất lượng. Giấy in cũng có thể phân thành 3 cấp. Giấy Ý, Nhật ánh nhũ bạc, vàng, đồng là đắt nhất, kế đến là giấy concodro của Mỹ. Tầm trung có giấy sần, ganh như giấy art của Đài Loan hoặc giấy Úc. Giấy thơm, giấy couché, giấy gân Trung Quốc được lựa chọn cho các loại thiệp bình dân, giá mềm.

Phân định giấy cũng không phải ai cũng rành. Với dân trong nghề, có thể phân biệt thông qua màu sắc (màu có thật, có “khôn” không, hai mặt có như nhau không), định lượng giấy (đều hay chỗ dày chỗ mỏng). Giấy chất lượng thấp thường có màu bắt mắt nhưng định lượng không đều, mặt ngoài đỏ, mặt trong màu không đều, chỗ đỏ chỗ cam, khi in không ăn mực, dễ bị nhòe chữ.

Thiệp mời ngày nay có thể được in bằng nhiều phương pháp khác nhau như in khắc, in thạch bản, in nhiệt độ, in nổi, hay đôi khi là in nổi không màu.

Thiệp mời cũng phải hợp “gu” theo văn hóa vùng miền

Kinh doanh các dịch vụ cưới nói chung và kinh doanh thiệp nói riêng, rõ ràng việc ‘dựa hơi’ văn hóa là điều tất yếu. Khi kinh doanh ở miền nào, người làm tất phải hiểu văn hóa của vùng miền đó về tục lệ và thói quen chuẩn bị đám cưới.

Thông thường, các gia đình miền Nam thường có thời gian chuẩn bị dài hơn miền Bắc, vì thế mà các cặp đôi trong Nam cũng lên kế hoạch về khách mời để đặt thiệp từ 2 – 3 tháng trước khi đám cưới diễn ra, thay vì chỉ 1 tuần đến 1 tháng ở ngoài Bắc. Đám cưới ở miền Nam thường diễn ra quanh năm, thay vì chỉ theo mùa như ở miền Bắc (tập trung vào mùa xuân và mùa thu).

Về thói quen, người miền Nam cũng cầu kì hơn trong thiết kế thiệp nhưng lại thoáng tính và chịu chi hơn với những loại thiệp cao cấp. Nói vậy, không có nghĩa không có những tấm thiệp đại gia đến từ các cặp đôi ngoài Bắc.

Ở thị trường Hà Nội, có thể tạm chia thành 3 phân khúc nhỏ bao gồm phân khúc bình dân, phân khúc tầm trung và phân khúc cao cấp.

Phân khúc giá bình dân, thiệp được in phôi hàng loạt ở các cửa hàng tư ở Hà Nội (có thể tìm được khá nhiều ở Hàng Gà (như Thiệp cưới Nhung Trường, Lan Tân, Hồng Kông…). Những cửa hàng thiệp này có đặc điểm là làm thiệp đã lâu đời, giá rẻ, có thể đáp ứng đặt hàng với số lượng cực lớn với thời gian nhanh và chi phí thấp (do phôi thiệp đã được in sẵn hàng loạt). Tuy nhiên, nhược điểm của thiệp cưới ở đây là chất lượng chưa cao (về giấy và mực in chẳng hạn, thường giấy sẽ không có định lượng đều, màu không thật, mực in dễ lem…), mẫu mã gần như “na ná” nhau cho cả khu phố.

Phân khúc tầm trung là thiệp của là một vài cửa hàng, nơi chuyên ra mẫu phôi cho thị trường. Đa phần là mẫu thiệp phôi giống Hàng Gà nhưng chú trọng PR, chăm sóc khách hàng và đầu tư về thiết kế mạnh tay hơn. Đơn cử là Thiệp cưới Cung Hỷ, có khá nhiều mẫu giá rẻ và rất biết chia sẻ cho thị trường hay thiệp cưới Thanh Vân ở Núi Trúc.

Phân khúc cao cấp có thể tạm gọi như vậy với những công ty chuyên làm về design, với mẫu mã thiết kế khá đẹp, cho phép khách hàng thiết kế theo ý hoặc trên nền sẵn có. Có thể kể đến như Thiệp cưới Uyên Ương, thiệp cưới Việt… Những thương hiệu này có đầu tư về công nghệ, làm rất tốt PR, chăm sóc khách hàng tốt, chuyên nghiệp. Mẫu thiệp đa phần là tự design, lạ và độc đáo. Các bộ thiệp mẫu có chủ đề riêng, cổ điển và hiện đại. Các mẫu ở đây thường chỉ ra trong vòng 2 mùa là không ra tiếp và đầu tư mẫu mới. Bên cạnh đó còn có một vài loại thiệp độc và lạ như thiệp trổ họa tiết cầu kỳ hay thiệp handmade 100%.

Các công ty kinh doanh thiệp còn có thêm thiệp điện tử, kết hợp với các nhà hàng tiệc cưới hay salon ảnh viện áo cưới trong mùa cưới bận rộn, và tranh thủ việc nhận đặt hàng in catalogue, in thiệp chúc mừng năm mới hay in quảng cáo trong những khoảng thời gian còn lại trong năm.

Kỳ Anh

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM