Đại diện WD Việt Nam: Sau ổ cứng HDD sẽ là thời của đám mây cá nhân

08/05/2015 09:32 AM | Kinh doanh

Ông Trương Bá Toàn, Giám đốc Kinh doanh của WD Việt Nam nhận định, sự gia tăng về nhận thức của người dùng và số lượng DN sẽ thúc đẩy nhu cầu lưu trữ đám mây cá nhân trong tương lai.

Đầu tiên, ông có thể cho biết qua về thị trường lưu trữ tại Việt Nam hiện nay? Liệu đây có phải là một thị trường tiềm năng không?

Năm 2018, lượng kết nối Internet đã vượt quá dân số toàn thế giới. Theo báo cáo của Cisco 2014, từ nay cho tới năm 2020, toàn thế giới sẽ có thếm 50 nghìn tỷ thiết bị kết nối Internet. Điều này có nghĩa khi đó mỗi người có thể có tới 6 thiết bị được kết nối, dẫn tới nhu cầu về lưu trữ và chia sẻ dữ liệu trên toàn thế giới sẽ rất cao. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Thị trường lưu trữ tại Việt Nam nói chung, từ quy mô cá nhân, hộ gia đình đến doanh nghiệp, đã tăng trưởng đều và liên tục trong suốt 5 năm vừa qua. Đối với việc lưu trữ các nhân, sự đổi mới liên tục của các thiết bị số di động (smartphone, tablet, máy ảnh chuyên dụng) dẫn tới việc ngày càng có nhiều nội dung số với độ phân giải cao (digital content, HD quality) và dung lượng cao. Ví dụ, 1 bức hình chụp bằng máy ảnh KTS có thể chiếm tới 8MB dung lượng trong khi 1 phút video cũng có thể chiếm ít nhất 200MB dung lượng thẻ nhớ.

Sự chuyển dịch từ hạ tầng cáp đồng lên cáp quang với băng thông lớn đã có thể sẵn sàng cho việc phát triển các dịch vụ nội dung số trực tuyến. Là một trong những nhà cung cấp các giải pháp lưu trữ hàng đầu thế giới, chúng tôi cũng đang tham gia rất tích cực vào tất cả phân khúc thị trường lưu trữ của Việt Nam.

Tại Việt Nam, lưu trữ dữ liệu trong ổ cứng HDD hiện vẫn là thói quen được ưa chuộng. Liệu điều này có thay đổi trong tương lai?

Hiện nay ổ cứng HDD 3.5-inch vẫn là phương thức lưu trữ chính và có tiềm năng phát triển ở nhu cầu lưu trữ lớn với chi phí thấp (ví dụ cold data, dữ liệu backup, video clips, photos). Chi phí cho việc lưu trữ 1GB dữ liệu trên HDD ngày càng rẻ hơn, với giá trung bình cho 1GB chỉ dưới 1.000 VNĐ, người tiêu dùng ngày nay thường có thói quen lưu trữ tất cả các dữ liệu cá nhân bao gồm tài liệu học tập, bài hát, ảnh, video, các bộ phim trên ổ cứng của họ.

Tuy nhiên, việc này tiềm ẩn những rủi ro về tính an toàn trong việc bảo vệ dữ liệu. Vì vậy trong tương lai, người tiêu dùng Việt Nam sẽ hạn chế dần việc lưu trữ trên ổ cứng thông thường và chuyển dần sang các hình thức lưu trữ khác

Một số thiết bị kết hợp giữa ổ cứng và dịch vụ lưu trữ đám mây đã ra đời, để hỗ trợ thêm tính bảo mật.

Các tên tuổi lớn cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu đang đưa ra những giải pháp mới thay thế ổ cứng HDD truyền thống đang dần lỗi thời

Với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), hiện đã bắt đầu có xu hướng sử dụng các giải pháp NAS (các dịch vụ/thiết bị lưu trữ gắn vào mạng) vì chi phí thấp hơn với dung lượng lưu trữ cao phù hợp cho các nhu cầu sao lưu, phục hồi dữ liệu (back-up).

Nhiều chuyên gia nhận định ổ cứng HDD sẽ sớm bị thay thế trong tương lai gần. Đang nắm tới giữ 40% thị phần HDD của thế giới, WD có lo lắng về điều này?

Công nghệ luôn thay đổi không ngừng và chúng tôi luôn chú trọng vào việc tìm kiếm và phát triển để mang lại những tiện ích tốt nhất cho khách hàng, đây cũng là mục tiêu tối thượng của doanh nghiệp.

Trong những giải pháp thay thế mới, chúng tôi cho rằng ổ SSD là sự bổ sung và kết hợp tuyệt vời cho HDD, ít nhất là trong vòng vài năm tới. SSD chú trọng vào Tốc độ Nhanh, Dung lượng thấp và Chi phí lưu trữ cao, điều này hoàn toàn phù hợp với các ứng dụng xử lý thời gian thực. Trong khi đó, HDD với Tốc độ vừa phải, dung lượng lưu trữ cao, và Chi phí thấp phù hợp hơn cho các nhu cầu back up, lưu trữ lớn.

Thông thường các doanh nghiệp hiện nay, máy chủ bao giờ cũng có 2 ổ cứng SSD 240GB (boot và OS) và 4 đến 10 chiếc ổ cứng 4TB-6TB (dùng cho việc lưu trữ và back-up). Ngoài ra, các giải pháp lưu trữ mạng NAS cũng có thể thay thế cho các giải pháp máy chủ của DN SME.

Dường như ổ SDD chỉ là giải pháp tạm thời. Vậy đâu sẽ là xu hướng lưu trữ của tương lai xa hơn?

Ổ SDD có nhiều ưu điểm, tuy nhiên, vấn đề nằm ở giá thành. Đánh giá về giá thành cho việc lưu trữ, có thể làm một phép tính đơn giản: một ổ cứng HDD 1TB của chúng tôi có giá tương ứng là 1.350.000 VND, trong khi đó, với SSD Kingston (hãng phổ biến nhất tại VN về SSD) thì một chiếc ổ cứng 120GB SSD Kingston giá 1.850.000 VND.

Việc này đồng nghĩa với chi phí cho một chiếc ổ cứng SSD cao gấp 15 lần so với ổ cứng HDD. Vì thế, ổ lai (hybrid) giữa HDD và SSD sẽ đóng vai trò chính trong tương lai gần khi nó dung hòa được các yếu tố dung lượng, tốc độ và giá thành.

Ngoài ra, cách thức chúng ta lưu trữ dữ liệu đang ngày càng đa dạng hơn.

Ổ cứng di động (ổ cứng 2.5-inch) cũng có tiềm năng rất lớn, do nhu cầu lưu trữ ngoài ngày càng cao. Nó có thể lưu trữ dung lượng lớn (cao nhất là 2TB) và di chuyển được, việc chia sẻ phim ảnh vì thế cũng trở nên dễ dàng hơn. Hơn nữa ổ cứng di động còn có giải pháp mã hóa phòng trường hợp mất dữ liệu khi mất ổ.

Đặc biệt phải kể đến hình thức đám mây cá nhân (personal cloud) đang ngày một phát triển, đáp ứng tính sẵn sàng và di động. Hình thức đám mây cá nhân này sẽ bùng nổ khi hạ tầng băng thông mạng phát triển.

Ông có thể giải thích thêm về lưu trữ dữ liệu trên đám mây?

Lưu trữ đám mây hiện nay có 2 loại.

Thứ nhất là đám mây công cộng (iCloud, Dropbox, Skydrive) với đặc tính tiện lợi, miễn phí nhưng dung lượng lưu trữ thấp, không đảm bảo vấn đề bảo mật. Dung lượng cao sẽ mất chi phí rất lớn cho hình thức Pay-Per-Use (dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu).

Thứ hai là dịch vụ đám mây cá nhân. Đây sẽ sớm là xu hướng trong tương lai vì nó hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu lưu trữ tập trung, bảo mật và chia sẻ giữa nhiều người dùng của cả khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, thị trường lưu trữ trên đám mây đang được một số DN cung cấp như Microsoft, Intel, FPT, WD. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này tại Việt Nam cho biết, thị trường này vẫn còn rất sơ khai. Những vấn đề mà các DN này đang phải đối mặt là gì?

Tôi cho rằng đó là việc đảm bảo tính bảo mật cho dữ liệu. Ngay cả trên thế giới, công chúng từng biết tới nhiều vụ việc người nổi tiếng bị hack ảnh trên các dịch vụ đám mây công cộng, cũng có thể đọc những bài báo cáo về bảo mật trên các thiết bị đám mây.

Vì vậy, các DN cung cấp dịch vụ cần tạo được sự tin tưởng tới khách hàng. Chẳng hạn với chúng tôi, tính năng ưu việt nhất là dữ liệu trên thiết bị lưu trữ đám mây được mã hóa giữa các thiết bị di động, máy chủ WD và các đám mây cá nhân của mỗi người. Người dùng có thể tin tưởng rằng tất cả dữ liệu (cả cá nhân và doanh nghiệp) luôn được back-up.

Nhìn chung, đám mây cá nhân chắc chắn sẽ là giải pháp lưu trữ của tương lai. Điều quan trọng là các DN tại Việt Nam cần hoàn thiện dịch vụ của mình để được người tiêu dùng tin tưởng đón nhận.

Việc số lượng DN vừa và nhỏ tăng mạnh ở Việt Nam tăng mạnh trong vài năm trở lại đây đồng nghĩa với nhu cầu lưu trữ và bảo vệ dữ liệu của họ cũng sẽ ngày càng tăng.

Để nhắm tới nhóm khách hàng chuyên nghiệp và nhóm doanh nghiệp SME, chúng tôi nâng cấp dung lượng lưu trữ và hỗ trợ các tính năng phục vụ DN. Năm 2015 WD đã tập trung phát triển một số dòng sản phẩm lưu trữ mạng NAS cho DN như dòng My Cloud Business, hỗ trợ một số tính năng DN cần có như tập trung hóa dữ liệu, đẩy mạnh truy cập và tính năng chia sẻ mọi lúc mọi nơi, bảo mật dữ liệu qua back-up và tính năng bảo mật cũng như hỗ trợ để gia tăng dung lượng lưu trữ khi quy mô và nhu cầu tăng lên.

Vậy WD cũng đang dần chuyển dịch từ HDD sang lưu trữ đám mây?

Lưu trữ đám mây là xu hướng không chỉ đang phát triển mạnh tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Đặc biệt, khi tính dữ liệu luôn được cập nhật, cũng như nhu cầu truy cập dữ liệu mọi lúc mọi dần trở thành nhu cầu cơ bản. Riêng tại Việt Nam, từ năm 2013 đến nay, chúng tôi đã liên tục tung ra các sản phẩm mới như các dòng My Cloud phục vụ khách hàng và DN.

Dù là hình thức nào, những sản phẩm chúng tôi hướng đến phải giải quyết được nhu cầu lưu trữ, quản lí, bảo vệ và truy cập nội dung ngày càng gia tăng của người dùng thông thường, người dùng chuyên nghiệp, chuyên gia và các doanh nghiệp nhỏ.

Đâu sẽ là những lợi thế cạnh tranh của WD so với các đối thủ khác trong phân khúc này?

Có thể thấy là phân khúc sản phẩm của chúng tôi rất rộng. Với hơn 40% thị phần HDD thế giới, chúng tôi đã cho ra nhiều sản phẩm khác nhau cho các nhóm đối tượng khác nhau, từ khách hàng bình thường đến người dùng chuyên nghiệp cho tới các doanh nghiệp.

Kinh nghiệm lâu năm trong việc cung cấp các giải pháp lưu trữ giúp chúng tôi hiểu sâu sắc nhu cầu của khách hàng, chúng tôi hiểu NAS và cung cấp các lựa chọn khác nhau cho mỗi phân khúc. Chúng tôi cũng hiểu sự quan trọng của nội dung số và hỗ trợ khách hàng lưu trữ, tập trung hóa và back-up, cũng như cung cấp sự bảo mật đối với nội dung của họ.

Nhiều DN tại Việt Nam hiện đã cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây với giá thành cạnh tranh hơn rất nhiều so với các DN nước ngoài. WD có lo lắng về điều này không?

Chúng tôi không hướng tới cạnh tranh về giá mà tập trung vào phát triển công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Xin cảm ơn ông!

>> Điện toán đám mây: Chúng tôi sẽ tiêu diệt phần mềm

Hoàng Vân

Quốc Dũng

Cùng chuyên mục
XEM