Cuộc chiến mía đường: Lỗ hổng từ chính sách điều hành? (Kỳ I)

19/12/2013 15:20 PM | Kinh doanh

Điều dư luận quan tâm là ngành mía đường VN đang “vận hành” theo cơ chế, chính sách nào và khoảng chênh lệch về giá bán rơi vào túi ai?

Loạt bài viết đăng trên báo DĐDN về đề nghị của Cty CP đường Biên Hòa xin nhập 30.000 tấn đường thô của Cty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) được đầu tư và sản xuất tại Lào đã nhận được nhiều phản hồi của công luận. 

Tuy nhiên, hiện nay điều dư luận quan tâm là ngành mía đường VN đang “vận hành” theo cơ chế, chính sách nào và khoảng chênh lệch về giá bán đường trên thị trường nội địa với giá bán đường tại các nhà máy đường và giá đường nhập lậu rơi vào túi ai?

Đường mua giá rẻ nhưng lại được bán giá cao là do công tác quản lý, điều hành về giá của các lực lượng chức năng, đặc biệt là các sở công thương địa phương chứ các nhà máy không hưởng lợi được gì về giá bán đường hiện nay trên thị trường bán lẻ

Đây cũng là điều trăn trở của các nhà máy đường bởi theo ông Đỗ Thanh Liêm - Tổng giám đốc Cty CP mía đường Khánh Hòa thì, hiện tại 40 nhà máy đường đang chào bán với giá 13.700 đồng/kg. Còn giá đường nhập lậu của Thái Lan khoảng 12.500 – 12.700 đồng/kg. 

Trong khi đó, giá bán đường trên thị trường nội địa, người tiêu dùng vẫn phải mua vào với giá 19.500 – 21.000 đồng/kg đối với hàng có nhãn mác rõ ràng và khoảng 18.000 đồng/kg đối với đường được đựng trong các túi nilon trắng không nhãn mác. Điều đáng chú ý, theo ông Liêm, dư luận lâu nay vẫn cho rằng khoảng chênh lệch này đều rơi vào “túi” các nhà máy sản xuất đường?

... hơn 90% sản lượng đường từ các nhà máy sản xuất lại do các Cty thương mại mua vào


Ai quản giá đường?

Ghi nhận của báo Diễn đàn Doanh nghiệp tại nhiều trung tâm thương mại, các siêu thị lớn cho thấy tuy mặt hàng đường ăn là một trong các loại thực phẩm thiết yếu nằm trong chương trình bình ổn giá của Chính phủ nhưng giá niêm yết tại đây khoảng từ 19.500 – 21.000 đồng/kg tùy loại. Tương tự, giá bán tại nhiều chợ bán lẻ tại TP. HCM mà đặc biệt là khu chợ Bình Tây, qua trao đổi với các tiểu thương báo giá là 177.000 đồng/12 kg. Đây là loại đường được đựng trong các bao giấy không nhãn mác và được người bán “mách nhỏ” là đường nhập lậu của Thái Lan nên có giá rẻ. Cũng mặt hàng đường này nếu mua lẻ thì giá phải là 18.000 đồng/kg.

Trước những thông tin về giá bán đường trên thị trường, qua trao đổi với ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội mía đường VN (VSSA) được biết, thực tại các nhà máy đường VN chỉ là nơi chế biến trong chuỗi sản xuất, chỉ là phần nổi của tảng băng. 

Trong khi thị trường đường với hơn 90% sản lượng đường từ các nhà máy sản xuất lại do các Cty thương mại mua vào để cung ứng ra thị trường. Vì thế, các nhà máy đường không thể có tác động tới giá đường trên thị trường vì họ chỉ là một mắt xích trong chuỗi giá trị. Đường mua giá rẻ nhưng lại được bán giá cao là do công tác quản lý, điều hành về giá của các lực lượng chức năng, đặc biệt là các sở công thương địa phương chứ các nhà máy không hưởng lợi được gì về giá bán đường hiện nay trên thị trường bán lẻ.



Liên quan tới giá đường, ông Liêm cũng đặt vấn đề, trong khi nhiều DN thực phẩm có sử dụng đường thường kêu ca do giá đường trong nước cao hơn giá đường thế giới nên đề nghị Chính phủ cho phép nhập khẩu đường để được hưởng lợi về giá. Thế nhưng người tiêu dùng trong nước có được hưởng lợi với giá rẻ từ việc nhập khẩu đường hay chỉ đem lại lợi ích cho các DN nhập khẩu này. 

Ông Liêm dẫn chứng, các DN sản xuất sữa hàng năm nằm trong danh sách đối tượng được nhập khẩu đường với số lượng lớn nhưng giá bán thòi gian qua liên tục tăng giá và người tiêu dùng chính là nạn nhân của “cơn bão giá” này. Hoặc như Cty CP đường Biên Hòa là một trong 30 DN được nhập khẩu 20.000 tấn đường thô về tinh luyện nhưng giá thành bán ra thị trường nội địa vẫn khá cao. Ông Liêm thắc mắc, cơ quan nào giám sát giá đường ở thị trường nội địa. Và ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm trước xã hội về khoảng chênh lệch giá giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng hiện nay.

Lỗ hổng từ cơ chế

Qua trao đổi với báo DĐDN, ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng, với sản lượng đường niên vụ 2013 - 2014 được dự báo đạt 1,6 triệu tấn. Cân đối cung - cầu, lượng đường sản xuất thừa khoảng 300.000 tấn/năm, tồn kho khoảng gần 200.000 tấn của niên vụ trước. Ngành đường còn bị mất một phần ba thị phần nội địa do 400.000 - 500.000 tấn đường nhập lậu mỗi năm. Trong khi đó, nước ta còn phải nhập từ 70.000 - 80.000 tấn đường theo cam kết WTO.

Giải quyết lượng đường thừa, Bộ Công Thương lâu nay vẫn sử dụng điệp khúc “khắc nhập, khắc xuất” và giải pháp này được xem là tối ưu đã trở thành “câu thần chú” chi phối toàn bộ ngành mía đường VN trong suốt thời gian qua. 

Theo ông Hiệp, xuất nhập khẩu đường, quản lý điều hành với sự can thiệp bằng các công cụ thuế, hạn ngạch và hàng loạt chính sách khác đối với loại hàng hóa thiết yếu như mặt hàng đường là rất cần thiết. Nhưng dường như số phận của cây mía, hạt đường đang bị đánh đu do sự bất cập trong công tác quản lý, điều hành của Nhà nước. 

Yêu cầu phát triển ngành mía đường không chỉ giải quyết bằng việc quản lý tốt “xuất – nhập” đường. Mà quản lý ngành mía đường tốt còn giúp kiểm soát được tình trạng buôn lậu và hàng tạm nhập tái xuất đường hiện đang bị lợi dụng. Không chỉ vậy, việc gắn kết giữa các nhà máy sản xuất đường với các DN thực phẩm có sử dụng đường có ý nghĩa hết sức quan trọng nhất là trong thời kỳ hội nhập, khi mà lộ trình WTO tới đây sẽ từng bước thuế suất trong khối ASEAN bị xóa bỏ, không chỉ ngành mía đường gặp nạn mà hầu hết các ngành hàng của VN cũng gặp khó nên đây là thời điểm để các DN của các ngành hàng thể hiện tinh thần “người VN dùng hàng VN”.

Ông Hiệp lo ngại, trong khi sản xuất đường của VN có sức cạnh tranh kém, giá thành sản phẩm cao. Đường nhập lậu giá rẻ hơn đường nội địa. Ngoài việc lo chống buôn lậu đường, việc nhập khẩu chính ngạch cần được chính danh và minh bạch. Việc nhập và danh sách ai được phép nhập đường trong các năm qua gần như bí mật… quốc gia. 

Bởi theo quy định, các DN thực phẩm sử dụng đường RE để sản xuất phải mua đường theo giá trong nước. Bên cạnh đó, có DN ngành đường được nhập khẩu đường để tinh luyện với giá giao dịch trên thị trường thế giới. Theo thời giá, rẻ hơn trong nước từ 4.000 – 5.000 đồng/kg. Với mức nhập khẩu hàng năm khoảng 70.000 tấn đường, “nhóm lợi ích” này hưởng lợi hơn 300 tỷ đồng. Đây là khoản tiền không nhỏ đáng ra cần được “minh bạch” trong chính sách xuất nhập khẩu để công khai đầu tư lại cho người trồng mía, phát triển ngành mía đường.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đức Quang, Viện trưởng Viện nghiên cứu mía đường (SRI) cho rằng, đã đến lúc Chính phủ cần có một chính sách mới, đột phá để giúp ngành mía đường giải quyết  những khó khăn thực tại. Nếu không người trồng mía sẽ không sống được với cây mía, DN thì đuối sức do luôn phải vật lộn với hàng nhập lậu trốn thuế và gian lận thương mại do tạm nhập tái xuất, còn người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn khi mua đường do không ai quản giá đường trên thị trường. 

Ông Quang hiến kế, nhà nước nên dành một phần kinh phí từ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN của các nhà máy đường để đầu tư cơ sở hạ tầng, kể cả hệ thống thuỷ lợi, cơ giới hóa khâu thu hoạch mía và một phần kinh phí đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ. Bởi đây là thời gian cho ngành mía đường phải thay đổi để không đánh mất thị trường 90 triệu dân hiện nay.

Đến câu chuyện nhập khẩu đường của HAGL

 Đã đến lúc Chính phủ cần có một chính sách mới, đột phá để giúp ngành mía đường giải quyết  những khó khăn thực tại.


Trong những tuần vừa qua, dư luận đã có không ít thông tin trái chiều về việc này. Ngay cả khi cơ quan quản lý có những phát ngôn chính thức thì những ý kiến này không phải không có cơ sở.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đặt câu hỏi: “Tại sao HAGL không liên kết với Cty CP đường Biên Hòa để lập bộ phận tinh luyện đường ngay trên đất Lào rồi xuất thẳng sang Trung Quốc, thay vì phải đưa đường thô về VN tinh chế rồi mượn một DN trong nước để rồi xin XK theo đường tiểu ngạch qua Trung Quốc?”. 

Trong khi theo HAGL khẳng định, đường sản xuất tại Lào của HAGL có sức cạnh tranh cao do giá thành rẻ và sản phẩm đạt chất lượng cao có khả năng tiêu thụ được khắp nơi trên thế giới. Ở VN nếu XK phải xin phép trong khi Lào thì không cần vì Lào thuộc diện quốc gia nghèo nên được hưởng nhiều chính sách ưu đãi miễn giảm thuế, không cần quota. Đặc biệt, đường có xuất xứ tại Lào bán vào EU rất dễ dàng.

Ngoài ra, dư luận còn đặt ra nhiều câu hỏi: Tại sao 30.000 tấn đường thô của HAGL do Cty CP đường Biên Hòa đề xuất xin nhập về để tinh luyện lại không theo con đường tạm nhập chính ngạch và tái xuất cũng chính ngạch công khai qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế có sự giám sát chặt chẽ của Hải quan mà lại “chui” bằng cửa khẩu phụ theo dạng mua bán của cư dân biên giới? Điều mà ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đặt dấu hỏi là ai dám đảm bảo thương vụ này không gây ra nhiều hệ lụy? Chưa kể, nó sẽ tạo ra tiền lệ “hợp thức hóa” cho việc “chở củi về rừng”.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Cty CP mía đường Bến Tre: 

Vì lợi nhuận, sẽ có cách… phù phép ?                                                                  

Trên lý thuyết, nhập đường thô về VN tinh luyện rồi xuất tiểu ngạch ra Trung Quốc thì không ảnh hưởng tới thị trường nội địa. Nhưng trên thực tế, câu chuyện hàng tạm nhập tái xuất đường trong suốt thời gian qua luôn làm đau đầu các cơ quan quản lý nhà nước, đặt biệt là ngành Hải quan do không kiểm soát nổi để một lượng lớn hàng “chảy ngược” vào thị trường nội địa.

Ông Trần Hữu Hiệp - Vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ: 

Chiêu trò “xuất - nhập” sẽ phá vỡ sản xuất

Trong cái vòng luẩn quẩn về “xuất – nhập” trong điều hành ngành mía đường thời gian qua đã kìm hãm sự phát triển của ngành hàng này. Hiện ngành mía đường đang bị chia cắt với những lợi ích khác nhau: Nhà máy đường, DN sử dụng đường, nông dân và người tiêu dùng. Tuy nhiên, giá thấp là một nhu cầu chính đáng, nhưng nó phải là kết quả của sản xuất cạnh tranh, chứ không phải là các chiêu trò “xuất – nhập” để phá vỡ sản xuất.

Do vậy, giải bài toán về giá đường cần tư duy hệ thống, cơ chế, chính sách và nhiều giải pháp điều hành linh hoạt, chặt chẽ và đồng bộ dựa trên hài hòa lợi ích giữa các bên thì mới mong có “đáp án” của bài toán.

Kỳ II: Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội mía đường VN lý giải với báo DĐDN về ý kiến:  “không có hiệp hội nào như hiệp hội mía đường”.


Theo Quốc Chánh

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM