"Cuộc chiến" giữa Google và Microsoft

10/12/2014 08:43 AM | Kinh doanh

Những con "khủng long" khổng lồ như Microsoft và Google ngày càng phình lớn trong không gian công nghệ chật chội, dẫn đến cuộc va chạm trực tiếp khó tránh.

Từ trước tới nay, Google và Microsoft ở thế "nước sông không phạm nước giếng" vì ở hai địa hạt khác nhau. Trong đó, Microsoft nổi tiếng về phần mềm hệ điều hành và bộ ứng dụng văn phòng dùng cho các dòng máy tính cá nhân, trong khi Google có ưu thế về nền tảng tìm kiếm trực tuyến.

Tuy nhiên, khi thế giới công nghệ di động phát triển, cả Google và Microsoft đều quyết liệt mở rộng lãnh thổ và hậu quả tất yếu xảy ra khi cả hai "người khổng lồ” này có những va chạm trực tiếp, cũng như cuộc đối đầu với những người khồng lồ công nghệ khác như Facebook, Apple...

Google hôm tuần trước đã công bố phát hành các phiên bản ứng dụng Quickoffice mới hoàn toàn miễn phí dành cho hệ điều hành Android và iOS, một sự thay thế cho bộ Office di động của Microsoft. Động thái này được cho là sẽ tạo thêm áp lực để Microsoft sớm cung cấp phiên bản Office trên iPad và máy tính bảng Android.

Để phản đòn Google, Microsoft ra mắt ứng dụng Office 365 có thể hoạt động trên nền tảng đám mây, và người dùng OneDrive và SharePoint có thể chia sẻ tài liệu với đồng nghiệp từ trên môi trường Internet. Bởi vì, Google hiện nay đang phát triển mạnh dịch vụ chia sẻ dữ liệu đám mây với ứng dụng Google Drive.

Microsoft cũng tấn công mạnh mẽ hơn vào thị trường tìm kiếm vốn là chủ lực của Google. Vào năm 2007, Google và Apple có ký kết thoả thuận trong đó Apple sẽ tích hợp sẵn Google Search vào trình duyệt Safari trên iPhone. Thỏa thuận này sẽ hết hạn vào năm sau, nên đây chính là thời điểm mà Microsoft cũng như Yahoo mong muốn thuyết phục Apple chuyển sang dùng dịch vụ tìm kiếm của họ, đẩy Google ra rìa.

Trong khi đó, Google ngày càng tỏ rõ tham vọng trong lĩnh vực kinh doanh phần mềm và dịch vụ điện toán đám mây. Tại thị trường Mỹ, Google tăng chi hoa hồng cho đại lý để mở rộng mảng kinh doanh phần mềm văn phòng, báo hiệu một thách thức nghiêm trọng hơn đối với sự thống trị của Microsoft tại mảng dịch vụ dành cho các doanh nghiệp lớn.

Một gói phần mềm thông thường, bao gồm Gmail, Docs và lưu trữ đám mây được Google tính 50 USD mỗi năm cho mỗi người sử dụng, trong đó, Google dành 10 USD cho các đại lý bán lẻ.

Cựu Giám đốc Điều hành Cisco Systems Murali Sitaram, mới gia nhập Google năm nay, sẽ là người đứng đầu của chiến lược mở rộng quan hệ đối tác toàn cầu và liên minh cho Google trong mảng kinh doanh dịch vụ dành cho văn phòng.

"Google có tham vọng có một hệ sinh thái đối tác ngang hàng với Microsoft", ông McNelis, Giám đốc Điều hành Dito, một đại lý bán lẻ Google Apps có trụ sở tại Manassas, nói.

 

Gartne ước tính, năm 2013, trong thị trường 16 tỷ USD phần mềm văn phòng như email, xử lý văn bản và bảng tính, Microsoft chiếm hơn 90% thị phần, còn Google chỉ được chưa đầy 1%.

Sức mạnh của Microsoft là quân đội của các đại lý, chuyên gia tư vấn và tích hợp hệ thống mà Microsoft đã xây dựng từ đầu những năm 1990. Microsoft có hơn 400.000 đối tác ở 170 quốc gia và chi hơn 5,8 tỷ USD một năm trên mạng.

Để so sánh, Google có hơn 10.000 đối tác và hoạt động tại hơn 100 quốc gia.

Tuy nhiên, Google gần đây đã công bố có 120 triệu tài khoản sử dụng Google Drive (có các dịch vụ Docs) và 5 triệu doanh nghiệp và tổ chức sử dụng nền tảng Google Appps.

Ngoài lợi thế miễn phí, số người dùng dịch vụ của Google tăng vọt vì khả năng hữu ích công việc tại một nơi truy cập tập trung và dễ dàng để chia sẻ và cộng tác với người khác.

Doanh số bán Office của Microsoft chiếm khoảng 1/3 tổng doanh thu hằng năm của công ty này. Với Office 365, Microsoft đang tính tiền 100 USD/năm, đảm bảo việc cập nhật thường xuyên, và mang lại nguồn tiền khiêm tốn khoảng 1,5 tỷ USD/quý.

Vì thế, dù muốn cạnh tranh với Google thế nào đi nữa, Microsoft cũng rất khó cho không người dùng bộ phần mềm này.

Dù office của Microsoft vẫn chiếm lĩnh trong thị trường ứng dụng văn phòng doanh nghiệp nhưng với một đối thủ khổng lồ như Google, Microsoft không thể lơ là.

Thực tế Microsoft đã có nhiều "kinh nghiệm thương đau" vì chủ quan.Thị phần trình duyệt Web của Microsoft đã bị hụt đi khi Firefox, và sau này là Chrome, đã chiếm lĩnh. Nền tảng Windows Mobile đã trở thành một nạn nhân của việc xâm chiếm của iOS và Android.

>> Vì sao châu Âu yêu cầu Google tách mảng tìm kiếm?

Theo Thụy Kha

Cùng chuyên mục
XEM