Cửa hàng tiện lợi: Bao giờ mới “lợi”?

30/05/2015 08:00 AM | Kinh doanh

Những thống kê cho thấy cửa hàng tiện lợi có rất nhiều tiềm năng phát triển mạnh tại Việt Nam. Nhưng thực tế chưa chắc đã như vậy.

Cuối tháng 4 vừa qua, chuỗi cửa hàng tiện lợi Ministop thông báo đã chấm dứt việc hợp tác với G7 - đối tác của đơn vị này từ năm 2011.

Chia tay đối tác nội, Ministop tìm đến Sojitz, một tập đoàn giàu kinh nghiệm của Nhật Bản. Sojitz sẽ hỗ trợ Ministop phục hồi hoạt động của hệ thống này - vốn gần như đình trệ - tại Việt Nam.

Aeon, công ty mẹ của Ministop, đã xuất hiện rất rầm rộ tại Việt Nam với việc mở ra 2 shopping mall rất lớn tại thành phố Hồ Chí Minh. Hãng bán lẻ này cũng bắt tay với Citimart và Fivimart – 2 chuỗi siêu thị lớn tại Việt Nam để bành trướng trong lĩnh vực siêu thị. Với việc bắt tay với Sojitz, Aeon đang cho thấy tham vọng tấn công cả trong lĩnh vực của hàng tiện lợi.

Cùng với sự phát triển của các thành phố lớn, chuỗi cửa hàng tiện lợi (convenient store) đang ngày càng phổ biến. Đặc biệt là tại thành phố Hồ Chí Minh, người dân đã bắt đầu quen với sự có mặt của loại hình bán lẻ hiện đại này.

Theo công ty nghiên cứu Nielsen Việt Nam, việc người tiêu dùng có khả năng chi tiêu nhiều hơn để mua sắm và việc không có thời gian cho công việc nội trợ sẽ là xu hướng thúc đẩy các cửa hàng tiện lợi phát triển.

Số liệu thống kê cho thấy, mô hình này đang rất tiềm năng. Theo Nielsen, số lượng bình quân đầu người trên mỗi cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam mới là 1 cửa hàng trên 69.000 người, chỉ bằng 1/2 so với Malaysia và 1/3 so với Trung Quốc. Con số này còn thấp hơn nhiều khi so với các quốc gia có hệ thống cửa hàng tiện lợi phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ.

“Với sự tham gia của những tên tuổi lớn quốc tế như Circle K hay Family Mart, mô hình này chắc chắn sẽ phát triển rất mạnh tại Việt Nam trong tương lai gần”, bà Nguyễn Hương Quỳnh, giám đốc công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam nhận định.

Ông Kigure Takahiko, giám đốc điều hành chuỗi Family Mart chia sẻ, đến nay Việt Nam với 90 triệu người chỉ có 400 cửa hàng, trong khi đó với dân số chỉ 60 triệu người, Thái Lan có đến 10.000 cửa hàng tiện lợi. Nhật Bản là 50.000 cửa hàng cho 130 triệu người.

“Quy mô thị trường Việt Nam lớn hơn Thái Lan và trong 10 năm tới, số lượng cửa hàng tiện lợi có thể đạt 15.000 trên toàn quốc”, ông Takahiko nhận định.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế, có vẻ đại diện Family Mart có phần hơi lạc quan.

Năm ngoái, bản thân Family Mart cũng đã phải từ bỏ liên doanh với DN Việt Nam là Phú Thái. Mối lương duyên thất bại đó kéo theo toàn bộ cửa hàng liên doanh giữa Family mart và Phú Thái bị BJC mua lại, đổi tên thành B’mart. Hiện tại, Family mart chỉ còn vài cửa hàng đầu tư 100% vốn còn tiếp tục kinh doanh.

Ngay cả sự ra đi của G7 trong lĩnh vực này cũng đã được dự báo từ trước khi liên doanh giữa Trung Nguyên và đại diện Nhật Bản hoàn toàn bế tắc.

Sự thất bại của mô hình cửa hàng tiện lợi, theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, đến từ vấn đề giá. “Quả là cửa hàng tiện lợi có lợi cho người dân. Bạn có thể mua hàng bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, nhược điểm lớn của mô hình này nằm ở vấn đề giá cả”.

Giá bán quá đắt là điểm trừ rất lớn của mô hình này, khiến người tiêu dùng Việt không mặn mà tìm đến những cửa hàng tiện lợi.

Một điểm trừ lớn khác đó là các cửa hàng tiện lợi thường không có đồ tươi sống, trong khi theo thống kê của Nielsen, 86% số người Việt đến cửa hàng tiện lợi sẽ tìm mua đồ ăn và nước uống.

Để giảm giá bán, các chuỗi cửa hàng tiện lợi phải đảm bảo được một số lượng cửa hàng đủ lớn. Theo các chuyên gia, một mô hình cửa hàng tiện lợi cần tối thiểu 150 điểm bán để đạt tới điểm hòa vốn và bắt đầu có lợi nhuận. Nếu chỉ có vài điểm bán, chuỗi vừa hoạt động không có lãi, vừa có giá bán đắt không cạnh tranh được với thị trường. Hiện nay, chưa có chuỗi cửa hàng tiện lợi nào đạt tới con số này.

Một khó khăn nữa của cửa hàng tiện lợi đến trực tiếp từ vấn đề chính sách. Ông Phạm Hữu Thìn, đại diện Vụ thị trường trong nước, Bộ công thương cho biết, với mỗi một cửa hàng tiện lợi mở ra, các DN phải làm thủ tục cấp giấy phép rất phức tạp. Khác với siêu thị, cửa hàng tiện lợi đánh trực tiếp vào mô hình bán lẻ truyền thống (chợ, tạp hóa), vì vậy các nhà chức trách phải có trách nhiệm "cân bằng" điều này.

"Các DN thường tìm cách “lách luật” bằng phương thức nhượng quyền nhưng nhìn chung để mở rộng hệ thống không đơn giản.”, ông Thìn cho biết.

Ông Nguyễn Bảo Lộc, phó Tổng giám đốc của Intimex thì cho rằng, để các chuỗi cửa hàng tiện lợi đi sâu vào khu dân cư, đòi hỏi một hệ thống logistic hiệu quả, cung cấp hàng hóa phù hợp với nhu cầu từng khu vực. Đây là một bài toán khó chưa có lời giải.

“Chuỗi cửa hàng tiện lợi đặt ra bài toán khó trong việc quản lý chi phí cũng như vận hành. Trong một diện tích nhỏ bé, bạn rất khó để trưng 100 – 150 mặt hàng cho khác hàng mua như tại siêu thị”, ông Lộc nhận định.

Chi phí mặt bằng cũng sẽ là cả một vấn đề. Theo ông Lộc, trong kinh doanh siêu thị, nếu chi phí mặt bằng lớn hơn 9 USD/m2 thì tốt nhất đừng làm. Trong khi đó, chi phí thuê mặt bằng tại các khu trung tâm ở thành phố lớn có thể cao hơn 4 – 5 lần mức giá trên.

Những bài toán khó đang đặt ra khiến chưa có một mô hình cửa hàng tiện lợi nào ở Việt Nam thực sự thành công. Trong khi các mô hình bán lẻ hiện đại khác như siêu thị, đại siêu thị đã ít nhiều gặt hái thành công tại Việt Nam, mô hình cửa hàng tiện lợi vẫn rất “lận đận”.

Để tìm kiếm đủ số lượng mặt bằng, đầu tư, quản lý chi phí vận hành đòi hỏi các DN trường vốn và có kỹ năng quản trị tốt. Nó cũng lý giải tại sao các DN Việt thường "đứt gánh giữa đường" khi liên doanh mở cửa hàng tiện lợi với DN ngoại. Trong tương lai, cửa hàng tiện lợi được dự báo sẽ là sân chơi riêng của các DN nước ngoài.

“Tại những cửa hàng khác nhau, họ biết cách điều chỉnh hàng hóa và cơ cấu mặt hàng sao cho phù hợp với từng khu vực. Đây là điểm vượt trội của DN ngoại so với DN nội", đại diện Nielsen Việt Nam nhận định

Trang Lam

Cùng chuyên mục
XEM