'Cú ngã ngựa' của cựu CEO hãng tư vấn quản lý danh tiếng McKinsey (Phần 2)

08/08/2013 13:00 PM | Kinh doanh

Tại sao một người đàn ông ngoại quốc lại thành công tới vậy, quản lý một trong những công ty hàng đầu ở Mỹ thời bấy giờ?

Nội dung nổi bật:

Từ một con người luôn cặm cụi làm việc ở những vùng đất xa xôi, những giấc mơ Mỹ và sự hoa lệ của New York nhộn nhịp đã khiến Gupta "hóa sói".

Biểu tượng tiên phong cho giới kinh doanh Ấn Độ hoạt động với giới tài phiệt Mỹ bỗng chốc trở thành nỗi băn khoăn của dư luận.

Vụ án Rajat Gupta gửi lại một thông điệp đã cũ: một người nổi tiếng sảy chân thì những người khác phải dè chừng. Chỉ có duy nhất truyền thông được lợi.

-----------------------------------

Màn kịch của hào quang

Cuốn sách cung cấp những cái nhìn vô cùng mới mẻ về sự nghiệp xuống dốc của Gupta, và lên tới đỉnh điểm khi khai thác khía cạnh doanh nhân này gục ngã trước vành móng ngựa. Qua đó, tác giả vẽ lại một cuộc sống thành đạt, thịnh vượng nhưng cũng lắm cạm bẫy của cộng đồng người Ấn Độ đang sinh sống tại Mỹ.

Lúc Gupta tới New York vào những năm 90, quan điểm của chàng trai trẻ bấy giờ đã hoàn toàn thay đổi. Trước đó, con người này luôn cặm cụi làm việc ở những vùng đất xa xôi, mãi tận Scandinavia và Chicago. Sự hoa lệ của một New York nhộn nhịp khiến Gupta "hóa sói", theo đuổi những giấc mơ Mỹ chưa từng được một lần xuất hiện trong tâm trí của chàng thanh niên. Tầm nhìn của Gupta bắt đầu bị xâm chiếm bởi hào quang của đồng tiền, ông liên tục tấn công các dự án đầu tư bất động sản để nhanh chóng trở thành nhân vật đáng gờm trong giới.

Cuốn sách gây bất ngờ khi xoáy sâu vào căn biệt thự nguy nga mà Gupta mua lại, tọa lạc ở Connecticut, với số tiền hàng tỉ USD. Gupta bắt đầu qua lại với giới chuyên gia tài chính, đi theo một số nhà tài phiệt giàu có bậc nhất để học hỏi kinh nghiệm. Nhưng cảm giác tự ti vì thua thiệt tài sản nhanh chóng khiến Gupta cảm thấy bực tức. Tham vọng của con người này bốc cháy khi ông ngầm nuôi ý định "chen chân" vào câu lạc bộ những trùm bất động sản ở Mỹ.

Có một chi tiết ít người biết tới: Rajat Gupta từng đọc diễn văn tại Trường Kinh doanh Columbia một năm sau khi từ bỏ Công ty McKinsey, về đầu quân tại Quỹ Galleon Group. Đó là một bài nói "tuyệt hay" như lời sinh viên nhận xét, phản ánh khát vọng làm giàu cùng cá tính quyết đoán đến cháy bỏng, nhưng đâu đó phảng phất sự bất an và chất chứa suy tư về cảm giác sợ hãi thất bại.

Tác giả Anita Raghavan từng hỏi liệu Gupta có thấy hạnh phúc và mãn nguyện với sự nghiệp, và nhận được câu trả lời thẳng thắn là không. "Có lúc, tôi thấy thỏa mãn. Nhưng thực ra, tôi đang đi tìm một chân trời mới cho sự nghiệp, và đang thay đổi để trở nên giàu có hơn. Thế nên, chưa thể vui vẻ được", Gupta cho biết.

Thế nhưng, bê bối giao dịch nội gián ở Quỹ Galleon là một màn kịch đã được lên sẵn các vai chính - phụ. Bản thân Gupta trở thành một diễn viên bất đắc dĩ, với xuất thân khiến không ít người xem ngỡ ngàng. Tiết lộ của cuốn sách cho biết, doanh nhân này phải trải qua thời niên thiếu đầy khốn khó, thiếu thốn và hứng chịu mất mát cả cha lẫn mẹ khi tuổi đời còn rất trẻ. Gánh vác toàn bộ trách nhiệm gia đình, Gupta vắt kiệt sức làm việc chỉ để gom góp đủ tiền tới Mỹ, giành học bổng tại Trường đại học Harvard và nhanh chóng xin việc ở Công ty McKinsey.

Ba nhiệm kỳ giữ cương vị CEO, thế nhưng chính tiền đã khiến Gupta lựa chọn sai lầm. Bỏ việc ở công ty, ông quyết định về đầu quân tại Quỹ Galleon, rồi tham gia liên tiếp các giao dịch "ngắn hạn" với sếp Raj Rajaratnam, để trở thành diễn viên của vụ bê bối khiến ông tiêu tán cả sự nghiệp. Năm 2012, Gupta nhận bản án 2 năm tù giam vì để lộ thông tin tuyệt mật khi đang giữ cương vị thành viên Ban quản trị Ngân hàng Goldman Sachs, dù đã mạnh tay chi gần 10 triệu USD tiền bảo lãnh.

Người Ấn đã mất niềm tin

Quả thực, quá khứ thành công của Rajat Gupta đã trở thành tấm gương cho nhiều lãnh đạo các công ty Ấn Độ quyết tâm xâm chiếm thị trường Mỹ. Nhưng sẽ chẳng có ai thay thế được Gupta thời kỳ hậu bê bối trước tầm ảnh hưởng và sự thống trị của nhân vật này.

Cuốn sách khắc họa hình tượng một Gupta sở hữu khả năng thú vị khi "đong đưa" trong tầm ảnh hưởng của nhiều luồng tư tưởng từ Ấn Độ hay Mỹ. Có thể nói, Rajat Gupta là một tấm gương sáng về sự thành công của người Ấn Độ trong thời đại toàn cầu hóa, một doanh nhân thân thiện trong mắt những đồng nghiệp. Sự đóng góp của ông vì sự nghiệp giáo dục và sức khỏe toàn cầu được nhiều người ca ngợi. Mặc dù đã đạt đến đỉnh vinh hoa phú quý ở Mỹ, Guapta không bao giờ quên nguồn gốc của mình. Chính tác giả Anita Raghavan phải thừa nhận không tìm được một cá nhân nào ở Ấn Độ đủ sức thay thế cái bóng quá lớn của Gupta trên đất Mỹ.

Tình cảm của ông đối với quê hương Ấn Độ được thể hiện dưới hình thức những quỹ từ thiện - xã hội, cũng như sự hợp tác với nhiều tổ chức phi chính phủ trong những chương trình dành cho Ấn Độ. Tuy nhiên, những hoạt động từ thiện mà ông đã làm không thể ảnh hưởng đến quyết định của bồi thẩm đoàn, như lời của thẩm phán đã nói: "Ngay cả khi mẹ Teresa bị cáo buộc tội cướp ngân hàng, quan tòa vẫn phải xác định xem bà ấy có làm hay không".

Doanh nhân tù tội này từng là một biểu tượng, một cá nhân tiên phong cho giới kinh doanh Ấn Độ hoạt động với giới tài phiệt Mỹ. Gupta "thắng thuyết phục" khi được 100% phiếu đồng thuận bầu vào vị trí CEO của McKinsey. Niềm tự hào của người gốc Ấn đã tỏa sáng, nhưng lại gây băn khoăn cho dư luận. Tại sao một người đàn ông ngoại quốc lại thành công tới vậy, quản lý một trong những công ty hàng đầu ở Mỹ thời bấy giờ?

Cuốn sách trở thành một hiện tượng, và tác giả tưởng chừng phải chịu cảnh người đọc "ném đá" vì những khía cạnh mới về Gupta. Tuy nhiên, phản hồi từ dư luận tỏ ra khá tích cực, và đa phần đồng ý với chính tác giả. Vấn đề duy nhất nằm ở chỗ, luận điểm Gupta bị Raj Rajaratnam "bẫy" vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Ngay cả những người trong cuộc cũng úp mở trong cuộc phỏng vấn trước khi cuốn sách được xuất bản.

Phải nói rằng, tham nhũng lan tràn khó kiểm soát, và với cá tính thích tiền như Gupta thì chuyện dính dáng tới một vài vụ làm ăn, giao dịch nội gián hoàn toàn có thể đoán trước được. Câu chuyện về doanh nhân tài năng một thời cho thấy: "gen" tham nhũng tồn tại ở khắp mọi nơi, trong mỗi con người, và Mỹ cũng đang dần biến dạng bởi các quan chức, doanh nhân mang loại “gen” cực độc hại này.

Vụ án Rajat Gupta gửi lại một thông điệp đã cũ: một người nổi tiếng sảy chân thì những người khác phải dè chừng. Chỉ có duy nhất truyền thông được lợi! Gupta đã chịu trách nhiệm trước bản thân với 2 năm tù giam, nhưng sẽ phải xin lỗi các con và toàn thể những người Ấn Độ đã đặt nhầm niềm tin nơi ông…

Theo Trần Quân - Việt Dũng

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM