Công ty này đã tăng doanh thu gấp 3 lần sau 1 năm nhờ 'những đám mây'

25/02/2016 11:53 AM | Kinh doanh

ScienceLogic là đơn vị cung cấp các hệ thống và công cụ điều khiển mạng lưới cho dịch vụ điện toán đám mây. Họ cạnh tranh với các sản phẩm từ những công ty như Zenoss, Solarwind, IBM, HP và CA.

Điện toán đám mây có thể là mối đe dọa đối với rất nhiều nhà cung cấp công nghệ thông tin lớn nhưng nó lại là “mỏ vàng” và là công cụ hữu ích biến một vài công ty khác thành những gã khổng lồ.

ScienceLogic – công ty được thành lập từ 12 năm trước bởi CEO David Link là ví dụ điển hình nhất.

Doanh thu của công ty này đã tăng gấp 3 lần từ 30 triệu USD trong năm 2014 thành 100 triệu USD trong năm 2015. CEO Link cho biết anh hy vọng đạt tốc độ tăng trưởng “khủng” trong năm 2016 nhưng không chia sẻ mục tiêu cụ thể.

Lý do để CEO Link tự tin với dự đoán này là bởi các doanh nghiệp đều đang đẩy mạnh việc thâm nhập vào thị trường dịch vụ điện toán đám mây, đặc biệt là Amazon Web Services (AWS) – đơn vị dẫn đầu thị trường này.

ScienceLogic là đơn vị cung cấp các hệ thống và công cụ điều khiển mạng lưới. Họ cạnh tranh với các sản phẩm từ những công ty như Zenoss, Solarwind, IBM, HP và CA.

Thị trường "điện toán đám mây lai"

Khoảng 3 năm trước, Link đã nhìn ra xu hướng của điện toán đám mây và tái thiết sản phẩm của mình để đặc biệt phù hợp với dịch vụ điện toán đám mây của Amazon.

Hiện nay, các sản phẩm này cũng phù hợp với cả Microsoft Azure và những dịch vụ điện toán đám mây được xây dựng dựa trên việc sử dụng phần mềm của VMware.

Mục tiêu của Link là nắm lấy cơ hội giải quyết cái gọi là “điện toán đám mây lai”. Tức là các công ty hướng một phần công nghệ thông tin vào điện toán đám mây trong khi vẫn giữ lại một số trung tâm dữ liệu.

Hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch hoạt động trong thị trường này mãi mãi. Một số khác thì nhận ra rằng một khi tấn công vào thị trường điện toán đám mây, họ sẽ thích thú và cuối cùng muốn gỡ bỏ các trung tâm dữ liệu. Tuy nhiên họ sẽ vẫn sẽ hoạt động trong thị trường “lai” một vài năm và sau đó dần rút lui.

Có thể dễ dàng tưởng tượng, sẽ rất phức tạp để quản lý một hệ thống "lai" với vô số các ứng dụng, dữ liệu và các hệ thống.

Sống sót sau bong bóng dotcom

ScienceLogic có thể xem là giấc mơ thành hiện thực đối với CEO Link. Trước khi thành lập ScienceLogic, Link đã làm việc tại một công ty web-hosting (dịch vụ lưu trữ và duy trì trên website) vốn không thể sống sót qua thời kỳ bong bóng dotcom.

Sau đó, Link đã mua lại tất cả các trang thiết bị trung tâm dữ liệu và công cụ điều khiển hệ thống. Anh và các đồng sáng lập ScienceLogic khác đã dành một năm đầu để thiết lập nên các sản phẩm ban đầu dựa trên nền tảng này.

“Bản thân tôi là một người mua những sản phẩm này và tôi không thích cách thị trường đang đối xử với tôi. Chúng tôi không chỉ đơn giản xây dựng nên công ty này mà là để giải quyết những vấn đề thực sự cấp thiết”.

Sau 7 năm hoạt động, ScienceLogic mới lần đầu tiên huy động được 15 triệu USD trong năm 2010. Sau đó, họ đã hợp tác với các nhà đầu tư gồm Intel và Goldman Sachs và huy động được 84 triệu USD, trong đó có 45 triệu USD là từ Goldman Sachs.

"Trong nửa cuối năm nay, dòng tiền của chúng tôi sẽ được cải thiện. Tôi rất vui vì đã huy động được nhiều hơn số vốn mà mình cần".

Mục tiêu cuối cùng là IPO nhưng việc này còn cần có thời gian cho tới khi thị trường chứng khoán hồi phục. Trong lúc đó, nhờ Amazon, chúng tôi vẫn sống khỏe.

Ngoài việc tăng doanh thu gấp 3 vào năm ngoái, ScienceLogic sẽ tăng số lượng nhân viên từ 270 thành 350 người trong năm 2016. Họ cũng sẽ mở rộng văn phòng tại châu Âu, Hong Kong và Singapore, có khoảng 25.000 khách hàng trên toàn thế giới.

Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM