Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Nhà đầu tư e ngại

26/03/2015 08:19 AM | Kinh doanh

Vấn đề có phải là chính phủ và DN chưa biết cách marketing cổ phần hóa sao cho hấp dẫn đối với nhà đầu tư?

Nội dung nổi bật:

- Nhà đầu tư chú ý đến tất cả các đợt IPO của DNNN, từ cảng biển, hạ tầng, các ngành hàng tiêu dùng nhanh..., nhưng thực tế thì không phải đợt đấu giá nào cũng tạo nên sức hút.

- NĐT không muốn chi tiền vô ích, để một đợt IPO thành công, đòi hỏi nhiều yếu tố, từ thời điểm cho đến tỉ lệ cổ phần hóa, tiềm năng DN.


 

2015 sẽ là năm kỷ lục về giá trị cổ phần bán ra của 280 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khi cổ phần hóa. Song, kết quả từ các đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) chưa thể khẳng định theo hướng lạc quan. Vấn đề có phải là chính phủ và DN chưa biết cách marketing cổ phần hóa sao cho hấp dẫn đối với nhà đầu tư?

Ế vì nói thách?

IPO mà đại diện phần vốn nhà nước vẫn chiếm tỷ lệ cao trong vốn điều lệ (VĐ2L) thường khó thu hút nhà đầu tư. Theo đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 - 2015, số lượng DNNN phải cổ phần hóa (CPH) là 532 DN (thêm 100 DN sau quá trình rà soát so với chỉ tiêu đặt ra năm 2014). Tính đến 25/12/2014, cả nước đã sắp xếp được 167 DN, trong đó có 143 DN CPH. Như vậy, năm 2015 được xem là thời điểm quan trọng cho CPH DNNN.

Song, như nhiều chuyên gia đã đề cập tại các cuộc hội thảo kinh tế rằng vấn đề không ở chỗ số lượng mà là chất lượng từ CPH mang đến cho DN. Tức là cổ phần mà DNNN đấu giá có thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư (NĐT), giá trị mà DN thu được sau CPH là gì...?

Rõ ràng, NĐT (kể cả trong và ngoài nước) đều quan tâm các cơ hội đến từ CPH DNNN, như Andy Ho, Giám đốc điều hành Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) đã chia sẻ tại Diễn đàn M&A 2014.

Trao đổi với phóng viên Doanh Nhân Sài Gòn, ông Andy Ho cho biết, NĐT chú ý đến tất cả các đợt IPO của DNNN, từ cảng biển, hạ tầng, các ngành hàng tiêu dùng nhanh..., nhưng thực tế thì không phải đợt đấu giá nào cũng tạo nên sức hút.

Có những trường hợp của DNNN bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực, cũng như những điều kiện mà phía DN CPH áp cho NĐT chưa hợp lý. Ngoài ra, NĐT, đặc biệt là NĐT ngoại còn chú trọng đến các khoản nợ của DNNN tham gia CPH và hệ thống quản trị sau CPH sẽ được sắp xếp ra sao, quyền quyết định của NĐT đối với các vấn đề chiến lược của DN như thế nào.

Những tưởng, sang năm 2015, hoạt động IPO tại các DNNN ngành cảng biển sẽ thoát khỏi "dớp" ế ẩm của năm cũ nhưng xem ra tình hình vẫn chưa khá hơn. Đợt IPO của Công ty TNHH MTV Cảng Cam Ranh (công ty con của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines) diễn ra vào ngày 16/3 vừa rồi đã cho kết quả không như mong đợi.

Có tổng cộng 50 NĐT đặt mua 582.000 cổ phần, tương đương 9,5% số cổ phần chào bán (6 triệu cổ phần, tương ứng 23% vốn điều lệ), với mức giá đấu thành công bình quân 10.172 đồng/cổ phần (giá khởi điểm 10.000 đồng). Tổng giá trị của đợt chào bán này chỉ ở mức hơn 5,9 tỷ đồng và còn ế gần 5,5 triệu cổ phần.

Trước đó, một thành viên khác, thuộc Vinalines là Công ty TNHH MTV Cảng Nha Trang (gọi tắt là Cảng Nha Trang) lâm vào tình thế vắng NĐT, đợt IPO vào tháng 5/2014, tỷ lệ thành công chỉ đạt 6,3%.

Theo đó, 47 NĐT cá nhân tham gia mua 350.000 cổ phần của Cảng Nha Trang trên tổng số hơn 5,5 triệu cổ phần đăng ký bán (chiếm hơn 22,6% vốn điều lệ) và chỉ thu về vỏn vẹn hơn 3,5 tỷ đồng!

Không chỉ Cảng Nha Trang, Cảng Đà Nẵng hay gần đây là Cảng Cam Ranh, đa phần các đợt IPO cảng biển từ năm ngoái đến nay đều đìu hiu. Ngay như trường hợp Công ty TNHH MTV Cảng Quảng Ninh (Cảng Quảng Ninh), tại phiên IPO vào ngày 23/5/2014, đơn vị này chỉ bán được 854.500 cổ phần trên tổng số 11,3 triệu cổ phần mang ra đấu giá, chiếm 7,5% và thu về 9,4 tỷ đồng.

Đó là chưa nói đến phiên "thanh lý” số cổ phần còn lại sau đợt IPO cũng không được diễn ra như dự kiến (vào ngày 18/6/2014) do chẳng NĐT nào đăng ký mua.

Trong khi đó, một cảng biển lớn như Cảng Hải Phòng cũng chỉ bán được 47% trên tổng số cổ phần chào bán tại phiên IPO diễn ra năm 2014. Một trong những nguyên nhân khiến hoạt động IPO của các cảng biển lâm vào cảnh "ế dây chuyền", không thu hút được NĐT chiến lược là do điều kiện mà các đơn vị này đưa ra quá cao so với thực lực.

Điển hình như trường hợp Cảng Nha Trang, theo phương án CPH, tiêu chí lựa chọn NĐT chiến lược là ứng viên phải có tổng tài sản và vốn chủ sở hữu tối thiểu 100 tỷ đồng mỗi loại vào cuối năm 2012. Ngoài ra, đối tác chiến lược phải có lợi nhuận sau thuế (LNST) dương 3 năm liên tiếp (2010 - 2012) và cam kết không chuyển nhượng cổ phần ít nhất 5 năm.

Từ năm 2011 đến hết năm 2013, cả nước đã sắp xếp được 180 DNNN, trong đó cổ phần hóa 99 DN và bằng các hình thức khác 81 DN. Năm 2014 đã tái cơ cấu được 167 DNNN, trong đó cổ phần hóa 143 DN. Đã thoái vốn được trên 6.000 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần so với năm 2013.

IPO có cũng như không

Phân tích nguyên nhân vì sao có nhiều đợt IPO DNNN vắng bóng NĐT lớn, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho rằng, trước hết là thời điểm IPO (điều kiện thị trường có tốt không).

Thời điểm IPO các cảng biển năm 2014 được các nhà phân tích cho là nguồn cung quá lớn. Tuy nhiên, điều mà NĐT đặt nặng là ngành nghề hoạt động của DN, tiềm năng phát triển của công ty.

Chẳng hạn, Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, một trong 4 DN của Tập đoàn Dầu Khí phải thực hiện CPH trong giai đoạn 2011 - 2015), NĐT nhìn thấy tiềm năng của Công ty.

Do đó, tại phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng ngày 11/12/2014, đã có hơn 1.300 NĐT tham gia (trong đó có 24 NĐT tổ chức trong nước và 2 NĐT nước ngoài đặt mua), với lượng đăng ký mua đạt trên 141 triệu cổ phần, bằng 110% so với lượng đấu giá (128,9 triệu cổ phần), với giá trúng bình quân là 12.251 đồng/cổ phần và thu về hơn 1.500 tỷ đồng.

Theo ông Sơn, kết quả thành công hay thất bại của các đợt IPO còn nằm ở vấn đề định giá DN và tỷ lệ IPO. Nếu chỉ IPO lượng cổ phần tương ứng 3% hay 5% vốn điều lệ (VĐL) thì khó mà thu hút NĐT.

Với NĐT chiến lược, mua số lượng cổ phần để đạt tỷ lệ 20 - 30% VĐL sẽ tạo hào hứng cho họ vì thấp hơn thì không giải quyết được vấn đề quản trị DN sau CPH. Thêm nữa là lộ trình niêm yết DN sau CPH.

Nếu DN tiến hành niêm yết trong khoản thời gian 3 - 6 tháng sau IPO hoặc song song với việc chuyển đổi mô hình hoạt động (sang cổ phần) sẽ có mức độ thu hút NĐT cao hơn là 1 - 3 năm.

Điều mà ông Sơn nói liên quan trực tiếp đến tỷ lệ vốn do Nhà nước nắm giữ tại các DNNN sau CPH. Nhiều DNNN đã CPH nhưng phần vốn nhà nước vẫn còn cao khiến NĐT ngoảnh mặt. Việc CPH Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam (Vinamotor, trực thuộc Bộ Giao thông-Vận tải) là một ví dụ.

Tháng 3/2014, Vinamotor tiến hành IPO nhưng chỉ bán được 1,5 triệu cổ phần/51 triệu cổ phần chào bán (tương ứng 3,1%/51% VĐL). Song, mới đây, khi Chính phủ đồng ý bán toàn bộ vốn nhà nước tại Vinamotor (đang chiếm 97,7%), thì ngay lập tức có 4 NĐT đăng ký mua.

Duy chỉ có 2 NĐT là có thể đáp ứng một trong những điều kiện mà Vinamotor đặt ra là vốn chủ sở hữu tại thời điểm tham giá đấu giá phải trên 855 tỷ đồng, tương ứng với số vốn nhà nước định thoái tại Vinamotor). Trong đó, Công ty CP Cáp và Vật liệu Viễn thông (SACOM) đã có văn bản đề nghị mua.

Một trường hợp khác là Cảng Quảng Ninh, theo đề án CPH, sau IPO, Nhà nước vẫn giữ 75% vốn điều lệ. Trong khi kết quả kinh doanh của công ty này giai đoạn 2011 - 2013 không mấy ấn tượng, với lợi nhuận lần lượt đạt 6,1 tỷ đồng, 7,9 tỷ đồng và 1,5 tỷ đồng. NĐT sẽ khó lòng thay đổi hoạt động, hay thay đổi chiến lược kinh doanh nếu chỉ nắm giữ chưa đầy 25% vốn điều lệ tại đây.

Tuy nhiên, sau hai lần ế khi chào bán cổ phần trong năm 2014, sau quyết định bán toàn bộ vốn nhà nước tại Cảng Quảng Ninh, ngay lập tức, Tập đoàn T&T đã bày tỏ mong muốn mua lại toàn bộ phần vốn này.

Do đó, nói như ông Nguyễn Minh Đăng Khánh, Phó tổng giám đốc, kiêm Giám đốc Tài chính Vietfund Management, một DN muốn huy động thêm nguồn vốn, đổi mới công nghệ. để phát triển mạnh hơn thì cần sự tham gia của các NĐT chiến lược. Muốn vậy, cần phải xem xét và đưa ra những điều kiện tiệm cận về mặt lợi ích mà hai bên có thể gặp được nhau.

>> Tại sao quá trình cổ phần hóa DNNN tốn nhiều thời gian

Theo NGUYÊN BẢO - DUY KHUÊ

Cùng chuyên mục
XEM