Có nên buồn vì xuất khẩu FDI đóng góp quá nhiều cho kinh tế Việt Nam?

21/01/2016 08:50 AM | Kinh doanh

Những dự án tỉ đô như dự án của Samsung ở Bắc Ninh hay dự án nhà máy điện Duyên Hải không chỉ giải quyết vấn đề lao động, việc làm, mà còn đóng góp rất lớn vào giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong năm qua.

Vẫn như mọi năm, báo cáo tình hình kinh tế xã hội 2015 tiếp tục nhấn mạnh, khu vực FDI đóng góp chủ yếu vào giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể các doanh nghiệp FDI đã xuất khẩu 115,1 tỷ USD - tương đương 71% giá trị xuất khẩu năm 2015 của cả nước, tăng 13,8%.

Đồ thị dưới đây cho thấy tỷ lệ đóng góp của FDI vào xuất khẩu đã tăng liên tục từ năm 2009 đến nay (41% lên 71%).



Từ 2009 đến nay, đóng góp của khối FDI vào xuất khẩu tăng rất nhanh và chiếm tỉ trọng ngày càng lớn

Từ 2009 đến nay, đóng góp của khối FDI vào xuất khẩu tăng rất nhanh và chiếm tỉ trọng ngày càng lớn

 

Đó là những con số ấn tượng. Mặc dù vậy, nó cũng cho thấy một vấn đề: nền kinh tế đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các DN FDI. Không quá khi nói động lực tăng trưởng của nền kinh tế đang phục thuộc lớn vào khối FDI.

Đại diện sáng giá nhất phải kể đến Samsung. Một mình tập đoàn này đã đóng góp khoảng 30 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu nước ta. Vì vậy, cũng không có gì lạ khi 2 tỉnh Samsung đặt nhà máy là Thái Nguyên và Bắc Ninh góp mặt trong top 6 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất, nhập khẩu cao nhất cả nước cùng với TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.

Nhập khẩu của khu vực FDI năm 2015 đạt 97,9 tỉ đô la Mỹ, chiếm 59,2% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong năm 2015, khu vực FDI xuất siêu gần 17,15 tỉ đô la Mỹ. Năm nay, Việt Nam nhập siêu khoảng 3 tỉ USD, nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng nhập siêu của các DN nội.

Ở mặt ngược lại, các DN nội đang lép vế hoàn toàn. Các doanh nghiệp trong nước chỉ đóng góp 47,3 tỷ USD vào giá trị xuất khẩu, giảm 3,5% so với năm ngoái.

Năm ngoái, mặc dù vẫn chiếm tỷ trọng xuất khẩu thấp nhưng các doanh nghiệp trong nước vẫn duy trì đà tăng trưởng khá tốt và theo sát khối FDI. Tuy nhiên từ đầu năm 2015, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước liên tục sụt giảm. Trong khi khối FDI tăng trưởng đều đặn.

Tại sao lại dẫn tới tình trạng này? Các DN FDI đang tận dụng rất tốt sự hồi phục của nền kinh tế và cơ chế ưu đãi của Nhà nước dành riêng cho DN ngoại.

Thêm vào đó, việc hàng loạt hiệp định thương mại đã được ký kết như FTA với EU, Hàn Quốc, hiệp định AEC và sắp tới đây là TPP đang thúc đẩy dòng tiền ngoại đổ vào Việt Nam.

Một số dự báo còn cho rằng, Việt Nam sẽ là một trong những thị trường thay thế vai trò "công xưởng thế giới" của Trung Quốc trong tương lai gần.

Đây có thể phải là một tín hiệu vui? Về lâu dài, câu trả lời có thể là không. Sự thất bại của các DN nội, không chỉ phản ứng nội lực của DN trong nước yếu kém hơn, mà còn cho thấy chính sách hỗ trợ của Nhà nước vẫn thiếu tính cân bằng cho nội - ngoại.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc bỏ qua hỗ trợ DN nội rất nguy hiểm, bởi động lực từ xuất khẩu FDI sẽ không bền vững, có thể thay đổi rất nhanh khi những ưu đãi của chính sách thay đổi.

Trang Lam

Cùng chuyên mục
XEM