Cơ hội “vàng” cho quỹ đầu tư mạo hiểm

15/03/2012 08:51 AM |

Theo đại diện các quỹ đầu tư mạo hiểm, thời điểm kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp tiềm năng khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, lại chính là cơ hội để các quỹ rót vốn vào thị trường...

Chiến lược của các quỹ đầu tư mạo hiểm trong năm nay là tiếp tục đầu tư vào các doanh nghiệp có khả năng sinh lời, chứ chưa đặt ra những kế hoạch thoái vốn.

Thời điểm tốt

Các chuyên gia cho rằng, lĩnh vực công nghệ thông tin và Internet ít chịu ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế khó khăn. Do vậy, trong năm nay sẽ có làn sóng đầu tư mạnh vào thị trường này.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng đại diện Quỹ CyberAgent Ventures tại Việt Nam, cho biết năm nay sẽ là một năm thuận lợi để quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên về công nghệ và Internet tăng cường rót vốn vào Việt Nam. “Khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp bao gồm các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Internet và công nghệ khó huy động vốn, thì việc đẩy mạnh đầu tư của các quỹ mạo hiểm sẽ có nhiều thuận lợi hơn”, ông Dũng nói.

Ngoài ra, cũng theo ông Dũng, bản thân các quỹ thường đầu tư với chiến lược dài hạn, nên họ cũng không quá quan tâm đến các sự kiện hằng ngày đang ảnh hưởng, tác động đến nền kinh tế.

Thị trường đầu tư công nghệ trong thời gian tới rất nhiều tiềm năng, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản, tài chính-chứng khoán đang trầm lắng.

Ông David Đỗ (Dũng), Giám đốc điều hành Quỹ VIG (Vietnam Investments Group) – một quỹ đầu tư đa ngành nghề – cũng nhận định cơ hội đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam ở thời điểm này là rất lớn. “Tại các nước phát triển ở châu Âu hoặc Mỹ, tỷ lệ ngành này chiếm khoảng 7% GDP, trong khi ở Việt Nam thì chưa đạt đến 2%. Tuy nhiên, VIG sẽ không đầu tư vào các công ty khởi nghiệp, mà chỉ đầu tư vào những công ty đã có lãi và có thứ hạng nhất định trên thị trường, đang cần thêm vốn để phát triển nhanh hơn”, ông David Đỗ cho biết.

Ngoài ra, ông Trần Tuấn Tài, chuyên viên của Quỹ đầu tư FPT (FPT Capital), cho biết thị trường đầu tư công nghệ trong thời gian tới rất nhiều tiềm năng, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản, tài chính-chứng khoán đang trầm lắng. Trong đó, Internet là một ngành tốt để các quỹ đầu tư mạo hiểm cơ cấu và đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình. Theo ông Tài, hiện FPT Capital khá quan tâm đến lĩnh vực này.

Chiến lược trong thời gian tới

Theo các chuyên gia, thương mại điện tử tại các thị trường mới nổi như Việt Nam là mục tiêu đầu tư của các tổ chức tài chính. Do vậy, mặc dù Việt Nam chưa hoàn thiện về hạ tầng thanh toán, giao nhận, chất lượng hàng hóa… nhưng việc đầu tư đón đầu là bước đi chiến lược của những tổ chức đầu tư có tầm nhìn dài hạn. Ngoài ra, nhờ sự đẩy mạnh đầu tư của các quỹ này, những điểm hạn chế kể trên sẽ nhanh chóng được khắc phục và giúp cho thương mại điện tử ngày một phát triển hơn.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng cho biết, chiến lược sắp tới của CyberAgent là tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào các công ty trong lĩnh vực dịch vụ Internet và dịch vụ cho điện thoại di động. “Quỹ sẽ không hạn chế số lượng công ty đầu tư, mà ngược lại sẵn sàng đầu tư vào nhiều công ty, miễn sao các công ty đó đáp ứng đủ các tiêu chuẩn đánh giá đầu tư của quỹ”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, các tiêu chuẩn để quỹ này đầu tư vào một doanh nghiệp bao gồm: thị phần trong tương lai của ý tưởng; đối tượng khách mà dịch vụ nhắm đến cùng giá trị mang lại cho khách hàng; sự khác biệt và thế mạnh của dịch vụ so với các dịch vụ trên thị trường; tầm nhìn và quyết tâm thực hiện ý tưởng của ban lãnh đạo doanh nghiệp...

Đầu năm nay, quỹ này đã rót vốn vào ba doanh nghiệp, gồm NCT (NhacCuaTui.com), Phần mềm Hộp Màu (ColorBox) và Nhà sách trực tuyến Tiki.vn. Tính đến nay, quỹ đã đầu tư vốn vào 10 doanh nghiệp.

Trong khi đó, CyberAgnet Ventures có kế hoạch tìm kiếm thêm 20-30 dự án đầu tư đến năm 2013 với số tiền giải ngân khoảng 50 triệu đô la Mỹ. Bên cạnh đó, ông David Đỗ cho hay, trong năm nay VIG dự định đầu tư vào khoảng 3-4 công ty với số tiền sẽ giải ngân là 600-800 tỉ đồng. Riêng về lĩnh vực Internet và công nghệ, quỹ dự định sẽ sử dụng khoảng 15-20% số vốn nói trên.

“VIG sẽ ưu tiên lựa chọn những công ty nào chuyên về một lĩnh vực, hay những doanh nghiệp nào đầu tư mạnh về phát triển nhân lực”, ông David Đỗ cho biết.  Theo lý giải của ông, ở lĩnh vực công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp nước ngoài, kiến thức trong ngành thay đổi liên tục. Do đó, nhân lực là vốn quý nhất đối với mọi doanh nghiệp.

Dịch vụ thương mại điện tử cũng được xem là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư, vì hiện nay Internet đang tăng trưởng nhanh, lượng người dân sử dụng Internet ở Việt Nam ngày càng nhiều, ông David Đỗ cho biết thêm.

Còn theo ông Tài, vì FPT Capital hoạt động trong lĩnh vực vốn tư nhân (private equity) nên chưa đầu tư cho những công ty mới thành lập, mà chỉ đầu tư cho những doanh nghiệp đã phát triển, cần thêm vốn để tăng trưởng. Tuy nhiên, riêng về lĩnh vực công nghệ thì quỹ kỳ vọng vào các công ty khởi nghiệp có mô hình tăng trưởng đột biến. Do vậy, quỹ có thể xem xét các cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp có ý tưởng kinh doanh và có mô hình tăng trưởng doanh thu tốt.

Khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp bao gồm các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Internet và công nghệ khó huy động vốn, thì việc đẩy mạnh đầu tư của các quỹ mạo hiểm sẽ có nhiều thuận lợi hơn.

Ông Tài cho biết, FPT Capital đang quản lý một lượng vốn lớn có thể giải ngân nhanh. Theo bản báo cáo tài chính đã công bố năm 2010, tổng số vốn mà FPT Capital đang quản lý vào khoảng 5.000 tỉ đồng.

“Để có thể thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm, các doanh nghiệp phải chứng minh rằng mình có mô hình kinh doanh tốt, khả năng vận hành xuất sắc kèm theo đội ngũ những người sáng lập doanh nghiệp có tâm huyết và gắn bó, quyết tâm vượt qua nhiều thử thách trong quá trình khởi nghiệp”, ông Tài cho biết thêm.

Hỗ trợ doanh nghiệp thương mại hóa sản phẩm công nghệ

Bà Huỳnh Lưu Thanh Giang, chuyên viên Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ TPHCM, cho hay quỹ này chuyên hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ…

Theo bà Giang, quỹ này sẽ cho doanh nghiệp vay tối đa 70% tổng mức đầu tư của dự án và không quá 10 tỉ đồng, không phân biệt các doanh nghiệp mới thành lập hay các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường.

Ngoài ra, lãi suất cho vay chỉ bằng khoảng 50% so với lãi suất ngân hàng tại thời điểm vay, thời gian cho vay tối đa là bốn năm. Hiện nay, lãi vay từ quỹ này dưới 8%/năm.

Để được vay vốn từ quỹ, sản phẩm công nghệ của doanh nghiệp cơ bản phải hoàn thiện và đang trong quá trình thương mại hóa, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nhằm bảo đảm tính khả thi của dự án và khả năng hoàn trả nợ vay, vì đầu tư vào khoa học công nghệ là một ngành đầu tư mạo hiểm, có yếu tố rủi ro.
Bắt đầu hoạt động từ năm 2008, đến nay quỹ mới chỉ cho vay khoảng bảy doanh nghiệp.

Nói về lý do có quá ít doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này, bà Giang cho biết ngoài những điều kiện như trên, doanh nghiệp phải cung cấp các loại hồ sơ, thông tin như báo cáo tài chính hằng năm… Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải lập dự án, thuyết minh về sản phẩm công nghệ đang trong quá trình thương mại hóa; sau đó quỹ sẽ thẩm định, đánh giá về công nghệ, hiệu quả kinh tế, khả năng thu hồi vốn. “Rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng không đáp ứng được điều kiện vay và một số doanh nghiệp ngại công bố thông tin hoạt động kinh doanh của mình nên không tiếp cận được nguồn vốn”, bà Giang nói.

Đến thời điểm này, CyberAgent Ventures (Nhật) đã đầu tư vào 10 doanh nghiệp, trong đó có VNG, VMG, Vatgia.com, VGame, Baokim, CleverAds, Di Động Xanh...
Đầu năm 2012, quỹ này tiếp tục đầu tư vào các công ty như NhacCuaTui, Ti Ki bằng việc mua lại số cổ phần tương ứng với 10%, 20%; đồng thời rót vốn vào ColorBox với số tiền khoảng nửa triệu đô la Mỹ để trở thành cổ đông chiến lược của các doanh nghiệp này.
Trong lúc đó, IDG Ventures với vai trò là quỹ khai phá thị trường dịch vụ công nghệ Việt Nam, kể từ dự án đầu tiên vào năm 2005, đến nay đã đầu tư vào hơn 40 công ty như PeaceSoft, Naiscorp, VietnamWorks, VNG…
DFJ VinaCapital thì đầu tư vào hơn 10 công ty gồm: Yeah1, TaxOnline.com.vn, Gapit, TìmNhanh!, Chicilon Media...

 

Theo Đình Nghĩa
TBKTSG

duchai

Cùng chuyên mục
XEM