Có hay không hành vi trốn thuế?

14/12/2012 15:48 PM | Kinh doanh


Dư luận vẫn đang tập trung sự chú ý vào việc một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bị rơi vào diện nghi ngờ về hoạt động chuyển giá để tránh thuế và cần phải thanh tra như Adidas Việt Nam, Coca-Cola Việt Nam, Metro Cash & Carry Việt Nam...

Ông Trần Hữu Huỳnh - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI - cho rằng, đây chỉ là một vài trường hợp cá biệt và cơ quan chức năng cần phải làm rõ vấn đề để cộng đồng DN và người dân được rõ.

Câu hỏi về sự minh bạch

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, về nguyên tắc, DN nào cũng phải đóng thuế. Ngay cả hộ kinh doanh rất nhỏ cũng vẫn phải đóng thuế. Vấn đề này cơ quan thuế theo dõi được. Bởi ngay cả hộ bán phở cán bộ thuế còn theo dõi được, huống chi các trường hợp được đề cập đều là những DN có vốn nước ngoài lớn. Tất nhiên, ông Huỳnh bày tỏ rằng, đó chỉ là một số trường hợp cá biệt chứ không phải đại đa số DN FDI. 

Nhưng câu hỏi mà chuyên gia này đặt ra là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong nước gặp muôn ngàn khó khăn thời gian qua còn phát triển được, vậy tại sao các đơn vị lớn lại liên tục báo lỗ nhiều năm liền. Vậy trách nhiệm của ngành thuế là phải tìm ra câu trả lời cho câu hỏi trên. 

Ông Huỳnh cũng cho rằng nên nhìn lại bài học của tỉnh Lâm Đồng. Tại sao họ lại thành công trong công tác chống chuyển giá ở một số DN có vốn FDI hoạt động trên địa bàn. 

“Ở đây tôi không đặt vấn đề có sự thông đồng giữa cơ quan thuế và DN, mà vấn đề là ở năng lực của cơ quan quản lý để minh bạch các khúc mắc trên. Có hay không hành vi trốn thuế của một số DN FDI? Trách nhiệm là cơ quan nhà nước phải trả lời cho người dân và trả lời cho các DN trong nước, nhất là trong bối cảnh họ phải cạnh tranh rất vất vả” - ông Huỳnh nói. 

Hết ưu đãi là chuyển hướng

Nhiều ý kiến cho rằng, không phải tới nay các DN FDI mới bị “soi” kỹ như thế, mà trong suốt quá trình hoạt động, một số DN đã thực sự bộc lộ vấn đề khi không đi đúng hướng như kỳ vọng mục tiêu thu hút vốn đầu tư của VN và cam kết của chính họ. “Khi thu hút vốn FDI, chúng ta có chiến lược và mục tiêu rất cụ thể: Vốn, chuyển giao công nghệ và quản trị DN” - ông Huỳnh nói.

Ông Huỳnh chia sẻ, về vốn có thời kỳ đạt được thành quả tốt, nhưng rõ ràng là để thu hút vốn đầu tư chúng ta đã có những ưu đãi trong đó có môi trường, đất đai, lao động giá rẻ, thuế, phí... Đến nay, khi nhìn lại lao động của mình chủ yếu là lao động gia công đơn giản. Về mặt quản trị, thì không có sự liên kết “hữu cơ”, bởi sau thời gian ưu đãi, VN góp 30% vốn bằng đất đai... hầu hết các liên doanh đều chuyển thành 100% DN vốn nước ngoài. 

Nhà máy Coca-Cola tại Hà Nội (ảnh minh hoạ).

Như vậy là cả ba mục tiêu mình đều không đạt được và cái giá chúng ta phải trả là rất lớn. Còn cam kết về thuế càng ngày càng tiến đến mốc theo cam kết hội nhập, nhưng các DN FDI lại chuyển dịch sang hình thức phân phối, vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp rất ít ỏi. 

Câu chuyện là của chúng ta

Theo quan điểm của ông Trần Hữu Huỳnh, dư địa để ưu đãi trong chính sách thu hút vốn FDI sẽ không còn nhiều. Chúng ta không phải thu hút vốn bằng những thứ có sẵn (đất đai, thuế, phí... - PV). Tất cả những gì có thể làm được thì mình đã làm rồi. Cái này chỉ thu hút NĐT tham lam, mang tính ngắn hạn. 

Mà muốn thu hút những nguồn vốn đầu tư bền vững, ông Huỳnh cho rằng, cần phải tạo mọi điều kiện tối đa để nâng cao năng lực quốc gia mà những NĐT thực sự bền vững cùng hướng tới là sự minh bạch, năng lực của bộ máy quản lý, nâng cao chất lượng điều hành, lao động trẻ (chứ không phải với lao động rẻ - PV)... cùng với những lợi thế có sẵn của VN là vấn đề của lao động chất lượng cao.

Chuyên gia này cho rằng trong thời gian tới, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài là khó khăn do yếu tố nội tại và tình hình chung trên thế giới, nhưng ông cũng lưu ý là cần thu hút nguồn vốn bền vững, xác định lực lượng nào (khối DN nào - PV) có khả năng liên doanh liên kết với đối tác nước ngoài để không xảy ra tình trạng như đã đề cập ở trên. 

“Điều này đòi hỏi một sự thay đổi căn bản nội tại nền kinh tế, cách mạng, chứ không chỉ là cải cách thông thường. Câu chuyện là của chúng ta chứ không phải là của NĐT” - ông Huỳnh nói. 

Né thuế qua “chuyển giá” là hành vi xúc phạm xã hội

Chủ tịch Uỷ ban Kiểm toán công thuộc Quốc hội Anh Margaret Hodge mới đây đã lớn tiếng chỉ trích việc các tập đoàn toàn cầu hoạt động với quy mô lớn ở Anh, thu lợi nhuận lớn nhưng đóng rất ít thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), là “sự xúc phạm và lăng mạ đối với các DN và cá nhân đang đóng góp cho xã hội”. Để chặn đứng tình trạng này, Chính phủ Anh mới đây đã thông qua ngân sách 154 triệu bảng Anh (246,5 triệu USD) để thành lập một đội điều tra về các cá nhân và DN trốn thuế. 

Trước đó, Uỷ ban Kiểm toán công đã ra báo cáo chỉ trích các tập đoàn đa quốc gia không đóng thuế thu nhập DN ở Anh, nhằm thẳng mũi dùi vào 3 Cty Mỹ là Amazon, Google và Starbucks. Theo xác nhận của Starbucks, tập đoàn này không hề trả bất cứ mức thuế DN nào tại Anh trong vòng 3 năm qua. Theo các chuyên gia, Starbucks có thể lách luật để làm điều này bằng cách trả phí cho nhiều mảng trong ngành kinh doanh – chẳng hạn “chi phí bản quyền” để sử dụng nhãn hiệu - khiến cho Cty này liên tục báo cáo lỗ và không phải trả bất cứ mức thuế DN nào.  

Hoạt động chuyển giá nội bộ tập đoàn đã trở thành một vấn đề nóng trên toàn cầu. Thủ đoạn thường thấy là các tập đoàn sẽ chuyển lợi nhuận qua các chi nhánh quốc tế đặt ở những nước áp dụng mức thuế rất thấp. Nhưng dù vấn đề rất rõ ràng, cũng không dễ dàng dò ra được khi nào việc chuyển giá được thực thi. Nguyên nhân bởi việc chuyển giá nội bộ Cty là cả một hoạt động phức tạp. Các Cty thường có cách thức riêng biệt để phân phối giá giữa trụ sở và các chi nhánh, và các chi phí này sẽ được xây dựng dựa trên giá hàng hóa “thị trường” hoặc các dịch vụ “bán” cho chi nhánh. 

Động thái “lạm dụng định giá sai thương mại” đã trở nên “quá bình thường” ở các Cty lớn. Các khoản né thuế thương mại chiếm khoảng 60-65% dòng tiền chảy trái phép trên toàn cầu, và điều này thường được thực hiện chủ yếu qua việc định giá sai thương mại trong các tập đoàn. A.P 

Theo Lao động/AAP, BBC, Forbes

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM