Chuyện "xuất khẩu" con nuôi ở Hàn Quốc

05/06/2015 10:10 AM | Kinh doanh

Từng là một trong số những nước có nhiều trẻ sơ sinh được nhận nuôi nhất, Hàn Quốc đang nỗ lực ngăn chặn tình trạng này, nhưng kèm theo đó cũng có cái giá phải trả.

Tại Nhà thờ cộng đồng Jusarang ở nam Seoul, mục sư đặt một chiếc “hộp trẻ con” để những người mẹ bỏ lại đứa con không mong muốn của mình. Buồn thay, số lượng trẻ ngày một tăng. Từ khi luật nhận con nuôi tại Hàn Quốc được điều chỉnh vào năm 2012, chiếc hộp nhận được từ 2 đến 20 trẻ mỗi tháng. Nhà thờ cho biết lý do chính của sự gia tăng này là điều luật vừa được chỉnh sửa. Vài trẻ được sinh ra với một tờ giấy ghi chú trên ngực rằng người mẹ không muốn làm khai sinh cho con.

Việc nhận con nuôi tại Hàn Quốc có một lịch sử nhiều rắc rối. Sau khi chiến tranh liên Triều kết thúc vào năm 1953, những đứa trẻ lai là sản phẩm giữa đoàn quân nước ngoài và phụ nữ Hàn Quốc vào những năm 1950 đã bị bỏ rơi và giạt về các thành phố bị tàn phá của đất nước. Những đứa trẻ bụi này bị xa lánh bởi một xã hội Nho giáo, nơi đề cao huyết thống và không cho phép nuôi nấng một đứa trẻ xa lạ. Hàng nghìn gia đình nước ngoài đã bắt đầu nhận nuôi những đứa trẻ này, tạo nên cuộc di cư lớn nhất của những đứa con nuôi đến từ một đất nước là Hàn Quốc.

Dòng di cư này tiếp diễn một thời gian dài sau cuộc chiến liên Triều. Từ đó Hàn Quốc đã gửi ra nước ngoài khoảng 200.000 trẻ mồ côi hoặc bị bỏ rơi, 3/4 trong số đó sang Mỹ. Vào đỉnh điểm của cuộc di cư giữa những năm 1980, hàng ngày có 24 trẻ rời khỏi quê hương để đến với những gia đình ngoại quốc. Các công ty môi giới kiếm được bộn tiền. Vào 2001, chính phủ ra chủ trương cho phép các công ty này thu 9.000 đô cho mỗi trường hợp người nhận nuôi ở nước ngoài, và chỉ có 2.000 đô cho các trường hợp trong nước.

Trong vòng nhiều năm nguồn cung trẻ em đã tăng lên bởi chính phủ đã bãi bỏ luật hạn chế sinh đẻ (theo đó những gia đình có hơn 2 con được cho là không yêu nước). Một số người chọn từ bỏ đứa con của mình tại các trạm cảnh sát hoặc ở chợ. Giờ đây hơn 90% trẻ được nhận nuôi là con của những người mẹ chưa kết hôn vì nỗi sợ bị chối bỏ bởi xã hội bảo thủ. Những gia đình cha mẹ đơn thân được nhận nguồn tài chính ít ỏi từ nhà nước – chỉ bằng một nửa so với số tiền dành cho cha mẹ nuôi và các nhà nuôi dưỡng. Nếu có họ hàng giàu có, họ còn không được hưởng những nguồn phụ cấp sinh hoạt cơ bản của nhà nước.

Ngày nay, Hàn Quốc muốn thể hiện rằng có thể nuôi dưỡng toàn bộ số trẻ em của đất nước. Từ 2007, nước này đã đặt giới hạn cho số lượng trẻ gửi ra nước ngoài, giảm 10% mỗi năm. Số trẻ này cũng phải ở lại Hàn Quốc trong vòng 5 tháng khi các công ty môi giới tìm gia đình muốn nhận nuôi tại địa phương, trước khi các em được gửi ra nước ngoài. Luật nhận con nuôi thay đổi vào 2012 quy định các trẻ được nhận nuôi phải được đăng ký tại tòa án nhằm khiến quy trình trở nên minh bạch và giúp trẻ có cơ hội tìm lại bố mẹ đẻ của mình. Vào 2013, Hàn Quốc gia nhập Công ước Hague về Con nuôi Quốc tế, theo đó trẻ em sẽ được ưu tiên gửi vào các gia đình trong nước.

Những bước đi này được ủng bộ bởi các nhóm vận động hành lang gồm những người là con nuôi gốc Hàn tại nước ngoài, chủ yếu tại Mỹ. Một vài khiếu nại của họ, bao gồm tình trạng phân biệt chủng tộc, đã nhận được sự cảm thông từ chính phủ. Nhóm Truth and Reconciliation for the Adoption Community of Korea (TRACK) (Tạm dịch: Sự thật và Hòa giải cho cộng đồng con nuôi Hàn Quốc) tổ chức các chiến dịch chống lại việc nhận con nuôi xuyên quốc gia từ Hàn Quốc và bảo vệ quyền của con nuôi được tìm bố mẹ đẻ. Mặc dù các công ty môi giới sẵn sàng giúp đỡ, nhưng việc tìm lại bố mẹ đẻ là rất khó khăn. Nhóm TRACK cho biết đó là vì các công ty đã xử lý hồ sơ sai quy trình với việc khai báo trẻ là mô côi để đẩy nhanh thời gian cho phép nhận con nuôi ra nước ngoài.

 

Số trường hợp nhận con nuôi quốc tế đã giảm mạnh ở Hàn Quốc nhờ những nỗ lực của Chính phủ nước này.

Số trường hợp nhận con nuôi quốc tế đã giảm mạnh ở Hàn Quốc nhờ những nỗ lực của Chính phủ nước này.

Nỗ lực của chính phủ nhằm chấm dứt làn sóng di cư đã thành công: số trường hợp nhận con nuôi quốc tế đã giảm mạnh. Con nuôi hiện nay có cơ hội tìm lại bố mẹ đẻ của mình khi chúng lớn lên. Luật nhận con nuôi mới quy định một tuần tư vấn đã khiến một số người mẹ giữ lại con của mình.

Nhưng bộ luật sửa đổi cũng có những kết quả ngoài ý muốn. Số trường hợp nhận con nuôi trong nước tuy từng có đà tăng nhưng đã giảm xuống từ 2012, một phần vì quy định khắt khe hơn về tiêu chuẩn được nhận con, và số lượng các trẻ có thể nhận nuôi giảm. Trong khi đó thống kê của cảnh sát cho thấy số lượng trẻ bị bỏ rơi lại tăng, từ 127 năm 2011 đến 225 năm 2013.

Một lý do các cặp cha mẹ không muốn đăng ký khai sinh cho con là vì nhà tuyển dụng có thể tiếp cận các giấy tờ về gia đình để đánh giá ứng viên. Tệ hơn nữa, họ hàng cũng có thể xem các thông tin này và thường tẩy chay những đứa con gái có con ngoài giá thú.

 

 

Những sự cấm kỵ với việc nhận con nuôi vẫn còn dai dẳng. Từ những năm 1950 trở lại đây người Hàn chỉ nhận nuôi 4% trong tổng số trẻ mồ côi. Việc nhận nuôi thường diễn ra bí mật bởi các cha mẹ muốn nhận đứa trẻ có cùng nhóm máu và một số phụ nữ giả vờ có thai để xem như đứa trẻ là con họ. Con gái thường được nhận nuôi nhiều hơn con trai để tránh phiền hà từ các nghi lễ tổ tiên trong gia đình – thường được tổ chức bởi con trai. Từ những năm 1950, hơn 4/5 số trẻ bị bỏ rơi, tương đương 2 triệu trẻ, đã phải vào trại trẻ mồ côi.

Không lạ lùng gì khi nạn phá thai tại Hàn Quốc cao hơn các nước khác trong nhóm OECD gồm hầu hết các nước giàu. Quan điểm Khổng Tử vẫn thịnh hành trong thời gian gần đây khi các gia đình lựa chọn sinh con trai và phá các bào thai là con gái. Vào 1990, 117 bé trai so với 100 bé gái được sinh ra; với các gia đình có 4 con thì tỷ lệ này là 2:1. Vào 2012, chính phủ từng cố gắng hạn chế tình trạng này bằng cách đã viện dẫn một điều luật được thông qua vào 1953 nhưng ít được thực thi về việc cấm phá thai. Mục đích của việc làm này nhằm phần nào gia tăng tỷ lệ sinh vốn đã thấp vào bậc nhất thế giới: 1,3 trẻ/phụ nữ.

Ngày nay, tỷ lệ giới tính sau sinh đã gần đạt đến mức bình thường, nhưng nạn phá thai vẫn còn phổ biến mà lý do quan trọng nhất là vì sự kỳ thị của xã hội với những người mang thai ngoài ý muốn. Lee Bong-chu thuộc ĐH Quốc gia Seoul cho rằng tỷ lệ này có thể đã tăng kể từ khi luật nhận con nuôi được thay đổi, và với việc đưa ra quá nhiều hạn chế, điều luật đã tạo ra một “thông điệp sai lầm” rằng nhận con nuôi là xấu.

Tác dụng không mong muốn này có thể được khắc phục bằng một dự luật hạn chế quyền tiếp cận thông tin gia đình, và dự luật này có thể sẽ sớm được trình lên quốc hội. Kể từ tháng trước, những đứa trẻ được nhận nuôi cũng được đăng ký trong hồ sơ của người cha. Điều này sẽ giúp giảm bớt chút áp lực cho các phụ nữ chưa kết hôn. Nhưng thành kiến xã hội vẫn còn đó, vì vậy điều luật sửa đổi vẫn có những khiếm khuyết mà ngay cả những người ủng hộ cũng phải thừa nhận.

Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM