Chuyên gia Nhật, Đức “hiến kế” cho nông nghiệp Việt Nam

17/12/2015 18:52 PM | Kinh doanh

Để có thể hội nhập thành công, giảm bớt áp lực cạnh tranh cho ngành nông nghiệp, một số chuyên gia nước ngoài cho rằng Việt Nam cần thay đổi cơ bản các khâu tổ chức, sản xuất nông nghiệp kết hợp với thúc đẩy thương mại điện tử hiệu quả hơn.

Đổi thay sản xuất, chế biến

Tại buổi hội thảo quốc tế “Nâng cao hiệu quả hợp tác nông nghiệp trong giai đoạn mới” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức sáng nay (17-12), tại Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Xuân, Giám đốc Sở Ngoại vụ Đồng Tháp cho biết: Để chuẩn bị cho hội nhập, Đồng Tháp đã đẩy mạnh tái cơ cấu một số ngành hàng lớn như lúa gạo, xoài, hoa cảnh…

Tuy nhiên, trên thực tế sản xuất nông nghiệp quy mô còn nhỏ lẻ, chất lượng không đồng đều, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định. Sản phẩm chủ yếu xuất khẩu thô và cũng chưa đáp ứng được nhu cầu khắt khe của nhiều thị trường. Khó khăn mà Đồng Tháp gặp phải cũng là vấn đề chung của không ít địa phương trên cả nước.

Theo ông Katsuro Nagai, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam: Để vững vàng hội nhập, bên cạnh việc đảm bảo tốt hơn vệ sinh an toàn thực phẩm, ngành nông nghiệp Việt Nam cần thực sự thay đổi một số khâu cơ bản như sản xuất, chế biến, phân phối…

Hiện nay, nông nghiệp Việt Nam chủ yếu sản xuất quy mô nhỏ, khoảng 0,62ha/hộ gia đình. Do vậy, nông dân khó để nâng cao tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm của mình. Thông thường, đối tượng trung gian giữa người nông dân và thị trường thu lợi nhiều nhất. Điều này có thể được giải quyết bằng cách tổ chức hiệu quả các hộ nông dân tham gia vào những hình thức hợp tác xã.

Ở khâu chế biến, hiện nay chưa có nhiều cơ hội để các hộ nông dân, các cơ sở chế biến có thể tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm, ví dụ phân biệt rõ nét sản phẩm cấp trung hay cấp cao nhằm bán hàng ở phân khúc thị trường phù hợp với giá cao hơn. Giải quyết vấn đề này, chính quyền địa phương hay các doanh nghiệp tư nhân tham gia hợp tác với nông dân cần hỗ trợ để có thể xác định sản phẩm chất lượng cao và tiến hành dán nhãn phân biệt rõ.

“Một trong những khâu rất quan trọng cần thay đổi hiện nay là phân phối. Nhiều mặt hàng như thủy sản hay rau quả tươi khi vận chuyển xa thì bị hỏng do cơ sở hạ tầng hạn chế, chưa có container làm lạnh để có thể vận chuyển sản phẩm. Muốn có sản phẩm có giá trị gia tăng cao, điều này phải được sớm khắc phục”, ông Katsuro Nagai nói.

Ông Katsuro Nagai cho biết thêm: Các mặt hàng nông sản Việt Nam khi đã được đóng gói, dán nhãn mác cẩn thận, chất lượng đảm bảo, điều cần thiết nữa là phải được xây dựng thương hiệu.

Thúc đẩy thương mại điện tử

Ở một góc độ khác, theo ông Bjorn Koslowski, Phó trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam: Trong hội nhập sâu để gia tăng sức cạnh tranh, một trong những yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp tham gia xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam cần lưu ý là làm tốt hơn khâu thương mại điện tử.

Điều căn bản đầu tiên chính là, doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng website bằng tiếng Anh để có thể tiếp thị cho các đối tác nước ngoài. Trên đó, các thông tin về doanh nghiệp phải chân thực, đầy đủ, rõ ràng.

Đã có những trường hợp, doanh nghiệp Đức muốn hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp Việt Nam nhưng không có cách nào để tìm kiếm được thông tin đầy đủ về doanh nghiệp mà phải thông qua những khâu trung gian. Điều này khá bất tiện.

“Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần kết nối với các trang mạng bán hàng quốc tế như Alibaba, tích cực tham gia các hội chợ quốc tế… Khi đã có đơn hàng, điều doanh nghiệp phải chú ý là kịp thời phản hồi thông tin cho khách hàng”, ông Bjorn Koslowski nhấn mạnh.

Tham dự hội thảo, ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng góp ý: Việt Nam là nước xuất khẩu lớn (thứ hạng cao) của nhiều mặt hàng nông sản, song không có khả năng tác động đến giá thế giới.

Trong bối cảnh hội nhập sâu, để khẳng định hơn nữa vị thế của mình trong vấn đề xuất khẩu nông sản, Việt Nam cần nghiên cứu xây dựng liên minh ngành hàng chiến lược với sự tham gia của các nước xuất khẩu khác. Ví dụ trước đây, Việt Nam và Thái Lan đã từng cân nhắc đề xuất liên minh để điều tiết giá gạo, song chưa thực hiện được. Vậy thì trong bối cảnh hiện tại phải xem xét các yếu tố xem đã phù hợp chưa để tiếp tục thúc đẩy.

Theo Thanh Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM