Chuyện gì đang xảy ra với Sony?

23/12/2014 08:53 AM | Kinh doanh

Các chuyên gia đều cho rằng, tổn thất mà Sony phải chịu là rất khó để đánh giá, nhưng khẳng định đó là một khoản không hề nhỏ.

Sự cố bị hacker tấn công

Thời điểm cuối tháng 11, báo chí xôn xao bởi thông tin Sony Pictures bị hacker tấn công vào toàn bộ hệ thống máy tính. Theo đó, mọi máy tính của nhân viên hãng này đồng loạt xuất hiện hình ảnh rùng rợn kèm lời đe dọa. Tất cả buộc phải tắt máy, thậm chí nhiều người phải về nhà vì không làm được gì. Toàn bộ hoạt động của Sony Pictures trên toàn cầu cũng bị tê liệt.

Tiếp sau đó, các hacker này cho phát tán 5 bộ phim bom tấn đang trong kế hoạch quảng bá của Sony Pictures. Nổi bật nhất phải kể đến bom tấn Fury với sự tham gia của nam tài tử Brad Pitt. Dù sau đó vẫn được công chiếu như kế hoạch vào ngày 30/11 nhưng bộ phim đã bị phát tán rộng rãi trên các website tải phim trái phép.

Trong khi Sony Pictures vẫn đang nỗ lực khắc phục hậu quả, nhóm hacker lại tiếp tục công bố những hình ảnh thiết kế đầu tiên của thế hệ sản phẩm Xperia 2015 thuộc quản lý của Sony Electronics (bộ phận điện tử). Theo một số nguồn tin, hacker đã lấy được dữ liệu này từ hòm thư của CEO bộ phận phát hành phim Sony Pictures (bộ phận của Sony bị hack nặng nề nhất trong vụ việc vừa qua).

Cụ thể hơn, đây chính là email được Sony Electronics gửi tới người điều hành của Sony Pictures với mục đích đưa Xperia Z4 vào quảng bá trong phần tiếp theo của bộ phim James Bond sắp được trình chiếu vào năm sau. Một số thông tin cơ mật khác cũng được tiết lộ gồm có: Khoản phí mà Sony Electronics (bộ phận điện tử) sẽ trả cho Sony Pictures để quảng bá sản phẩm này lên tới 18 triệu USD.

Cùng với Xperia Z4, mẫu thiết kế đồng hồ thông minh mới của Sony cũng chịu chung số phận. Dù thông tin mới dừng lại ở việc tiết lộ do phía hacker. Tuy nhiên, với những gì được công bố, có vẻ Sony đang có ý định quảng bá rất nghiêm túc với những dòng sản phẩm này và chúng đã sẵn sàng ra mắt công chúng trong thời gian tới.

Thủ phạm chưa tìm ra, Sony phải gồng mình chịu hậu quả

Ngay khi cuộc tấn công mở màn, nhiều người đặt ngay nghi vấn cho Triều Tiên. Thời điểm đó, Sony Pictures đang chuẩn bị cho phát hành bộ phim tài liệu hư cấu về chủ tịch nước này là Kim Jong-Un là The Interview. Người ta cho rằng bộ phim khiến Triều Tiên tức giận và tấn công hệ thống của Sony Pictures.

Thông tin để lại trên các màn hình máy tính sau khi bị tấn công.

Tuy nhiên, theo thông tin để lại trên các máy tính bị tấn công, nhóm hacker tự nhận mình là Người giám hộ Hòa Bình (GOP) và chịu trách nhiệm về vụ việc. Tuy vậy, ngay từ đầu đơn vị an ninh mạng mà Sony Pictures thuê điều tra vẫn dồn nghi vấn lớn nhất cho Triều Tiên.

Dù ai là người đứng sau vụ tấn công này thì người chịu thiệt nhất vẫn là Sony. Hãng này đang phải gồng mình khắc phục sự cố. Việc làm sạch và thay thế toàn bộ hệ thống máy tính sẽ “ngốn” vài chục triệu USD.

Ngoài ra, việc hacker đe dọa tấn công vào hệ thống các rạp chiếu bộ phim tài liệu về Kim Jong-Un dự kiến phát hành vào 25/12 cũng khiến những đơn vị này hủy bỏ lịch công chiếu. Điều này không chỉ gây mất 75 triệu USD chi phí làm phim mà Sony sẽ không thể mang về bất kỳ đồng doanh thu nào cả.

Cuối cùng, đã có một số đơn kiện của nhân viên Sony Pictures gửi lên tòa án với lý do bị tiết lộ thông tin cá nhân.

Điều này đồng nghĩa với việc Sony sẽ phải bỏ ra một khoản không nhỏ để bồi thường và dành cho chi phí liên quan đến các vụ kiện tụng.

Nhìn chung, các chuyên gia đều cho rằng, tổn thất mà Sony phải chịu là rất khó để đánh giá, nhưng khẳng định đó là một khoản không hề nhỏ.

Kinh doanh cũng đang gặp khó khăn

Tập đoàn Sony thực tế đang gặp phải khó khăn trong mảng kinh doanh di động khi doanh thu sụt giảm nghiêm trọng tới 172 tỷ yen (tương đương 1,5 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. CEO của hãng là Kazuo Hirai đã nghĩ đến chuyện chuyển tập trung kinh doanh sang mảng giải trí mà dẫn đầu là Sony Pictures.

Thậm chí, cuối tháng 11 vừa qua, công ty vẫn “hùng hồn” tuyên bố đặt mục tiêu tăng doanh số bán hàng mảng kinh doanh phim ảnh từ 10 tỷ USD lên 11 tỷ USD trong năm kết thúc vào 31/3/2018 với biên lợi nhuận hoạt động đạt 8%. Mảng kinh doanh âm nhạc cũng dự tính doanh số ở mức 5,2 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, trước biến cố như hiện tại, có vẻ Sony sẽ rất khó để đạt được mục tiêu này.

>> Còn điều gì cứu nổi Sony?

Phương Linh

Đàm Vân

Cùng chuyên mục
XEM