Chương trình truyền hình trả tiền bị tạm ngừng đến bao giờ?

24/05/2013 11:15 AM | Kinh doanh

Ngày 15.5, đài truyền hình trả tiền (THTT) K+ đã tạm ngừng phát 21 kênh chương trình truyền hình nước ngoài (THNN). Đến 17.5, mới có 5 trong số 21 kênh được phục hồi...

Nhà đài bị động

21/80 kênh của K+ bị tạm ngừng, chiếm hơn 25% tổng số kênh chương trình của đài này và chiếm đa phần các kênh chương trình THNN. Sau khi 5 kênh được khôi phục phát sóng, thì số kênh bị tạm ngừng của K+ vẫn còn tới 20%.

Theo K+, đây là việc chẳng đặng đừng vì phải tuân thủ Quy chế quản lý hoạt động THTT ban hành kèm theo Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg (ngày 24.3.2011) của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, nếu nhìn từ phía người tiêu dùng, thì khách hàng của K+ hay VTVcab, SCTV, HTVC, HCT... đều bị thiệt thòi.

Phía K+ cho biết, trong tuần này và tuần tới có thể có một số kênh nữa được tiếp tục khôi phục phát sóng, song không thể xác nhận được đến thời điểm nào thì số kênh trên mới được khôi phục hoàn toàn.

Theo lý giải của K+, để khôi phục phát sóng các kênh bị tạm ngừng phụ thuộc vào việc xin giấy phép biên tập của các đại lý, tổ chức đã đưa những kênh chương trình THNN vào VN, đồng thời còn chờ Bộ TTTT chấp thuận.

Dưới góc nhìn từ một trung tâm biên dịch, ông Phạm Tùng Lâm - Trưởng phòng Biên tập chương trình Truyền hình Thông tấn - cho rằng, sự chậm trễ còn do một thực tế là, trong số hơn 70 kênh chương trình THNN, thì chỉ gần 60 kênh có đại lý. Do vậy, những kênh nào chưa có giấy phép biên tập thì phải tiếp tục làm thủ tục xin cấp theo quy định. Các nhà đài THTT chỉ là đơn vị mua lại hoặc hợp tác để phát sóng, vì thế cũng phải chờ. 

Quản lý chặt hay thoáng?  

Theo Quy chế quản lý hoạt động THTT, điều 13 quy định, các kênh chương trình THNN đều phải được biên tập, biên dịch hoặc lược dịch 100% nội dung. Điều khoản này có một số bất cập.

Vì thế, ngày 29.3.2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 18a/2013/QĐ-TTg, sửa đổi khoản 2 của điều 13, theo đó chỉ còn bắt buộc phải biên dịch 100% với nội dung kênh chương trình THNN về phim truyện, phóng sự, tài liệu, kênh tổng hợp, giải trí tổng hợp, thể thao, ca nhạc; loại bỏ chế tài này đối với nội dung kênh khoa học - giáo dục, tin tức. 

Trước đó, phía các kênh tin tức thời sự quốc tế tỏ ra không hài lòng bởi nếu phải lược dịch 100% thì sẽ tạo ra độ trễ mất đi tính nóng và sức hấp dẫn. Tuy nhiên, với tinh thần của Quyết định số 18a, vấn đề đã được giải tỏa.

Song theo ông Lâm, dư luận vẫn còn đang hiểu lầm khi cho rằng, những kênh như CNN hay BBC chưa thể phát sóng trở lại tại Việt Nam là do vướng mắc bởi chế tài trên. Theo ông, vướng mắc còn lại là phía các kênh như CNN, BBC phải tìm kiếm cho được đại lý tại Việt Nam để phát hành theo quy định mới. “Ngoài các yếu tố về quản lý nội dung, việc họ chưa tiến hành thủ tục xin phép tại Việt Nam có thể do còn tính đến hiệu quả kinh doanh” - ông Lâm nói.

Có một điểm tích cực theo quy định mới, là buộc các nhà đài phải tuân thủ bản quyền nghiêm túc hơn. Đơn cử, những nhà đài trước nay quen xài “chùa” sóng của nước ngoài, thì với quy định mới buộc các kênh chương trình THNN phải có giấy phép đại lý và giấy phép biên tập, sẽ là một cách gián tiếp đưa nhà đài vào khuôn khổ đàm phán sử dụng bản quyền hợp pháp.

Theo Thẩm Hồng Thụy

duchai

Cùng chuyên mục
XEM