Chủ tịch Vinaxuki: “Kể cả bị phá sản nhưng làm đúng thì tôi vẫn tự hào”

29/07/2015 08:35 AM | Kinh doanh

“Tôi không kêu đâu. Kể cả tôi bị phá sản nhưng làm việc đúng thì tôi vẫn tự hào... Người ta bảo tôi dại dột nhưng “có chết” tôi vẫn không từ bỏ ô tô" – Chủ tịch HĐQT Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên.

Từ doanh nghiệp 3.200 tỷ đồng đến bán nhà máy trả nợ

CTCP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) đi lên từ một nhà máy khuôn mẫu và phụ tùng ô tô. Tháng 04/2004, Vinaxuki được Thủ Tướng Chính phủ cấp giấy phép sản xuất, lắp ráp xe ô tô các loại. Công ty đã đầu tư 3 nhà máy trên tổng diện tích 200.000 m2 tại xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, và xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Bắt tay vào lắp ráp ô tô, Chủ tịch HĐQT Bùi Ngọc Huyên khẳng định Vinaxuki “có lãi”, thậm chí “lãi nhiều”. Bằng chứng là từ năm 2006 đến đầu năm 2009, năm lãi thấp nhất của Vinaxuki cũng đạt 90 tỷ đồng, năm cao nhất lãi tới 160 tỷ đồng. Đến 2009, công ty đã thu hồi được toàn bộ vốn đầu tư giai đoạn này.

“Năm 2009, khi Thủ tướng nói kích cầu, cần sản xuất, phát triển trong nước, cần khuyến khích phát triển ngành công nghiệp chế tạo và chế biến, tôi thấy Thủ tướng nói rất đúng”, ông Huyên giãi bày trong một hội thảo gần đây do Bộ Công thương tổ chức.

Năm 2009 cũng là năm cuối cùng Vinaxuki có lãi.

Ông Huyên kể, lúc kiểm toán định giá, Vinaxuki có khoảng 2.775 tỷ đồng vốn tài sản riêng về lĩnh vực ô tô. Còn nếu tính cả lĩnh vực luyện kim và mỏ, khuôn mẫu, những xe Vinaxuki tự chế,... tổng số tài sản của công ty vào khoảng 3.200 tỷ đồng.

Theo Chiến lược phát triển ô tô đến năm 2025, tầm nhìn 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, tổng sản lượng xe đạt khoảng 227.500 chiếc. Năm 2025, con số này là 466.400 chiếc và tới năm 2035, tổng sản lượng xe đạt 1.531.400 chiếc.

Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có gần 470.000 xe.

Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có gần 470.000 xe.

Nói về chiến lược này, Chủ tịch HĐQT Vinaxuki cho rằng, có một điểm cần điều chỉnh là tốc độ tăng trưởng của thị trường ô tô Việt Nam. Ông Huyên cho rằng tốc độ phải tăng trưởng gấp đôi, sản lượng xe đến 2025 phải tăng trưởng gấp đôi với dự thảo, chứ không phải đến năm 2025 mà thị trường ô tô Việt Nam chưa đến 500.000 xe.

“Tốc độ phải tăng rất nhanh. Đến thời điểm này đường sá đều được nâng cấp, thu nhập người dân tăng lên, nhu cầu dùng xe rất lớn. Trong những năm tới, nhu cầu xe ô tô tại Việt Nam sẽ giống trào lưu một thời dùng Honda”, ông Huyên nhận định.

Nhưng, với một thị trường ô tô được nhận định tăng trưởng với tốc độ nhanh như vậy, Vinaxuki sẽ ở vị thế nào?

Nợ nghìn tỷ vẫn đắm đuối sản xuất ô tô made in Vietnam

Nhìn lại hoạt động kinh doanh của Vinaxuki những năm gần đây, thì năm 2012, Vinaxuki lỗ 45 tỷ đồng. Cũng từ năm này, do khó khăn về nguồn vốn, 3 nhà máy của Vinaxuki ngừng hoạt động.

Tính đến cuối năm 2013, tổng nợ của Vinaxuki đã lên tới 1.618 tỷ đồng. Trong đó nợ vay tại BIDV là 763 tỷ đồng, tại VIB là 53 tỷ đồng. Các khoản nợ tại Vietinbank (159 tỷ đồng) và tại Vietcombank (643 tỷ đồng) đã được các ngân hàng này bán cho VAMC.

Doanh nghiệp cũng phải bán hơn 5.000 tấn sắt vụn và máy móc cũ để có tiền trả cho công nhân. "Để công nhân đỡ đói, tôi phải nuôi cả lợn, cả bò, cả cá, tăng gia sản xuất cho anh em...", ông Huyên kể.

Bên trong nhà máy sản xuất ô tô của Vinaxuki. Ảnh: Trung Anh.

Bên trong nhà máy sản xuất ô tô của Vinaxuki. Ảnh: Trung Anh.

Trong danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế lớn nhất cả nước tính đến ngày 30/6/2015, nhà máy sản xuất ô tô số 1 của Vinaxuki tại Mê Linh cũng được nêu tên với số nợ gần 18 tỷ đồng.

Mới đây, Vinaxuki đã gửi thông báo tới một số ngân hàng, cơ quan an ninh kinh tế và các chủ nợ của doanh nghiệp này,... ghi rõ việc bán nhà máy nói trên để trả nợ cho ngân hàng và các tổ chức cá nhân.

Nhìn lại chặng đường phát triển của các doanh nghiệp ô tô trong nước, trong khi ông kỹ sư về hưu Bùi Ngọc Huyên ôm giấc mộng “ô tô made in Vietnam”, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đang đưa Vinaxuki ngày một xuống dốc, thì Thaco Trường Hải nhắm tới thị trường CKD (xe lắp ráp trong nước) đang giữ vị trí thống lĩnh thị trường ô tô Việt.

“Tôi đầu tư công nghệ cao đáng lẽ được hưởng vay vốn ưu đãi và vay vốn dài hạn, nhưng không được. Chúng tôi sản xuất ô tô, chính sách là được ưu đãi, nhưng cũng không được gì. Đến bây giờ cũng không được cái gì. Chúng tôi làm thực sự vì đất nước. Chúng tôi đã sản xuất được 2 loại xe tải bán ra thị trường với tỷ lệ nội địa hóa ở mức 45,5%”, ông Huyên nói.

“Dù khó khăn, tôi vẫn quyết làm mấy cái xe tải nữa bằng cách làm satxi , làm cabin và một số linh kiện trong nước”.

Ông Huyên cũng cho rằng, chính sách phát triển đang ưu ái cho các doanh nghiệp lắp ráp mà quên đi doanh nghiệp ngày ngày mày mò tìm cách nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, nhằm cho ra một chiếc ô tô sản xuất bởi doanh nghiệp Việt.

“Ai nghĩ Việt Nam có thể làm được công nghiệp ô tô? Nếu chỉ lắp ráp thì rất dễ và lãi nhiều. Tôi khẳng định như thế vì tôi đã lắp ráp. Do chính sách của Việt Nam nên những người lắp ráp lãi rất nhiều, nhưng đầu tư không nhiều. Các bạn suy nghĩ xem thế nào? Tại sao lại thế?”, ông Huyên nói.

Tôi không kêu đâu. Kể cả tôi bị phá sản nhưng tôi làm việc đúng thì tôi vẫn tự hào. Nhưng Nhà nước mình có chính sách rồi thì phải thực thi. Cơ quan nào không thực thi cần nói rõ tại sao không thực thi. Chính sách đưa ra phải minh bạch và cần được thực hiện”.

“Người ta bảo tôi dại dột nhưng “có chết” tôi vẫn không từ bỏ ô tô”...

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM