Chợ thành trung tâm thương mại - Bài học đắt giá của Hà Nội

11/07/2012 18:17 PM |

Bên lề kỳ họp HĐND Hà Nội, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng thừa nhận nhiều tồn tại trong quá trình chuyển đổi chợ dân sinh thành trung tâm thương mại.


- Hiện có tình trạng các chợ được cải tạo thành trung tâm thương mại bị sai mục đích. Sở Công Thương ghi nhận tình trạng này như thế nào?

- Với những chợ nằm trong quy hoạch dự án thành trung tâm thương mại thì phải thực hiện đúng dự án. Chỗ này có thể có sự nhầm lẫn, người ta xây dựng tòa nhà hỗn hợp. Tôi sẽ cho kiểm tra. Đợt này HĐND đã thông qua quy hoạch thương mại nhưng còn hai quy hoạch nhánh là mạng lưới bán buôn bán lẻ và hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm thì UBND TP đang xem xét để phê duyệt nốt. Sở Công Thương sẽ tổng kiểm tra các quận từ tháng 8 tới tháng 11.

Giám đốc Sở Công thương:
Giám đốc Sở Công thương: "Hà Nội đã có bài học đắt giá từ chuyển đổi chợ thành trung tâm thương mại". Ảnh: N.H.

- Nhiều tiểu thương phản đối bỏ chợ xây trung tâm thương mại vì mang lại lợi nhuận chủ yếu cho doanh nghiệp như Ô Chợ Dừa thành quán karaoke, chợ Cửa Nam cho ngân hàng thuê 50 năm, trong khi đó các hoạt động của chợ chỉ diễn ra ở tầng một. Ông nghĩ sao?

- Dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng khi triển khai chủ đầu tư không tính toán được hết, nên khả năng là không hình thành được chợ, các tiểu thương không thuê được nên chủ đầu tư đành chuyển mặt hàng kinh doanh khác. Đây là một tồn tại trong quá trình cải tạo chợ.

Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND TP khi xem xét cải tạo các chợ phải tính toán hết sức kỹ lưỡng, chợ truyền thống phải duy trì, phần bách hóa có thể chuyển sang trung tâm thương mại, như vậy mới đạt được mục đích. TP cũng đã chấp thuận.

Hà Nội có ba chợ truyền thống chuyển thành trung tâm thương mại do doanh nghiệp đầu tư và đây là những bài học đắt giá, phải nghiêm túc kiểm điểm. Ba chợ đó là Cửa Nam, Hàng Da và phần đang cải tạo ở chợ Hôm - Đức Viên. Trong quy hoạch vừa rồi đã rút kinh nghiệm, không có chuyện chuyển sang trung tâm thương mại lớn theo kiểu chợ không ra chợ, trung tâm thương mại không ra trung tâm thương mại. Trong quy hoạch đã chỉnh sửa, không còn chuyện đó nữa.

Chợ Hàng Da cũ
Chợ Hàng Da cũ.

- Trung tâm thương mại chuẩn bị xây dựng trên nền chợ Nghĩa Đô cũng đang bị bà con phản đối. Sở Công Thương tiếp nhận ý kiến của các tiểu thương ra sao?

- Bà con phản đối chuyển mô hình quản lý của ban quản lý sang thành doanh nghiệp chứ không phải phản đổi chuyện định xây dự án. Mình muốn cải tạo nhưng lại đẩy bà con tiểu thương ra ngoài và lại không hoạt động thương mại được, là bài học xương máu. Chợ là văn hóa truyền thống, không xem xét kỹ là rất nguy hiểm. Phần truyền thống thường là nông sản thực phẩm, mua cá, dưa, hoặc mua gia vị, mang tính chất văn hóa. Người ta đến chợ không chỉ mua hàng mà còn tìm hiểu, vui chơi, giao lưu. Mình cắt đi phần đó là không được.

Diện tích sàn trung tâm thương mại cải tạo từ chợ còn bỏ trống hiện tới 40%, không kéo được người vào kinh doanh. Trung tâm thương mại Vincom, xây hai tòa như thế nhưng có những mặt bằng khuyến mại đến mức độ chỉ cần vào trả tiền dịch vụ mà vẫn chưa lấp đầy chỗ.
Trong quy hoạch vừa rồi đã đề ra rất nghiêm ngặt là vẫn phải duy trì văn hóa truyền thống đó của người Việt. Rất nhiều người đi bộ sớm rồi đi chợ, mua sắm một vài thứ, gặp gỡ một vài người bạn, trao đổi các thông tin rồi mới về. Đó là truyền thống còn duy trì không chỉ ở nông thôn mà các đô thị. Tôi sang Tây Ban Nha, họ vẫn giữ những mô hình chợ truyền thống 300 năm, chỉ cải tạo sao cho bền vững còn mô hình hoạt động truyền thống vẫn giữ. Có khi đến ngắm, không định mua gì nhưng thấy nói chuyện hay lại mua.

- Vậy hướng tháo gỡ vấn đề này như thế nào thưa ông?

- Các chủ đầu tư đang có những kiến nghị với TP để thay đổi một số chức năng. Ví dụ chợ Hàng Da muốn có một khuôn viên cho trẻ vui chơi. Mọi người đến mua sắm có thể cho trẻ em đến đó.

Từ khi tôi về đã ra quy định, tất cả các quận chuyển đổi chợ thành trung tâm thương mại tôi đều không ký chuyển đổi thành nhà ở. Từ các khu công nghiệp đến khu thương mại đều không ký cho chuyển thành nhà ở.

Các chợ cải tuy cải tạo nhưng vẫn giữ được văn hóa chợ. Cải tạo là làm nó đàng hoàng hơn, sạch hơn, ví dụ như phần bách hóa, có thể lắp cả điều hòa. Còn phần nông sản thì phân ô thế nào, người nào bán sáng, người nào bán chiều, mái như thế nào, khoảng không, công tác vệ sinh môi trường… đó là những cái cần cải tạo. Cách làm như vậy thì mới hỗ trợ được.

Theo Nguyễn Hưng 
vnexpress

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM