Chở hàng on-demand: Rẻ hơn tới 40%

22/09/2015 08:38 AM | Kinh doanh

Đặt mục tiêu 45.000 chuyến/tháng vào cuối năm 2015, liệu Ahamove có nuôi ý định đối đầu trực tiếp với các hãng xe vận tải truyền thống?

Dạo trước, ông Thịnh, chủ một tiệm vải ở quận Bình Tân (TP.HCM), hay lỡ hẹn với khách vì thiếu xe chở hàng. Nhưng 3 tháng trở lại đây, bất cứ lúc nào khách cần, ông đều sử dụng một ứng dụng theo kiểu Uber để gọi xe ba gác tới tiệm. “Đó là Ahamove. Bấm gọi, chỉ 15 phút sau có xe”, ông nói.

Theo tiết lộ của Công ty Cổ phần Giao Hàng Nhanh, đơn vị phát triển Ahamove, hiện ứng dụng này đã được hơn 700 tiểu thương và 2.000 người dân TP.HCM dùng để gọi xe chở hàng. Chính thức vận hành tại 12 quận nội thành từ tháng 8.2015, Ahamove đã kết nối gần 200 tài xế xe tải và ba gác, hoàn tất hơn 3.000 chuyến hàng và đạt tổng doanh thu hơn 600 triệu đồng. Anh Trần Thiên Phước, đồng sáng lập Ahamove kiêm Giám đốc Vận hành Giao Hàng Nhanh, tự tin nâng mục tiêu rất cao: “Cuối năm nay, Ahamove sẽ mở rộng ra Hà Nội, tăng gấp 15 lần số giao dịch hiện tại lên 45.000 chuyến hàng/tháng và nâng đội ngũ tài xế lên 3.000 người”.

Ahamove là một ứng dụng mới nhất của nền kinh tế theo yêu cầu (on-demand economy), tương tự như Uber, GrabTaxi và các dịch vụ gọi xe trực tuyến khác.

Kết nối xe vận tải

Nếu Ahamove là doanh nghiệp vận tải bình thường, hẳn họ chẳng bao giờ dám tuyên bố nuôi đội xe tới 3.000 chiếc như vậy. Nhưng, Ahamove là sản phẩm công nghệ nhằm khai thác hiệu quả hơn nguồn lực của 700.000 xe vận tải có sẵn ở Việt Nam. “Trong 700.000 xe đó, chỉ có 30% xe đầy hàng trên 2 chiều đi về. 70% còn lại chỉ đi hàng một chiều. Tài xế lại thiếu khách do lệ thuộc vào mối quen hay nguồn hàng của công ty vận tải”, anh Phước chỉ ra.

Do đó, đầu năm 2015, Phước và Lương Duy Hoài, Tổng Giám đốc Giao Hàng Nhanh, mới nảy ra ý tưởng thử áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ giống Uber vào lĩnh vực vận tải hàng hóa. Theo đó, bất cứ khi nào xe vận tải trống hàng, Ahamove sẽ là công cụ giúp tài xế chủ động tìm khách.

So với mô hình truyền thống, Ahamove khắc phục được nhược điểm điều xe chậm của các hãng vận tải. Theo quan sát của anh Lưu Tuấn Bình, Giám đốc Tiếp thị Giao Hàng Nhanh, vì công ty vận tải có đội xe giới hạn nên xe không thể đi ngay lập tức khi có nhiều đơn hàng đến cùng lúc. Còn với Ahamove, người dùng chỉ cần nhập 2 điểm giao và nhận hàng, chọn loại xe, lựa thêm dịch vụ bốc dỡ (nếu cần) và xác nhận giá. Trong 25 giây, những xe trống trong bán kính từ 1-7 km sẽ nhận được đơn hàng và gọi lại xác nhận. Và chỉ 15 phút sau, hàng sẽ nằm gọn trên xe di chuyển tới điểm đến trong vòng 2 giờ.

Xe Ahamove đến nhanh một phần vì khách khỏi phải cò kè giá với tài xế. Theo khảo sát giá từ Công ty, cước xe Ahamove thấp hơn hãng vận tải có báo giá trên mạng từ 30-40%. Ngoài ra, giống như Uber, quãng đường đi dự tính trên Ahamove sẽ hiện trên bản đồ với tổng số km rõ ràng, để nhân với cước phí quy định chung trên bảng giá.

Hiện tại, ứng dụng này tính phí 16.500 đồng/km cho ba gác và 18.000 đồng/km với xe tải. Dịch vụ bốc dỡ kèm theo cũng liệt kê giá rõ ràng, từ 50.000-100.000 đồng. Quá trình xe đi trên đường sẽ được cập nhật liên tục trên ứng dụng để người dùng tiện theo dõi từ xa và can thiệp bất cứ lúc nào.

Còn lắm thách thức

“Nhiều bác tài chưa bao giờ dùng điện thoại thông minh, nên Ahamove trang bị sẵn 70 chiếc cho họ mượn dùng miễn phí trong 30 ngày. Chúng tôi cũng cử nhân viên hướng dẫn để họ làm quen với ứng dụng”, anh Phước chia sẻ.

Nhưng về lâu dài, thái độ của tài xế với khách và hàng hóa mới là yếu tố chính ảnh hưởng đến khách dùng Ahamove. Anh Phước cho biết do tài xế xe tải phải chịu nhiều áp lực công việc, nên đa số rất nóng nảy và ít chiều khách. Thậm chí, một số vẫn còn giữ thói quen đòi tiền bo sau mỗi chuyến hàng. Hiện Ahamove đang cố gắng thay đổi họ bằng cách cho khách hàng chấm điểm sau mỗi chuyến đi, theo thang điểm từ 1-5 sao. Tài xế 5 sao về sau sẽ được ưu tiên nhận đơn hàng sớm hơn 25 giây so với những người còn lại. Còn với những trường hợp làm mất lòng khách quá nhiều lần, Ahamove buộc phải đưa họ ra khỏi hệ thống. Cho đến hiện tại, Ahamove đã đành phải chia tay với 7 tài xế.

Về phía khách gọi xe, nhiều người vẫn thắc mắc liệu ai sẽ chịu trách nhiệm khi hàng hóa bị mất mát và hư hỏng? Ðược biết, nếu sự cố là do lỗi của tài xế và phương tiện, Ahamove cam kết bồi thường 20 triệu đồng và con số này sẽ không thay đổi bất chấp giá trị hàng hóa.

“Chúng tôi chỉ là bên thứ 3 kết nối 2 phía và nhận 20% giá trị trên mỗi giao dịch. Do không phải doanh nghiệp vận tải, nên Ahamove không thể đứng ra bảo hiểm toàn bộ hàng hóa trên xe. Tài xế vẫn sẽ chịu trách nhiệm chính với sự cố, nên khách hàng cần cẩn trọng với hàng hóa giá trị cao”, anh Phước nói. Dù vậy, vẫn chưa có khách hàng nào phản ánh sự cố. Lý do vì với hàng hóa có giá trị, khách lúc nào cũng đi cùng để giám sát.

Rõ ràng, vì là sáng kiến quá mới trong thị trường xe vận tải, Ahamove sẽ còn đối mặt với không ít vấn đề để người dùng làm quen với sản phẩm. Trong những tháng tới, Ahamove sẽ thu hút thêm khách hàng qua nhiều chương trình khuyến mãi như tặng quà sau mỗi chuyến chuyển hàng hay giảm giá cước cho khách dùng lần đầu. Phía tài xế hiện được tặng 200.000 đồng vào tài khoản nếu mời được một tài xế mới tham gia vào Ahamove.

Đặt mục tiêu 45.000 chuyến/tháng vào cuối năm 2015, liệu Ahamove có nuôi ý định đối đầu trực tiếp với các hãng xe vận tải truyền thống? Lắc đầu, anh Phước trả lời: “Ahamove không cạnh tranh. Ngược lại, ứng dụng này đang bổ trợ cho thị trường vận tải. Chúng tôi rất chào đón các công ty vận tải khác cùng phối hợp sử dụng Ahamove để đạt được mục đích ban đầu đã đặt ra: tối ưu hóa nguồn xe ở Việt Nam”.

Theo Đoàn Hoa

Cùng chuyên mục
XEM