Chiến lược thâu tóm của 'vua cá' Dương Ngọc Minh (Phần 2)

17/03/2014 13:25 PM | Kinh doanh

Bên cạnh mục tiêu hoàn thiện chuỗi giá trị và tăng trưởng nhanh, vài năm gần đây cho thấy dường như Hùng Vương đang chuyển dần trọng tâm sang con tôm.

Nội dung nổi bật:

- Bên cạnh mục tiêu hoàn thiện chuỗi giá trị và tăng trưởng nhanh, những động thái M&A của Hùng Vương vài năm gần đây cho thấy dường như doanh nghiệp này đang chuyển dần trọng tâm sang con tôm. 

- Nước cờ này một lần nữa cho thấy tầm nhìn của Dương Ngọc Minh, khi con cá tra đang bước vào giai đoạn thoái trào. 5 năm gần đây, ngành cá tra đã gặp rất nhiều khó khăn, sản xuất và xuất khẩu chững lại, biến động theo chiều hướng xấu.

- Nếu bỏ qua câu chuyện thoái trào của cá tra thì hiệu quả kinh doanh, đặc biệt là vòng quay vốn, của việc nuôi tôm cũng ngắn hơn so với cá tra. Hiệu quả nuôi cá phải chờ 6 tháng, còn nuôi tôm chỉ 3 tháng, trong khi các điều kiện để tham gia ngành là như nhau.



Trở lại nghề tôm

Bên cạnh mục tiêu hoàn thiện chuỗi giá trị và tăng trưởng nhanh, những động thái M&A của Hùng Vương vài năm gần đây cho thấy dường như doanh nghiệp này đang chuyển dần trọng tâm sang con tôm. Thủy sản Bến tre, Chế biến Thủy sản Tắc Vân, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta đều là tên tuổi lớn trong ngành chế biến tôm xuất khẩu của Việt Nam. Dù chưa nắm cổ phần chi phối ở các công ty này nhưng giới phân tích đều nhận định rằng đây sẽ là mục tiêu chính của Hùng Vương trong thời gian tới.

Nước cờ này một lần nữa cho thấy tầm nhìn của Dương Ngọc Minh, khi con cá tra đang bước vào giai đoạn thoái trào.

5 năm gần đây, ngành cá tra đã gặp rất nhiều khó khăn, sản xuất và xuất khẩu chững lại, biến động theo chiều hướng xấu. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu vào châu Âu, thị trường chủ lực của Việt Nam, đã giảm với tốc độ trung bình trên 5% mỗi năm; thậm chí năm 2012 giảm tới 18,8%.

Nếu bỏ qua câu chuyện thoái trào của cá tra thì hiệu quả kinh doanh, đặc biệt là vòng quay vốn, của việc nuôi tôm cũng ngắn hơn so với cá tra. Đây cũng là lý do khiến ông Minh quyết định đầu tư mạnh vào tôm. “Hiệu quả nuôi cá phải chờ 6 tháng, còn nuôi tôm chỉ 3 tháng, trong khi các điều kiện để tham gia ngành là như nhau”, ông nói.

Năm 2013 xuất khẩu cá tra mang về cho Hùng Vương khoảng 300 triệu USD, trong khi tôm dù mới tham gia cũng đã đóng góp 150 triệu USD.

Chuyện vua cá chuyển sang nuôi tôm cũng khiến nhiều người thắc mắc và đều được ông Minh lý giải rằng ông tin vào kinh nghiệm nhiều năm của các công ty mình đầu tư. Tuy nhiên, ít người biết duyên nợ của ông với tôm đã bén từ rất sớm. Đây cũng là giai đoạn gắn với biến cố của cuộc đời ông.

Sinh năm 1956, xuất thân là thanh niên thành phố, Dương Ngọc Minh tham gia thanh niên xung phong xây dựng vùng Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ, TP.HCM). Ở nơi heo hút đó, Nông trường Duyên Hải được thành lập, áp dụng thí điểm mô hình nuôi tôm, lấy thu bù chi. Được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Nông trường phụ trách sản xuất kinh doanh, Dương Ngọc Minh tập hợp đội ngũ cộng sự, tiến hành cải tạo môi trường sản xuất, rồi mới tích nước nuôi tôm, tìm nguồn giống tốt và thức ăn phù hợp.

Đến năm 1984, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Đông lạnh Hùng Vương, một doanh nghiệp nhà nước tại quận 6, TP.HCM. Công ty do ông điều hành đã nhanh chóng vươn lên vị trí hàng đầu trong ngành xuất khẩu thủy sản, với giá trị xuất khẩu hơn 30 triệu USD/năm. Nhưng đến năm 1995, tỉ giá biến động chóng mặt khiến những món nợ nhập khẩu máy móc, thiết bị trở nên quá sức chi trả, công ty phá sản. Giám đốc Dương Ngọc Minh phải ra tòa và nhận án tù vì gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.

Trong phiên tòa phúc thẩm, ông bị buộc thêm tội lập quỹ trái phép và lãnh án 10 năm tù. Sau 6 năm cải tạo tại trại giam Xuân Lộc, ông được đặc xá trước thời hạn. Năm 2003, ông thành lập công ty riêng, tiếp tục giữ cái tên Hùng Vương như một duyên nợ đã gắn bó với mình ngày trước.

Theo công bố của VnExpress, năm 2013 ông là người giàu thứ 13 trên sàn chứng khoán, với khối tài sản trên 1.000 tỉ đồng. Con số này mới chỉ tính số cổ phần khoảng 36% của ông ở Hùng Vương, tuy nhiên con số thực tế có thể lên đến 60% nếu tính cả số cổ phần ông nhờ người thân đứng tên.

Kết thúc cuộc trò chuyện với NCĐT, ông Minh nói thêm rằng mình đang ấp ủ một lĩnh vực kinh doanh khác, đó là ngành giấy. “Có một nhà máy sản xuất giấy carton lớn của Mỹ đang gặp khó khăn và cần bán giá rẻ. Có thể chúng tôi sẽ hợp tác với công ty của ông David Dương để kinh doanh lĩnh vực này”, ông tiết lộ

Quá trình M&A của Hùng Vương

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM