Chi phí 'đi đêm' của doanh nghiệp khai khoáng là 73%

04/12/2015 21:59 PM | Kinh doanh

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cho biết: Nghiên cứu của VCCI cho thấy, chi phí không chính thức của doanh nghiệp khai khoáng tới 73% so với tổng chi phí để có một giấy phép khai khoáng, cao hơn nhiều ngành khác…

Tại Hội thảo “Quản trị ngành công nghiệp khai thác ở Việt Nam: thách thức và nhu cầu cải cách” (Liên minh Khoáng sản tổ chức), nhiều chuyên gia kêu gọi khẩn thiết áp dụng sáng kiến Minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI) được 48 quốc gia trên thế giới thực hiện. Việt Nam dù tiếp cận với EITI gần 8 năm nhưng vẫn chưa gia nhập. Việc minh bạch hóa và công khai hóa cũng giúp chống tham nhũng từ khâu cấp phép đến đấu giá quyền khai thác. Sáng kiến này cũng giúp doanh nghiệp tránh được rủi ro, chi phí “đi đêm”, giảm mâu thuẫn với người dân địa phương. Giảm thiểu được tình trạng doanh nghiệp đóng tiền thực hiện nghĩa vụ xã hội nhưng không đến tay người dân.

“Tại sao vẫn chưa tham gia EITI dù gần 8 năm rồi, câu chuyện nằm ở nhóm lợi ích tại một số doanh nghiệp nhất định, có lợi ích lớn liên kết được với chính quyền địa phương” .

Nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT Đặng Hùng Võ

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nêu ví dụ: Có địa phương, ông Bí thư Tỉnh ủy dẫn một doanh nghiệp khai thác khoáng sản đến giới thiệu với Sở Tài nguyên - Môi trường, hôm sau lại dẫn một doanh nghiệp khác. Một ông Phó Chủ tịch tỉnh có khả năng trở thành Chủ tịch lại dẫn một doanh nghiệp khác nữa. Áp lực với người trực tiếp quản lý ngành rất lớn khiến cho việc minh bạch thông tin về số lượng mỏ, trữ lượng mỏ, cấp phép, hồ sơ mỏ rất khó. Đây là môi trường tốt cho tham nhũng, quan hệ thân hữu, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp nằm ở những mối quan hệ chứ không phải nguồn vốn hay công nghệ.

Nghiên cứu của VCCI cũng cho thấy, chi phí không chính thức của doanh nghiệp khai khoáng tới 73%, cao hơn nhiều ngành khác. “Hơn hết các ngành khác, nhu cầu minh bạch của ngành khai khoáng là rất lớn. Gia nhập EITI là thực hiện quá trình minh bạch đó. Có thể một số doanh nghiệp không muốn nhưng nhìn tổng thể cho ngành khai thác khoáng sản, cho đất nước thì rất cần”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT chia sẻ, thời gian qua lùm xùm chuyện Việt Nam xuất lậu sang Trung Quốc 5 tỷ USD, trong đó có khoáng sản. Nếu Việt Nam gia nhập EITI thì sẽ truy ra được khoáng sản xuất lậu là khoáng sản nào, từ đâu?

Theo GS Võ, Chính phủ giao Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì xem xét thực thi sáng kiến này từ 2009. Bộ Công Thương cũng thuê một công ty tư vấn thực hiện nhưng đến nay rơi vào im lặng, chưa có quyết định cuối cùng là Việt Nam có tham gia hay không! “Tại sao vẫn chưa tham gia EITI dù gần 8 năm rồi, câu chuyện nằm ở nhóm lợi ích tại một số doanh nghiệp nhất định, có lợi ích lớn liên kết được với chính quyền địa phương”, ông Đặng Hùng Võ đặt câu hỏi.

GS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, đang có lợi ích nhóm hoành hành rõ rệt trong công nghiệp khai thác. Nếu Việt Nam không cấp bách gia nhập EITI, không minh bạch thông tin trong công nghiệp khai khoáng như thăm dò trữ lượng, số lượng mỏ, quy mô mỏ, việc xuất nhập khẩu thì tiếp tục thất thoát tài nguyên khoáng sản, ô nhiễm môi trường.

Cùng chuyên mục
XEM