Chi 3 tỷ đô la Mỹ cho du học, Việt Nam có tổn thất nhiều không?

02/12/2015 11:53 AM | Kinh doanh

Câu trả lời là: Vừa có, vừa không!

Theo Nhóm Công tác Giáo dục và Đào tạo (Diễn đàn Doanh nghiệp Thường niên 2015), hiện nay, có hơn 110.000 học sinh du học ở 47 quốc gia với mức học phí từ 30.000 USD đến 40.000 USD mỗi năm.

Như vậy, ước tính, người Việt Nam, mỗi năm chi khoảng 3 tỷ đô la Mỹ để có được nền giáo dục quốc tế.

Nhiều ý kiến cho rằng, 3 tỷ đô la Mỹ đang ngày đêm “chảy” ra nước ngoài là một tổn thất lớn của ngành giáo dục Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Thậm chí, còn có người tỏ ra “nuối tiếc” 3 tỷ đô la Mỹ vì khoản tiền này “mất trắng” cho nền giáo dục các nước bạn trên thế giới.

Song, vấn đề đặt ra ở đây là: Giáo dục cũng là một loại hàng hóa. Và du học là đi mua trí thức. Thực tế, đầu tư cho giáo dục là một khoản đầu tư hữu ích cho tương lai, mà khoản lãi chính là một thế hệ trẻ giàu trí thức.

Vậy, chi 3 tỷ đô la Mỹ cho du học thực sự có “tổn thất” không?

Đặt trong một mối quan hệ đều là dòng sản phẩm nhập khẩu, dòng tiền đang chảy từ Việt Nam ra nước ngoài, thử làm phép so sánh giữa giáo dục với các mặt hàng khác Việt Nam đang nhập nhiều, chẳng hạn như ô tô.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tháng 11 lượng ô tô nguyên chiếc nhập về Việt Nam đạt 14.000 chiếc, trị giá 240 triệu USD. Cộng dồn 11 tháng năm 2015, nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc về Việt Nam đạt 112.000 chiếc, trị giá 2,5 tỷ USD.

Nếu tính luôn cả linh kiện và phụ tùng ô tô thì tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng ô tô của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm nay lên đến 5,3 tỉ đô la Mỹ. Và, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu ô tô từ thị trường Trung Quốc. Dòng tiền mà Việt Nam bỏ ra để nhập khẩu ô tô, nguyên vật liệu đã vô tình kích cầu cho "người hàng xóm" xuất khẩu.

Chưa kể đến việc nhập khẩu ô tô ngoại sẽ dẫn tới xu hướng “sùng ngoại”, gián tiếp đẩy ngành sản xuất nội địa rơi vào cơn bĩ cực, khó tiêu thụ. Tỷ lệ thất nghiệp cũng sẽ gia tăng…

Ngược lại, khi chi 3 tỷ đô la Mỹ cho du học, người Việt sẽ nhận được:

Trí thức. Thực tế, đã có nhiều du học sinh Việt Nam sau quá trình học tập và nghiên cứu ở các môi trường giáo dục quốc tế đã quay về nước lập nghiệp.

Theo thống kê của Tổ chức du học sinh Việt Nam tại Mỹ thì lượng du học sinh tại Mỹ trở về Việt Nam làm việc trong năm vừa qua tăng mạnh lên đến 40%. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho Việt Nam.

Tất nhiên không phải 100% du học sinh đều thành tài nhưng phần lớn tiếp nhận những tri thức, kỹ năng quan điểm tiên tiến của thế giới để áp dụng vào cuộc sống, thành công trong sự nghiệp cá nhân và phục vụ cộng đồng.

Hoặc giả sử, sau khi học tập tại nước ngoài, du học sinh “không chịu” về nước thì những tác động mà họ mang lại như lượng kiều hối năm sau cao hơn năm trước (năm 2015 kiều hối khoảng 15 tỷ USD). Điều này cũng nên mừng hơn buồn.

Như vậy, con số 5,3 tỷ đô la Mỹ nhập khẩu ô tô và linh kiện gần gấp đôi với khoản tiền người Việt chi cho du học. Điều này cho thấy việc người Việt chi cho du học chưa hẳn là nhiều và tốn kém so với dòng tiền mà Việt Nam đang đổ ra nước ngoài.

Và vì sao có?

Tương tự, thử làm phép so sánh đơn giản với lượng tiêu thụ bia rượu của người Việt Nam trong vòng một năm.

Theo một nghiên cứu, mỗi năm người Việt Nam tiêu thụ hơn 3 tỷ lít bia và gần 68 triệu lít rượu.

Tiêu thụ 3 tỷ lít bia đồng nghĩa người Việt phải bỏ ra khoảng 3 tỷ USD, bằng gần 3% số thu ngân sách của cả nước. Trong khi các công ty kinh doanh rượu bia chỉ nộp 16.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, chi phí giải quyết hậu quả nặng nề do đánh nhau, tai nạn giao thông, bệnh tật.

Tuy nhiên, xét ở góc cạnh dòng tiền lưu thông thì khoản tiền mà người Việt chi cho rượu bia vẫn đang vận hành trong nước.

Ngược lại, dòng tiền chi cho du học sinh học ở các môi trường giáo dục quốc tế lại đang ngày đêm chảy ra nước ngoài.

Mấu chốt của vấn đề chính là Nghị định 73 ban hành năm 2012: Cơ sở giáo dục nước ngoài (tại Việt Nam) có thể tiếp nhận học sinh Việt Nam nhưng số học sinh ở bậc tiểu học và trung học cơ sở không quá 10% tổng số học sinh của trường và ở bậc trung học phổ thông không quá 20%.

Bài toán đặt ra cho nền giáo dục Việt Nam để giữ lại dòng tiền này, phải chăng là nên: Tháo gỡ Nghị định 73.

Chỉ khi tháo gỡ được nút thắt Nghị định 73 thì chẳng những Việt Nam giữ được 3 tỷ đô la Mỹ ở lại nước mà còn thu được nhiều tiền hơn nữa nhờ việc thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào giáo dục.

Chẳng hạn như tại Mỹ, một quốc gia có nền giáo dục phát triển và cởi mở đã trở thành điểm đến hàng đầu của sinh viên quốc tế, trong đó có sinh viên Việt Nam. Các du học sinh nước ngoài đã đóng góp 30 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ trong năm 2014.

Việt Nam hoàn toàn có thể làm được như Mỹ nếu nền giáo dục được thay đổi từ quản lý đến vận hành.

“Đầu tư cho giáo dục không bao giờ thua lỗ. Trong một hệ thống giáo dục cũ kỹ và tư duy bao cấp thì việc người đi tìm cái mới là đương nhiên. Đây cũng là tín hiệu rõ ràng để Bộ Giáo dục nhìn và chuyển mình”, một bạn đọc bình luận.

An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM