Câu hỏi muôn thủa của Startup: Có nên gian dối để tìm nguồn tài trợ?

24/11/2015 20:14 PM | Kinh doanh

Những doanh nhân, đặc biệt là những người mới khởi nghiệp thường sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi xây dựng sự nghiệp của mình và mắc sai lầm là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, những nhà khởi nghiệp cần xác định tư tưởng trước khi bắt đầu startup.

Khó khăn và thử thách xuất hiện trong mọi ngành nghề và công việc, nhưng những gì mà các nhà khởi nghiệp phải đối mặt là lớn hơn rất nhiều và cũng khó để giải quyết hơn. Tại một số thời điểm, giới startup phải đối mặt với các quyết định khó khăn liên quan không chỉ đến kinh tế mà còn là đạo đức. Một số doanh nhân trẻ vẫn giữ được đạo đức nghề nghiệp, trong khi số khác buộc phải dùng thủ đoạn để đạt được mục tiêu.

Những người trong giới startup thường sẵn sàng cho những khó khăn về kinh tế, quản lý nhân sự, nguồn vốn mà ít khi chuẩn bị để đối mặt với thử thách về đạo đức. Ngoài ra, các doanh nhân mới khởi nghiệp cũng không có nhiều thời gian để suy xét từng hành vi của mình có hợp đạo đức xã hội hay không.

Dưới đây là một số trường hợp khó xử về đạo đức mà những người trong giới startup thường đối mặt từ khi họ khởi nghiệp đến khi thu được lợi nhuận từ dự án được chuyên gia Kirk O.Hanson của trường đại học Santa Clara thực hiện sau rất nhiều cuộc phỏng vấn với giới stratup và các nhà đầu tư mạo hiểm tại thung lũng Silicon.

Bạn có nên mạo hiểm hạnh phúc gia đình với startup?

Thông thường, những doanh nhân trẻ thường phải trả một cái giá đáng kể về hạnh phúc gia đình cũng như các mối quan hệ bạn bè để có thể tập trung thực hiện ước mơ của mình. Những người trong giới startup khi mới khởi nghiệp thường sẽ rất bận và họ không đủ thời gian cho những việc khác. Rất nhiều cuộc hôn nhân hay cặp đôi đã rơi vào tình trạng căng thẳng, thậm chí đổ vỡ khi các doanh nhân khởi nghiệp.

Làm thế nào để một doanh nhân trẻ quyết định xem có nên giảm bớt chăm lo cho gia đình để tập trung cho startup hay không? Những biện pháp gì có thể áp dụng để làm giảm ảnh hưởng công việc startup đến gia đình một cách nhỏ nhất? Đây đều là những câu hỏi khó cho các doanh nhân trong nghề startup. Rõ ràng nếu công việc suôn sẻ và thành công, gia đình của các doanh nhân sẽ được hưởng lợi, nhưng nếu mọi việc không theo chiều hướng đó, những hậu quả gì sẽ chờ đợi giới stratup?

Một chuyên gia đầu tư mạo hiểm đã nói với chuyên gia Hanson rằng các doanh nhân trẻ nên thảo luận vấn đề stratup với gia đình của họ trước khi bắt đầu, nếu không họ sẽ không có đủ sự tập trung cho công việc và dễ bị đổ vỡ trong các mối quan hệ.

Sở hữu tài sản trí tuệ

Mỗi dự án stratup đều bắt đầu bằng những ý tưởng hay sáng kiến. Trong một số trường hợp, nhiều doanh nhân trẻ rời công ty họ đang làm và ngay lập tức bắt đầu khởi nghiệp với ý tưởng của mình kết hợp với những gì họ học được trước đó. Đôi khi, sự kết hợp đó là hoàn toàn công bằng, nhưng cũng có lúc đây là sự vi phạm bí mật thương mại mà pháp luật chưa thể bao phủ tới. Trong trường hợp đó, liệu giới stratup có khởi nghiệp hay bỏ qua cơ hội này? Liệu các doanh nhân trẻ trong trường hợp này có cảm thấy mắc nợ công ty cũ? Làm thế nào để giới stratup biết được ý tưởng của mình không phải từ các buổi hội thảo của công ty cũ, từ những cuộc tranh luận với đồng nghiệp cũ?

Một nhà khởi nghiệp đã từng nói với ông Hanson rằng nhóm của cô nghi ngờ một phần thuật toán mà họ sử dụng để xây dựng ứng dụng có thể đã được người khác đưa ra ý tưởng trước. Tuy nhiên dự án vẫn được đưa vào hoạt động và chưa có đơn kiện nào được gửi lên đối với công ty này. Mặc dù vậy, vị doanh nhân trẻ này vẫn cảm thấy phiền lòng bởi ý nghĩ lợi dụng ý tưởng của người khác.

Nhóm nhân viên nòng cốt

Tại thung lũng Silicon, mọi thành viên của dự án stratup đều cho rằng đóng góp của bản thân là cần thiết cho công ty. Nhưng nếu doanh nghiệp cổ phần hóa, mọi người trong nhóm sẽ giải quyết ra sao cho công bằng khi có những thành viên đóng góp ít hơn hoặc phải bỏ dở giữa chừng vì gia đình hay lý do cá nhân? Khi dự án startup thành công và bán được rất nhiều tiền, đôi khi lòng tham sẽ làm mối quan hệ giữa các thành viên rạn nứt và việc chia lợi nhuận không công bằng sẽ khiến nhiều doanh nhân trẻ phải đau đầu.

Một ví dụ điển hình là khi dự án startup bắt đầu với nhóm bạn thân, nhưng một số người không đủ khả năng theo kịp với sự thay đổi của dự án. Vậy nhóm có nên loại bỏ những người này và mua lại cổ phiếu với giá rẻ hay không? Nếu dự án thành công, liệu công ty có nên trả thêm cho những đóng góp trước đây của nhóm người này hay không?

Trong nhiều trường hợp, những người sáng lập thường không cảm thấy có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi cho một số người bạn đã cùng làm việc với mình nhưng không bắt kịp được cùng nhóm. Tuy nhiên, một số người trong giới startup vẫn đưa những người bạn cũ không theo kịp nhóm của mình vào vị trí thư ký hoặc tư vấn để cũng phát triển dự án.

Có nên gian dối để tìm nguồn tài trợ?

Khi khởi nghiệp, giới startup thường gặp khó trong việc tìm nguồn tài trợ và rất dễ bị cám dỗ để thổi phồng dự án. Trong một số trường hợp, những doanh nhân trẻ yêu cầu nhân viên của họ đi mua lại sản phẩm của dự án với số lượng lớn để làm giả số liệu tiêu thụ hoặc nói dối với nhà tài trợ về tiềm năng của dự án dù tiến độ thực hiện rất ảm đạm.

Chuyên gia Hanson đã được giới startup tại thung lũng Silicon kể về một doanh nghiệp đang rất cần tài trợ vốn. Tuy nhiên vị giám đốc điều hành phát hiện ra những báo cáo tài chính đưa lên cho ông để giới thiệu với nhà tài trợ đã được nhóm của mình làm giả số liệu. Dù có nguy cơ mất danh tiếng và phá sản, vị CEO vẫn công khai sự giả dối trên. Sau đó, khi dự án sắp phá sản, nhà tài trợ đã thưởng cho sự trung thực của vị giám đốc này bằng cách đồng ý hỗ trợ vốn cho dự án. Cuối cùng, dự án đã thành công và bán được cho một công ty lớn.

Tuy nhiên, không phải mọi startup đều gặp may mắn như trường hợp trên.

Có nên nói dối khách hàng?

Liệu các nhà khởi nghiệp có nên nói dối khách hàng để gia tăng doanh thu? Nhiều người mua hàng đã gặp tình huống khó chịu khi sản phẩm không được giao đúng hẹn hay cần phải điều chỉnh thêm mới có thể hoạt động tốt.

Một nhà khởi nghiệp đã từng tâm sự với ông Hanson rằng thời điểm khó khăn nhất trong dự án của anh ta là khi sản phẩm mới chưa sẵn sàng và mọi người trong nhóm không biết nên công khai việc này hay hoẵn thời gian giao hàng lại. Tuy nhiên, nhà tài trợ đã gọi cả nhóm đến và hỏi liệu những hứa hẹn mà họ nói khi kêu gọi tài trợ là sự tự tin hay là lới dối trá. Điều này buộc nhóm phải làm việc cật lực. Cuối cùng, sản phẩm cũng được giao đúng hẹn nhưng chỉ nhờ vào sự đột phá công nghệ không ngờ tới của đội kỹ thuật.

Có nên nói dối nhà đầu tư?

Việc thổi phồng doanh thu và lợi nhuận, phóng đại những nỗ lực nghiên cứu và phát triển (R&D) để tăng giá cổ phiếu trong đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) là rất hấp dẫn với nhiều doanh nhân khởi nghiệp. Kể cả khi các quy định và biện pháp kiểm tra được thắt chặt nhằm giảm thiểu sự gian dối, nhưng việc thổi phồng dự án vẫn tồn tại ở thung lũng Silicon. Trong những trường hợp như vậy, các nhà khởi nghiệp thường gặp khó khi muốn giữ gìn đạo đức kinh doanh. Một nhà khởi nghiệp đã nói với chuyên gia Hanson rằng: “Tôi đã phải làm việc 2 năm để đưa công ty đến IPO. Do đó, sự cám dỗ để gian dối (với nhà đầu tư) vào phút cuối là vô cùng lớn.”

Gian dối kết quả kinh doanh?

Khi các dự án startup bắt đầu thu được lợi nhuận, những doanh nhân khởi nghiệp bắt đầu được hưởng thành quả của sự thành công với nhiều triệu USD cổ phiếu, sự cám dỗ để thổi phồng kết quả kinh doanh nhằm giữ lối sống thoải mái đó là rất lớn.

Vào quý III/2002, ngay trước khi bong bóng công nghệ sụp đổ tại Mỹ, nhiều công ty ở thung lũng Silicon không tránh khỏi những cám dỗ làm giả báo cáo kết quả kinh doanh. Nhiều giám đốc tài chính chịu áp lực đạt được những con số mục tiêu với bất kỳ giá nào, thậm chí bịa ra số liệu. Trước xu thế hầu hết các công ty đều tăng trưởng, việc doanh nghiệp không hoàn thành mục tiêu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm ly nhà đầu tư.

Một số công ty vượt qua được khó khăn này, nhưng số khác buộc phải tiếp tục cuộc chơi gian dối. Hậu quả là khi bong bóng sụp đổ, những công ty theo cuộc chơi khó lòng sống sót.

Vai trò với xã hội

Liệu giới startup có cần thể hiện trách nhiệm với xã hội hay không? Hầu hết các nhà khởi nghiệp cho rằng họ đã quá bận trong công việc và chỉ có thể thực hiện vai trò xã hội khi dự án thực sự thành công.

Tuy nhiên, một số doanh nhân trẻ lại không nghĩ như vậy. Hàng năm, thung lũng Silicon đều có giải thưởng cho những công ty có nhiều hoạt động xã hội. Việc khuyến khích nhân viên tham gia các hoạt động cộng đồng không chỉ mở rộng danh tiếng của dự án mà còn đóng góp rất lớn vào quyết định đầu tư sau này của các nhà tài trợ.

Tiêu tiền thế nào?

Cuối cùng, khi đã có nhiều tiền nhờ dự án của mình, các nhà khởi nghiệp sẽ gặp một câu hỏi khó nữa là làm thế nào để tiêu số tiền này. Liệu họ sẽ đầu tư tiếp hay chi tiêu cho bản thân? Để dành tiền cho con cái hay quyên góp từ thiện? Dùng ngay số tiền này hay tích lũy để tiêu khi về hưu?

Một số nhà khởi nghiệp chưa muốn nghỉ ngơi và tiếp tục đầu tư cho các dự án tiếp theo. Số khác muốn dành thời gian cho gia đình sau khi đã bỏ bê quan tâm đến vợ con. Trong khi đó, nhiều người lại chọn nghỉ hưu sớm và hưởng thụ số tiền kiếm được.

Tuy nhiên, tất cả mọi người tại thung lũng Silicon đều biết rằng những nhà khởi nghiệp thành công thường sẽ có sự tự tin nhiều hơn những người thất bại. Đôi khi, sự tự tin này trở nên thái quá và khiến họ dễ mắc sai lầm khi ra quyết định.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM