Câu chuyện về một quyết định sai lầm của Bộ Giáo dục Nhật

22/10/2015 09:51 AM | Kinh doanh

Chi tiêu cho giáo dục đại học của Nhật chỉ chiếm 0,5% tổng GDP, mức thấp nhất trong những nước giàu thuộc OECD và chỉ bằng nửa so với mức trung bình 1,1% của OECD.

Ngành khoa học xã hội và khoa học tự nhiên tồn tại song song và có tầm quan trọng tương đương nhau, việc quá coi nặng khoa học tự nhiên sẽ dẫn đến những hệ quả tồi tệ trong xã hội

Từ một quyết định thiếu tính toán của Bộ Giáo dục Nhật

Tháng 6 năm nay, Bộ trưởng Giáo dục Nhật gửi một thông báo gây sốc đến các trường đại học: Họ sẽ phải ngừng các chương trình đào tạo về khoa học xã hội và nhân văn và chuyển sang tập trung vào những chương trình mà chính phủ cho rằng có nhiều lợi ích hơn cho xã hội.

Đề xuất này ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ giới chuyên gia giáo dục cũng như công chúng Nhật. Họ khẳng định kể cả nếu như chính phủ có đang phải đắn đo với từng đồng yên trả lương hưu hay bảo đảm an sinh xã hội cho nhóm dân số già hay gửi quân ra nước ngoài tham chiến thì cũng không thể đưa ra một quyết định nguy hiểm với tương lai của giới trẻ Nhật đến như vậy.

Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ, đến tháng 9 năm nay, Bộ Giáo dục đã buộc phải rút lại thông báo trên, họ cho rằng thông điệp chính sách đã bị hiểu sai. Họ tuyên bố họ không chấm dứt các ngành học xã hội mà muốn các ngành đó hoạt động hiệu quả hơn để sinh viên tốt nghiệp sẽ có thêm các kỹ năng công việc trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Theo nhiều ý kiến, chính phủ Nhật đang có khá nhiều sai lầm trong chính sách giáo dục.

Giáo sư Kita Presselo thuộc đại học Sophia – Tokyo chỉ ra lỗi sai thứ nhất của giáo dục Nhật là ở chỗ họ đã cố gắng phân biệt rạch ròi giữa các ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Thứ hai họ nghĩ rằng họ có thể thay đổi tất cả chỉ bằng một mệnh lệnh. Thứ ba, họ tin rằng chỉ một chỉ số của chính phủ là đủ đánh giá các trường đại học. Chính vì những sai lầm như vậy nên nếu không tính hai trường đại học Tokyo và Kyoto, Nhật không có nhiều trường được xếp hạng cao trên bảng xếp hạng toàn cầu.

Còn theo giáo sư Takamitsu Sawa, hiệu trưởng trường đại học Shiga, Bộ Giáo dục Nhật đã coi dư luận như trò đùa khi đưa ra chính sách như vậy. Ngay cả với lý do chính phủ Nhật đang phải cố gắng tiết kiệm tiền để đảm bảo hệ thống an sinh xã hội cho lực lượng dân số già vốn ngày một đông đảo thì yêu cầu của Bộ Giáo dục vẫn là rất bất hợp lý bởi so với nhiều nước phát triển khác, ngân sách chi cho giáo dục của Nhật còn rất thấp.

Thống kê của OECD cho thấy chi tiêu cho giáo dục đại học của Nhật chỉ chiếm 0,5% tổng GDP, mức thấp nhất trong những nước giàu thuộc OECD và chỉ bằng nửa so với mức trung bình 1,1% của OECD.

Một số chuyên gia giáo dục chỉ ra các nhà làm chính sách rất thích nói đến từ “đổi mới” và “hiệu quả”, thế nhưng trên thực tế các chương trình đổi mới không được thực hiện cho “đến nơi đến chốn”. Theo một cựu quan chức Bộ Giáo dục Nhật, các trường đại học Nhật được chọn thực hiện theo đúng 3 mục tiêu: vươn ra toàn cầu, phát triển khu vực và tổ chức nhiều ngành học chuyên biệt. Ngân sách hỗ trợ giáo dục sẽ được rót cho họ dựa trên việc họ thực hiện các mục tiêu trên tốt đến mức độ nào.

Ngành khoa học xã hội và khoa học tự nhiên tồn tại và hỗ trợ nhau phát triển

Thế nhưng, một số nhà giáo dục phản bác rằng liệu có bất kỳ một chính phủ nào trên thế giới này kiểm soát được hoàn toàn những vận động của xã hội? Khoa học xã hội và khoa học tự nhiên thực ra không tồn tại đối nghịch nhau mà nó tồn tại bổ sung và hỗ trợ cho nhau.

Các môn nghệ thuật và khoa học nhân văn mang đến cảm hứng cho khoa học; môn logic và ngôn ngữ giúp truyền tải thông tin khoa học; công nghệ thông tin cần đến rất nhiều sự hỗ trợ của hội họa; triết học, chính trị và kinh tế tương tác lẫn nhau và giúp khoa học phát triển theo định hướng phục vụ tốt cho lợi ích của con người.

Các nhà giáo dục đã chỉ ra rằng không nên hiểu đào tạo khoa học giống như một cỗ máy xúc xích, bạn cho vào nó một đồng tiền và ngay lập tức nó cho ra sản phẩm có thể dùng để tiếp thị, kinh doanh được. Tại Mỹ và châu Âu hiện cũng đang có xu thế tương tự, chính phủ nhiều nước chỉ muốn dành tiền phát triển 4 nhóm lĩnh vực STEM bao gồm khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, quan điểm đó được cho là không thỏa đáng.

Tuyên bố của Einstein từ cách đây hàng thế kỷ cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị: “Nếu chúng ta biết chúng ta đang phát triển cái gì, thì có lẽ chúng ta cũng không cần phải làm nghiên cứu nữa đúng không?”. Ngay cả khi khoa học mang đến những lợi ích thực tế, thì con đường từ nghiên cứu đến ứng dụng sản phẩm cũng không hề đơn giản. Từ khi Fleming phát triển ra penicillin thì cũng phải mất đến 1 thập kỷ sau người ta mới sản xuất được thuốc kháng sinh. Hay các ứng dụng về DNA cũng chỉ có thể có được sau hơn 1 thế kỷ từ phát minh của Friedrich Miescher vào năm 1869.

Vốn kiến thức và hiểu biết tốt về xã hội sẽ giúp mang đến những tiến bộ khoa học. Tâm lý học có tính hỗ trợ quan trọng với toán học – nữ hoàng của các ngành nghiên cứu khoa học. Các nghiên cứu của Bertrand Russell trong lĩnh vực tâm lý học và ngôn ngữ đã giúp tạo ra ngôn ngữ của khoa học máy tính hiện đại.

Xét đến bối cảnh xã hội Nhật hiện tại khi mà giới trẻ Nhật sống ngày một khép kín và phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị công nghệ, nước Nhật cần các ngành xã hội hơn bao giờ hết. Ví dụ như họ cần phải có vốn tiếng Anh, tiếng Trung tốt, hiểu về lịch sử các nền văn minh. Những sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ hay kinh tế rồi cũng sẽ trở thành quản lý, và để phát triển được doanh nghiệp, họ cần vốn kiến thức tổng hợp về cả kinh tế, chính trị, khoa học, xã hội để có được tầm nhìn dài hạn.

Tác giả Kevin Rafferty thuộc đại học Osaka chỉ ra rằng thực ra những năm gần đây, đại học Nhật đang có phần tụt hậu so với nhiều cường quốc khác trên thế giới. Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đặt mục tiêu phải có ít nhất 10 đại học của Nhật được lọt vào top 100 của thế giới.

Trong khi đó thực tế dường như đang đi ngược lại mong muốn của ông. Xếp hạng mới nhất từ Times Higher Education cho thấy trong số 200 trường đại học tốt nhất thế giới, chỉ duy nhất có 2 trường của Nhật là Tokyo và Osaka University, đó là còn chưa kể đến hai trường này liên tục rớt hạng trong những năm gần đây.

Đó là còn chưa kể đến việc tự chủ tài chính của các trường đại học của Nhật hiện kém hơn rất nhiều so với các trường đại học Mỹ và phương Tây. Chỉ 16% nguồn thu của các trường công lập đến từ học phí, còn lại đều từ các nguồn trợ cấp khác.

Hoạt động quản trị của các trường đại học Nhật cũng đang đối diện với một số vấn đề. Quy định mới của chính quyền Thủ tướng Abe đã khiến quyền bổ nhiệm các chức vụ trong trường đại học tập trung quá nhiều vào tay hiệu trưởng trong khi trước đó các khoa cũng có thể thực hiện chức năng này. Quyết định này đã gây ra tình trạng nhiều người được bổ nhiệm vào các chức danh mà không có năng lực thực sự.

Với những vấn đề sẵn có, ngành giáo dục Nhật cần nhanh chóng thay đổi vấn đề quản trị, tự chủ tài chính và cần có một thái độ tôn trọng hơn với các ngành học xã hội.

Ngọc Thúy

Cùng chuyên mục
XEM