Câu chuyện thành công của hai doanh nhân nổi tiếng nhất vùng Vịnh

08/07/2010 17:17 PM |

Từng phải sống qua ngày với món cà ri rẻ tiền, thậm chí có những lúc nghi ngờ niềm tin của chính mình, đó là chia sẻ về quá trình đi tới thành công của hai nhà khởi nghiệp này.

Cuộc tranh cãi lớn nhất giữa J.C. Butler và Sim Whatley kể từ khi sáng lập Dubizzle, công ty quảng cáo phân loại trực tuyến lớn nhất tại vùng Vịnh, cuối cùng được giải quyết như sau: hai anh sẽ đeo bộ ria mép giả và mặc quần áo như các nhân viên cứu hộ để đi chụp hình.

Trang web Dubizzle.com trở nên rất nổi tiếng với những người biệt xứ tại Dubai từ năm 2007, và hai doanh nhân người Mỹ đã được tờ Ahlan! tiếp cận (Ahlan! là phiên bản đặc quyền tại địa phương của tạp chí Hello) để đưa vào danh sách bổ sung “Hot 100” (100 người nổi tiếng nhất) hàng năm của họ. Tuy danh sách hào nhoáng của những nhân vật danh tiếng tại Dubai được nhiều người biết đến, nhưng họ cũng chế giễu rằng danh sách này có quá nhiều người tự tô bóng bản thân và những kẻ được thổi phồng.

Anh Whatley đã miễn cưỡng tham gia danh sách này, nhưng anh Butler cho rằng phải làm gì đó để web của hai người được quảng cáo trên tạp chí. Sau một vài cuộc tranh luận “nảy lửa”, anh Whatley đã chiến thắng với đề nghị sử dụng phương pháp châm biếm hài hước trong buổi chụp hình.

Giữa buổi chụp hình của những doanh nhân nghiêm nghị, cô dẫn chương trình người Lebanon khêu gợi và những người UAE mặc trang phục truyền thống, hình ảnh anh phi công với bộ ria mép giả trong trang phục tắm biển của hai anh Butler và Whatley quả thực rất nổi bật. Nhờ đó mà họ trở thành bộ đôi vui nhộn nhất trong chương trình suốt 3 năm, và ở những phiên bản sau của chương trình, hai nhà khởi nghiệp này lại ăn mặc kiểu đô vật Mexico và một tay golf trẻ tuổi, lần nào cũng có bộ ria mép giả và những lời bình luận cợt nhả.

Anh Butler nói vui: “Năm 2006, mọi người nói: “Dubizzle.com?, Ồ, đó không phải là một trang web đến từ Dubai sao?”, đến năm 2007, mọi người nói: “Dubai? Ồ, đó không phải là thành phố nơi trang web Dubizzle.com khởi nghiệp sao?””

Dĩ nhiên, Dubai với vẻ sang trọng và tỏa sáng của nó vẫn nổi tiếng hơn một công ty web mới 6 năm tuổi, tuy vậy hai nhà khởi nghiệp này đang sở hữu một trong những công ty trực tuyến thành công đáng chú ý nhất trong thế giới Ả rập. Họ từ chối tiết lộ doanh thu, nhưng nói rằng tổng cộng các trang web phiên bản tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Ả rập của Dubizzle thu hút 1,5 triệu lượt khách riêng biệt và 70 triệu lượt xem một tháng trên khắp vùng Trung Đông. Các trang này được điều hành bởi 58 nhân viên làm việc trong những văn phòng sáng sủa, rực rỡ - rất hợp với một công ty dotcom tại “thành phố truyền thông” Dubai.

Dubai cũng được biết đến với một cuộc suy thoái khó khăn và trường kì sau khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Nhưng thay vì kìm hãm Dubizzle, Dubai suy thoái lại càng thúc đẩy sự phát triển của trang web này. Dân biệt xứ tại đây muốn bán đồ nội thất và những chiếc xe đắt tiền của họ, còn các chủ đất thì làm ngập trang web với bất động sản rao bán hoặc cho thuê, trong những nỗ lực tuyệt vọng nhằm lấy lại chút giá trị từ tài sản cá nhân của mình. Khi tổng ngân sách quảng cáo bị cắt giảm, các công ty lại tăng cường chi tiêu cho những phương tiện quảng cáo kĩ thuật số rẻ tiền hơn, điều này càng thúc đẩy doanh thu của Dubizzle tăng cao.

Anh Whatley nói đùa: “Các ngôi sao đang xếp hàng dài chờ chúng tôi”.

Cơ đồ hiện nay của Dubizzle hoàn toàn khác xa so với nguồn gốc không rõ ràng của nó trước kia. Khi hai anh lần đầu đến Dubai năm 2005, họ đã hi vọng sẽ tìm được một công việc khá khẩm, nhưng rốt cuộc lại phải chia sẻ với nhau một chiếc giường tầng và sống qua ngày bằng món cà ri giá rẻ.

Hai anh Whatley và Butler nhanh chóng vấp phải vấn đề chung của những người biệt xứ: tìm kiếm việc làm, chỗ trọ, tìm mua đồ nội thất cũ, đồ dùng và xe hơi. Mặc dù các tiểu vương quốc Ả rập đang ở giữa thời kì bùng nổ kinh tế, ở đây không có một trang web phân loại trực tuyến toàn diện nào.

Nhận ra cơ hội, hai anh Whatley và Butler đã dốc hết số tiền tiết kiệm – tổng cộng là 12.000 USD – thành lập Dubizzle, một trang web tương tự như GumTree của Anh hay Craig’s List của Mỹ, chủ yếu nhắm tới dân biệt xứ sống tại Dubai.

Phiên bản đầu tiên của Dubizzle tốn hơn 3.000 USD để thiết lập, một khoản tiền khá lớn so với số vốn khiêm tốn của họ. Giá thuê nhà tại Dubai tăng cao buộc hai người phải ở cùng một chỗ và làm việc tại nhà trong vài năm đầu tiên, số tiền ít ỏi thu được chỉ đủ để chi tiêu ăn uống hàng ngày. Anh Whatley chia sẻ: “Đó là một khởi đầu khá vất vả và đạm bạc. Chúng tôi còn chẳng có các quỹ đầu tư như ở Thung lũng Silicon”.

Anh Butler, với tấm bằng đại học UCLA (Đại học California, Los Angeles) chuyên ngành kinh tế quốc tế và tiếng Tây Ban Nha, chịu trách nhiệm hầu hết các công việc thiết kế và phát triển, giải quyết các vấn đề kế toán, bán hàng và phát triển kinh doanh. Còn lập trình, hai anh thuê một công ty địa phương đảm nhiệm.

Ngay cả khi trang web dần được định dạng và thu hút người dùng, hai nhà sáng lập vẫn còn xa mới đạt được thành công như hôm nay. Năm 2006, tuy một doanh nhân địa phương đã bơm thêm vốn cho công ty, song tất cả số tiền còn lại sau khi trừ đi chi phí sinh hoạt khiêm tốn của họ vẫn được đổ hết vào trang web.

Anh Butler nói về những khó khăn: “Rất nhiều trang web đã thất bại, và chúng tôi luôn lo lắng về điều đó. Tôi nghĩ là, chúng tôi đã cảm thấy đến cuối cùng mình sẽ thành công, nhưng cũng có những thời điểm chúng tôi phải tự đặt câu hỏi với niềm tin của chính mình vào sự liều lĩnh mình đang trải nghiệm, và cảm thấy nó chẳng đáng với việc phải ngủ trên những chiếc giường tầng, ăn những món kinh tởm và phải sống quá xa gia đình, bạn bè ở Mỹ.”

Nhưng rồi tương lai của Dubizzle cũng đã tỏa sáng. Người này rỉ tai người kia, và thế là Dubizzle trở thành điểm đến đầu tiên cho những ai muốn tìm nhà ở, đồ đạc, xe hơi, thú nuôi và thậm chí là tìm việc. Trang web miễn phí cho người sử dụng, nhưng các chủ đất phải trả phí để được rao bán bất động sản trên web, và tiền quảng cáo cũng bắt đầu đổ vào.

Cuối năm 2007, Dubizzle đã đủ phát triển để hai nhà khởi nghiệp thuê nhân viên làm việc toàn thời gian và tân trang lại trang web. Tiếng lành đồn xa, các nhà đầu tư tiềm năng bắt đầu chú ý đến công ty. Khi nền kinh tế cổ tích của Dubai đi đến hồi kết năm 2009, Dubizzle đã được hưởng trọn một năm có lãi đầu tiên, sau đó mở rộng đến Abu Dhabi, một thủ đô nhiều dầu mỏ của UAE.

Năm ngoái, Naspers – một công ty truyền thông Nam Phi phát triển rất nhanh và được niêm yết tại London, đã mua 25% cổ phần của Dubizzle với một mức giá không được tiết lộ. Việc này đã cấp vốn cho Dubizzle mở rộng tại thị trường Trung Đông, và mở thêm các trang tiếng Ả rập và tiếng Pháp.

Dubizzle giờ đây đã chính thức gắn bó với UAE, nhưng thành công của nó sẽ vẫn còn rực rỡ hơn nữa – đặc biệt là ở thời điểm mà thế giới Ả rập đang gặp phải những bất ổn chưa từng thấy. Hai doanh nhân trẻ tự tin rằng cách mạng Ai Cập sẽ có tác động tích cực đến công ty, nhưng họ cũng phải thừa nhận là hoạt động tại Libya của Dubizzle đang bị ngừng lại.

Các khoản đầu tư có thể đã giúp Dubizzle phát triển trong thời gian gần đây, nhưng hai nhà sáng lập vẫn kiên quyết rằng việc thiếu vốn khởi nghiệp không hề cản trở sự tăng trưởng – ít nhất là trong giai đoạn đầu.

Anh Butler lập luận về thành công của chiến lược tiếp thị truyền miệng mà Dubizzle đã dùng so với chiến lược truyền thông quảng cáo rầm rộ mà các công ty có ngân quỹ dồi dào thường sử dụng: “Nó đã giúp chúng tôi tạo dựng được yếu tố tin cậy cho thương hiệu của mình. Dubizzle có lẽ đã không thành công như bây giờ nếu lúc khởi nghiệp chúng tôi có cả tấn tiền. Chúng tôi đã gặp may, đôi khi chúng tôi đã vượt qua các rào cản một cách ngu ngốc và ngoan cố. Nhưng chúng tôi cũng học được rất nhiều từ đó.”

Các nhà khởi nghiệp địa phương nhiều tham vọng thường phàn nàn rằng, có lẽ những khó khăn đáng ngạc nhiên trong việc gây dựng vốn khởi nghiệp ở khu vực nhiều dầu mỏ này là nguyên nhân chính cho sự hiếm hoi thành công trong lĩnh vực tư ở vùng Vịnh.

Nhưng câu chuyện Dubai của hai anh Whatley và Butler lại chính là ví dụ điển hình cho việc: nhiều tiền không nhất thiết là điều kiện cần để thành lập một công ty địa phương nhỏ mà thành đạt.

Khởi nghiệp tại Dubai

Sim Whatley, người đồng sáng lập Dubai đã nêu ra một số nhân tố quan trọng phía sau thành công của doanh nghiệp quảng cáo phân loại trực tuyến:

Cộng sự kinh doanh ăn ý không quan trọng. “Có chung một tầm nhìn cho doanh nghiệp, nhưng đôi khi quan điểm về cách thực hiện khác nhau sẽ giúp bạn thử thách ý kiến của nhau và cuối cùng có được kết quả tốt nhất.”

Thuê người thông minh hơn và làm việc tốt hơn bạn càng sớm càng tốt. “Bạn cần phải làm tốt được mọi thứ, nhưng không phải việc nào bạn cũng giỏi. Ngoài kia có những con người rất giỏi trong một số việc, và đưa họ vào ban quản trị cũng có nghĩa là bạn đã cho mình cơ hội phát triển.”

Tạo ra văn hóa và thương hiệu mà mọi người muốn gắn bó cùng. “Google trả lương thấp hơn đên 20% so với các đối thủ. Việc đó là có lý do.”

Dịch vụ khách hàng là quan tâm hàng đầu của bạn. “Bạn sẽ không bao giờ nhìn nhận công ty của mình khách quan như khách hàng của bạn. Hãy lắng nghe họ thường xuyên.”

Hãy tạo ra giá trị trước khi mang về những khoản đầu tư mới hay đối tác mới. “Rồi hãy chọn một nhà đầu tư tin rằng bạn là một phần quan trọng của thành công và cam kết sẽ cho bạn tự do đạt được nhiều thành công hơn nữa trong tương lai.”

Thu Thủy
Theo FinancialTimes


thuthuy

Cùng chuyên mục
XEM