Canon kêu khổ vì 'cuộn băng dính cũng phải nhập'

26/09/2014 09:01 AM | Kinh doanh

Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài “tố” không chỉ con ốc, cái đinh vít doanh nghiệp Việt không cung ứng nổi, mà tới cái băng keo, băng dính họ cũng phải nhập nốt.

Ý kiến từ đại diện một doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phát biểu tại hội thảo tham vấn dự thảo Nghị định về công nghiệp hỗ trợ (CNHT) do Bộ Công thương tổ chức sáng 25/9 lại làm “nóng” câu chuyện thực hư “sức khỏe” của DN CNHT Việt Nam.

DN FDI chỉ dùng sản phẩm của DN "vệ tinh"

Tại hội thảo, bà Đào Thị Thu Huyền – Chánh văn phòng cấp cao (Văn phòng Tổng giám đốc) công ty Canon Việt Nam cho hay, đầu tư vào Việt Nam từ năm 2001 đến nay, tỷ lệ nội địa hóa tại Canon lên đến 65%. Canon Việt Nam đã gửi nhiều danh mục linh kiện cần nội địa hoá từ nhiều năm nay, cùng Nhật Bản để giới thiệu và thu hút đầu tư vào lĩnh vực linh kiện công ty cần nhưng chưa đạt được kết quả như ý.

Bà Huyền đơn cử, trong số linh phụ kiện điện tử Canon đang nỗ lực tìm kiếm, có đối tác cung cấp linh kiện điện tử, nhưng cái mà Canon cần là linh kiện điện và bán dẫn thì lại chưa có đối tác nào đáp ứng được. “Tưởng công nghệ không cao, nhưng để sản xuất máy in, nhiều linh kiện điện như lõi đồng, dây cáp điện, mô tơ… chúng tôi luôn phải nhập nước ngoài về”, bà Huyền dẫn giải.

Hay như tại Việt Nam ngành cơ khí có truyền thống lâu đời, nhưng chỉ riêng một chi tiết nhỏ là lò xo cho máy in thì cũng không DN Việt nào cung cấp được cho Canon.

“Đến như linh phụ kiện bao bì đóng gói sản phẩm đã có DN Việt Nam cung ứng được, song tiếc là tới cái băng dính, băng kéo để đóng gói bao bì thì lại không đạt chuẩn, nên buộc Canon phải nhập khẩu về…”, đại diện Canon buồn rầu và kỳ vọng khi Nghị định về Công nghiệp hỗ trợ ra đời sẽ là “cú hích” tốt để các DN FDI và trong nước có thể “bắt tay nhau” phát triển Công nghiệp hỗ trợ.

Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT công ty ô tô Trường Hải (Thaco) nói thẳng, trong câu chuyện bàn tán sôi nổi gần đây, khi Samsung nói đối tác trong nước không thể cung cấp nổi con ốc vít… buộc lòng họ phải nhập khẩu từ nước ngoài về; hoặc như chuyện phải nhập cả băng keo dùng đóng gói sản phẩm như đại diện Canon vừa nêu… thì do khi các tập đoàn lớn này vào đầu tư họ thường kéo theo các nhà sản xuất “ruột” của mình, do đó DN Việt Nam muốn “thâm nhập” vào chuỗi này rất khó.

Câu chuyện “cái băng dính dùng trong đóng gói sản phẩm Canon cũng phải nhập khẩu về…” của đại diện Canon ngay lập tức đã khiến nhiều đại diện DN hỗ trợ trong nước có mặt tại hội thảo cảm thấy … tự ái.

“Phải làm sao để số DN vệ tinh kia liên kết và hợp tác với DN trong nước theo hướng chuyển giao công nghệ… thì mới mong có được lối ra và đầu vào cho công nghiệp hỗ trợ”, ông Dương nêu quan điểm.

Gay gắt hơn, ông Mai Văn Đáng – Giám đốc công ty TNHH Mai Văn Đáng (Nam Định) phản bác, đừng nói công nghệ của DN Việt Nam không làm nổi cái ốc vít, băng keo mà đến sản xuất tàu ngầm chúng ta còn có thể làm được. Cái chính là “khi họ sang đầu tư ở Việt Nam kéo theo cả “anh em, họ hàng” nên làm sao có cơ hội cho DN trong nước. Dù rất nhiều cuộc hội thảo, triển lãm tìm kiếm cơ hội làm ăn được tổ chức, nhưng xong rồi đâu lại vào đó. Họ chỉ xã giao thôi, chứ khi DN đề cập tới chuyện kết nối họ đều tìm cách từ chối khéo….”, ông Đáng thẳng thắn.

Chia sẻ băn khoăn với DN trong nước, bà Trương Thị Mỹ Bình – thành viên tổ soạn thảo Nghị định CNHT (Viện Chiến lược phát triển công nghiệp, Bộ Công thương) nhấn mạnh, không phải là DN Việt không sản xuất được linh phụ kiện, nhưng cái chính là có đáp ứng được nhu cầu của đối tác nước ngoài hay không.

Bà Bình ước tính, 500 DN hoạt động trong lĩnh vực chế tạo thì chỉ khoảng 200 DN trong nước tham gia được sản xuất cho nước ngoài nhưng mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xe máy và điện tử, trong khi nhiều ngành khác như dệt may, da giày, cơ khí, ôtô... lại bỏ ngỏ. Thêm nữa, dung lượng thị trường nội địa còn nhỏ trong khi sự chi phối của các nhà lắp ráp nước ngoài còn quá lớn làm DN trong nước khó tham gia vào chuỗi cung ứng.

“Phải hiểu mức độ sản xuất thế nào, năng lực của DN ra sao trong khi chủ yếu DN hỗ trợ Việt Nam là tư nhân, quy mô nhỏ và vừa, tham gia lĩnh vực chế tạo rất ít. Thêm vào đó, Chính sách của Chính phủ chủ yếu chỉ là “kéo và đẩy”, nên không ép được các DN lắp ráp làm nội địa hóa”, bà Bình nhận xét.

Chính sách ưu đãi quá dàn trải?

Năm năm bươn trải với ngành CNHT, dù đến nay đã trở thành một trong những đối tác Việt Nam cung cấp linh kiện cho một số tập đoàn lớn như Canon, Samsung… nhưng ông Trần Anh Vương – Giám đốc công ty Bắc Việt vẫn buồn rầu, “4-5 năm làm CNHT nhưng tới giờ chúng tôi không nhận được sự hỗ trợ gì từ chính sách, mà phải tự vật lộn để sống sót, tồn tại qua khó khăn với mức lãi suất có thời điểm lên tới 24%/năm”. Điều đó đủ cho thấy, chính sách hỗ trợ về tín dụng, thuế đối với các DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất CNHT vẫn chưa … tới.

Thậm chí, bà Lê Thị Thanh Hằng – Giám đốc công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Hưng Yên nói thẳng, những ưu đãi đối với ngành CNHT suốt thời gian dài qua không tập trung, quá dài trải. Chính sách ưu đãi đưa ra không xác định vào một ngành mục tiêu mà trải dài đều khiến “ngành nào cũng là mục tiêu và chẳng DN nào nhận được hỗ trợ gì”.

Như Quyết định 12/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2011 về chính sách phát triển một số ngành CNHT chưa quy định rõ danh mục sản phẩm nào được ưu tiên mà chủ yếu đây chỉ là cơ chế xin cho, DN thiếu gì thì đề xuất. Vậy nên, 3 năm qua mới chỉ duy nhất có một DN nhận được ưu đãi khi quyết định này có hiệu lực, mà lại là DN nước ngoài chứ không phải trong nước.

Thừa nhận những cái khó mà DN CNHT đã và đang phải trải qua, thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho rằng, nhiều năm qua Chính phủ đã có định hướng về ngành CNHT nhưng việc hiểu cách hỗ trợ thế nào cho đúng cần sự tham vấn của DN và các nhà hoạch định chính sách nhằm tạo ra sự lan tỏa chung.

Để tạo động lực mới, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, trong Nghị định về phát triển CNHT dự kiến sẽ được trình Chính phủ và ban hành vào cuối năm 2014 sẽ tập trung vào các biện pháp nhằm hỗ trợ về công nghệ, quản trị sản xuất, tiếp cận khách hàng… nhằm khắc phục các điểm yếu của các DN CNHT.

Nghị định cũng bổ sung một số ưu đãi về thuế thu nhập DN và các quy định về đầu tư xây dựng cụm CNHT nhằm thu hút các tập đoàn đa quốc gia cung cấp linh kiện và vật liệu toàn cầu đầu tư vào Việt Nam.Mục tiêu của Chương trình quốc gia phát triển CNHT là đến năm 2020 sản phẩm CNHT cơ bản đáp ứng 45% nhu cầu trong nước và nâng lên 60% vào năm 2025.

>> Làm gì với cơ hội quá lớn từ Samsung?

Theo Nguyễn Hoài

Cùng chuyên mục
XEM