Cận cảnh Taxi Hà Nội “đấu” trực diện với Uber, Grab tại Bộ Công thương

18/03/2015 14:08 PM | Kinh doanh

Uber, Grab đến Việt Nam phải “chơi” theo luật của Việt Nam, không thể sử dụng “mánh” của tư bản cá mập – Giám đốc hãng Taxi Sông Hồng.

Nội dung nổi bật:

- “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Uber, Grab nhưng phải ký hợp đồng với hợp tác xã với đầy đủ tính pháp lý... Các hãng công nghệ nước ngoài vào Việt Nam, muốn hợp tác làm việc phải làm theo cơ sở pháp lý của nước sở tại. Các mánh kia chỉ là mánh của cá mập tư bản thôi”.

- CEO Uber: "Chúng tôi không cạnh tranh với các hãng taxi. Chúng tôi đang phải đầu tư tiền của chúng tôi vì chúng tôi phải mở cửa thị trường. Chúng tôi đang là người đầu tư để mở thị trường này ra"...


Vào Việt Nam phải theo luật Việt Nam

Ông Nguyễn Sơn – Giám đốc hãng Taxi Sông Hồng (trực thuộc Hiệp hội taxi Hà Nội) – đã đưa ra nhiều chất vấn đối với các lãnh đạo Công ty TNHH Uber Việt Nam và Công ty GrabTaxi Việt Nam tại Hội thảo Phát triển thương mại điện tử trên nền tảng di động diễn ra ngày 18/3 tại trụ sở Bộ Công thương.

Ông Sơn cho rằng, trong khi kinh doanh vận tải, đặc biệt là taxi, là ngành kinh doanh có nhiều điều kiện với 4 tầng giấy phép về cơ sở pháp lý, từ giấy phép lái xe, phù hiệu taxi đến chứng chỉ tập huấn của lái xe, tem kiểm định đồng hồ thì Uber được cho là chưa đảm bảo đủ cơ sở pháp lý.

“Pháp nhân đăng ký hoạt động tại Việt Nam là một công ty tại Hà Lan. Rõ ràng, khách hàng của Việt Nam không được bảo vệ... Uber vẫn đang trong tranh cãi là có phải loại hình vận tải hay không? Tôi khẳng định là có. Uber vận hành các khâu vận tải từ A đến Z, từ khâu định giá, vận hành, thanh toán, đến nhận phản hồi”, ông Sơn nhận định.

“Uber cần phải có giấy phép kinh doanh vận tải của Uber Việt Nam, không phải một pháp nhân khác”.

Với GrabTaxi, lãnh đạo Taxi Sông Hồng cho rằng đơn vị này cũng giống như Easy, mới chỉ hoạt động quảng cáo, marketing, cho khách hàng khuyến mãi, lái xe hoa hồng.

“Grab làm như vậy là vi phạm luật cạnh tranh khi sử dụng lao động của hãng khác phục vụ cho mục đích marketing của mình, mà không thông qua hợp tác xã taxi đó. Bản thân người lái xe cũng vi phạm hợp đồng lao động khi ký hợp đồng lao động với hợp tác xã nhưng đồng thời lại ký hợp đồng chui với Grab để hoạt động chui”, ông Sơn nói.

“Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Uber, Grab nhưng phải ký hợp đồng với hợp tác xã với đầy đủ tính pháp lý... Các hãng công nghệ nước ngoài vào Việt Nam, muốn hợp tác làm việc phải làm theo cơ sở pháp lý của nước sở tại. Các mánh kia chỉ là mánh của cá mập tư bản thôi”.

Uber, Grab không cạnh tranh, chỉ là giải pháp bổ trợ

Trả lời chất vấn của ông Sơn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Uber Việt Nam – ông Đặng Việt Dũng phản hồi:

Một là, nói Uber là công ty cướp thị phần của các hãng taxi, ông Dũng khẳng định không phải. Uber là giải pháp bổ trợ, không phải giải pháp thay thế taxi.

Hai là, thị trường Mỹ có 1,3 ô tô/người. "Thị trường taxi toàn thế giới, theo tôi nhớ là 11 tỷ USD. Còn thị trường đi từ nhà đến chỗ làm to hơn rất nhiều, to hơn 100 lần. Chúng tôi nhắm tới thị trường là làm sao tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp, làm sao cho thị trường đó tiềm năng cho tất cả".

Các doanh nghiệp taxi đã làm rất tốt. Nhưng thực tế, rất nhiều xe có tần suất sử dụng chỉ khoảng 3 - 4 tiếng đồng hồ/ngày. Làm sao tăng tần suất sử dụng đó lên? Cái đó phụ thuộc vào công nghệ. Khi sử dụng tổng đài, nhiều khi xe cần có lại chưa thể có ngay, nhưng công nghệ có thể giải quyết được vấn đề đó.

Theo ông Dũng, trong chiến lược kinh doanh, những doanh nghiệp đi đầu thường đầu tư rất nhiều. Tỷ lệ sử dụng thẻ thanh toán của Lazada khoảng 1 - 2% trên tổng số đơn hàng. Mức độ thâm nhập của thẻ tín dụng là 3%. Tâm lý e ngại còn có. Những doanh nghiệp đi đầu phải đầu tư rất nhiều để mở thị trường, khơi dậy tiềm năng của thị trường.

“Khi có khách hàng biết về Uber, nếu người ta có thẻ thì được giảm 1/2 phí vận chuyển, bởi thói quen điền thông tin thẻ trên di động chưa có. Chúng tôi phải quảng cáo. Chúng tôi phải đầu tư tiền của chúng tôi vì chúng tôi phải mở cửa thị trường. Chúng tôi đang là người đầu tư để mở thị trường này ra” – ông Dũng nói.

“Vấn đề của anh Sơn nêu ra, tôi khẳng định:

1-Chúng tôi là công ty công nghệ. Chúng tôi không chỉ làm xe, chúng tôi còn làm cả trực thăng, tàu, hàng hóa...

2-Các loại giấy phép vận tải gồm giấy tờ ông, con, cháu, chắt chúng tôi cũng phải có đầy đủ.

Tại sao xe Uber không có đồng hồ? Uber là hình thức vận tải độc, không cần đồng hồ. Công nghệ chúng tôi chính xác từng mét, trong khi đồng hồ chính xác từng 10 mét”.

Phía Grab, bà Emily Thu Đỗ - Giám đốc Marketing của đơn vị này cũng cho rằng Grab không nhằm cạnh trạnh với taxi vì Grab vẫn dùng hạ tầng của taxi.

“Cái chúng tôi mang lại thêm là kết nối taxi, tài xế và người tiêu dùng chứ chúng tôi không làm ra đội xe riêng, lấy thị phần của các hãng taxi hện tại. Chúng tôi đang trên đà hợp tác với tất cả các hãng taxi” – bà Emily cho biết.

>> Taxi 'đại chiến': Uber vs GrabTaxi vs Vinasun vs Mai Linh vs EasyTaxi (P2)

Bảo Bảo

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM