Cái chết được dự báo trước của các băng đảng tội phạm Nhật

27/10/2015 10:27 AM | Kinh doanh

Sự tham lam vô độ của các ông trùm với số lợi nhuận kiếm được là lý do quan trọng dẫn đến xung đột lợi ích và sự tan rã của các băng nhóm tội phạm Nhật

Một thập kỷ sau khi rời khỏi thế giới tội phạm, ông Satoru Takegaki nay đã 64 tuổi giờ dành phần lớn thời gian để giúp đỡ những yakuza khác kiếm việc làm và thích nghi với cuộc sống của một người bình thường.

Người từng đứng đầu một băng đảng yakuza nay cũng vẫn giữ vị trí thủ lĩnh, nhưng là của một tổ chức chuyên hỗ trợ những yakuza khác có một cuộc sống tốt đẹp hơn sau khi “rửa tay gác kiếm” trong bối cảnh thế giới ngầm tại Nhật đang chứng kiến những thay đổi lớn chưa từng có.

Từ một vụ tách băng đảng tội phạm lớn nhất nước Nhật

Tháng 9 vừa qua, Yamaguchi-gumi, tổ chức tội phạm có tổ chức lớn nhất tại Nhật đã bị tách làm đôi khi một số những ông trùm rời đi để lập tổ chức của riêng họ do bất đồng về lợi ích.

Vụ việc này khiến cảnh sát Nhật không khỏi lo sợ khả năng sau chia tách sẽ là các vụ đụng độ đẫm máu giống như thời kỳ thập niên 1980. Vụ chia tách này cũng cho thấy nội bộ các băng đảng tội phạm Nhật hiện nay đang rất bất ổn, vì thế khả năng kiểm soát xã hội Nhật của họ cũng đang yếu dần.

Thế nhưng cho đến nay, vụ chia tách này vẫn chưa kết thúc. Hiện có những thông tin cho thấy khoảng 3 nghìn thành viên trong một băng đảng yakuza mới được chia tách đã rời tổ chức để thành lập một nhóm mới. Họ được cho là đã nắm được rất nhiều thông tin liên quan đến lịch sử trốn thuế của ông trùm Kenichi Shinoda và khi cần họ có thể bán thông tin cho cảnh sát để đổi lại một số quyền lợi. Ước tính thu nhập của Kenichi Shinoda mỗi năm có thể lên đến 1 tỷ yên.

Nhiều thành viên yakuza cảm thấy phẫn nộ khi mà mỗi năm họ phải nộp lên cho thủ lĩnh hàng trăm triệu yên kiếm được trong khi đó quyền lợi ông trùm dành cho họ chẳng đáng bao nhiêu. Họ không thể vui lòng khi ông chủ liên tục có những chuyến du lịch nước ngoài tiêu xài xa xỉ trong khi họ phải làm việc vất vả.

Chia sẻ với phóng viên, ông Takegaki nói: “Ai cũng có những lúc tuổi trẻ sai lầm, cho đến giờ khi nhìn lại tôi thấy tôi chẳng được gì từ những năm tháng làm yakuza, ngoại trừ một số cảm giác ra oai nhất thời. Tôi nghĩ yakuza Nhật hết thời rồi. Giờ đây doanh nghiệp Nhật chẳng cần đến yakuza bảo kê cho hoạt động kinh doanh của họ nữa.

Việc chia tách các băng đảng yakuza đồng nghĩa với việc cả hai bên đều yếu đi. Hiện nay khi kinh tế Nhật ngày một tăng trưởng kém đồng thời thái độ của người Nhật với yakuza thay đổi, nhiều người đã nói đến khả năng sẽ chẳng còn bao lâu nữa yakuza không còn chỗ đứng trong xã hội Nhật.

Thời tàn của các băng nhóm tội phạm

Hậu Chiến tranh Thế giới thứ Hai, nước Nhật trở nên hỗn loạn, chính trong bối cảnh này, người Nhật phần nào cần đến yakuza để đảm bảo trật tự xã hội. Chính vì thế yakuza phát triển thành những tổ chức lớn khủng khiếp, có tài sản ở nhiều thời điểm lên đến hàng tỷ USD.

Họ vươn chiếc “vòi bạch tuộc” của mình vào mọi ngõ ngách của xã hội, kinh doanh đủ mọi ngành nghề, từ cờ bạc cho đến chất gây nghiện, mại dâm, cho vay nặng lãi, bảo kê, ám sát thuê. Yakuza cũng gây ra nhiều tác động xấu đến sự ổn định của xã hội Nhật, điển hình như vụ việc do yakuza Nhật bắn chết thị trưởng thành phố Nagasaki vì bất đồng với chính quyền.

Thập niên 1960, tính toán của cảnh sát Nhật cho thấy nước này có khoảng 180 nghìn yakuza. Con số đó giảm dần qua các năm và đến nay chỉ còn lại 53 nghìn.

Theo nhà báo Atsushi Mizoguchi, một lý do quan trọng khiến các băng đảng yakuza Nhật tự làm mất đi vị thế và chỗ đứng của chính họ nằm ở sự tham lam của các ông trùm. Khi mà những người đứng đầu quá ích kỷ, chỉ nghĩ đến tư lợi, chắc chắn thành viên băng đảng sẽ thấy bất bình và muốn lật đổ hoặc ra đi.

Tsukasa được tại ngoại vào năm 2011 sau 6 năm ngồi tù vì tội sở hữu súng. Sống trong thế giới tội phạm nhiều năm, ông nắm hết các chiêu trò hoạt động của thế giới này. Theo Tsukasa, chênh lệch giàu nghèo trong các tổ chức yakuza Nhật đang ngày một lớn hơn. Trong khi những người đứng đầu đi xe hơi xịn, ở các căn biệt thự tráng lệ xa hoa thì một yakuza cấp thấp sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi trong ví anh ta có tờ bạc 10 nghìn yên (khoảng 1,8 triệu đồng Việt Nam), một số tiền nhỏ trong xã hội Nhật.

Không giống như mafia Ý hay các băng nhóm tội phạm Trung Quốc phải trốn chui lủi, nằm ngoài sự kiểm soát của cảnh sát; yakuza Nhật có địa bàn hoạt động công khai ở Nhật, họ không bị coi là bất hợp pháp, mỗi nhóm có trụ sở riêng. Cảnh sát Nhật nắm được phần nào hoạt động của họ.

Đại diện cảnh sát Nhật cho biết họ chấp nhận cho yakuza hoạt động hợp pháp không phải để bảo vệ mà để tiện cho việc quản lý họ.

Đời sống của yakuza đang khó khăn hơn bởi thay vì dùng vũ lực, giới chức Nhật siết các quy định quản lý doanh nghiệp, đối tượng từng có một quan hệ làm ăn kinh doanh chặt chẽ với yakuza. Tất cả các doanh nghiệp Nhật không được cho phép có bất kỳ ràng buộc nào với yakuza.

Vì thế nên mới có chuyện có một số doanh nghiệp Nhật đã kiện các tổ chức yakuza để đòi lại tiền bảo kê đã đóng trước nhiều năm.

Ngoài ra, các yakuza cũng không được phép tiếp cận với các dịch vụ của người Nhật bình thường, ví dụ như không thể mở tài khoản ngân hàng hay đăng ký tài khoản Internet.

Ngọc Thúy

Cùng chuyên mục
XEM