Các Chaebol Hàn Quốc bắt đầu hối hận?

16/11/2015 15:43 PM | Kinh doanh

Hãng Bloomberg cho rằng thời gian tới sẽ là lúc mà các chaebol Hàn Quốc trả giá cho những gì mình đã gây ra và là thời điểm "ngọt ngào" cho các cổ đông.

Những tập đoàn gia đình trị tại Hàn Quốc, hay còn gọi là Chaebol, đã không còn là điều mới lạ đối với người dân nước này. Khi vụ bê bối con gái chủ tịch hội đồng quản trị Korean Air chưa lắng xuống thì những thông tin tranh chấp quyền điều hành của Lotte, thường được ví như cuộc chiến vương quyền, lại khiến báo chí nhiều nước phải tốn giấy mực.

Trong vòng 15 tháng quá, những tập đoàn lớn tại Hàn Quốc bị chi phối bởi gia đình đang là mục tiêu chỉ trích của rất nhiều người, đặc biệt là những cổ đông của công ty. Trong số những nước phát triển tại Châu Á, cổ tức của các công ty tại Hàn Quốc thuộc hàng thấp nhất.

Cơ quan hưu trí quốc gia Hàn Quốc (NPS) đã liên tục phản đối các hành động sáp nhập và thao túng ngầm của những gia đình đang chi phối các tập đoàn lớn tại Hàn Quốc vì cho rằng thế là bất bình đẳng với các cổ đông thiểu số trong công ty. Tuy nhiên, những phản đối này thường không đem lại hiệu quả bởi vị thế và mối liên kết chính trị-kinh tế của các tập đoàn lớn tại Hàn Quốc là quá to lớn.

Trước những chỉ trích ngày càng gia tăng, những chaebol bắt đầu nhận ra rằng họ đang dần mất đi niềm tin và ảnh hưởng trong công chúng, qua đó gia tăng rủi ro khi chuyển giao quyền lực cho thế hệ kế tiếp lên điều hành. Đây là một trong những lý do khiến các tập đoàn gia tăng mua lại cổ phiếu từ cổ đông, vừa nhằm củng cố vị thế biểu quyết trong hội đồng quản trị vừa để làm giảm sự bất mãn của các nhà đầu tư.

Tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc là Samsung Electronics vừa công bố kế hoạch mua lại 11,3 nghìn tỷ Won (9,7 tỷ USD) cổ phiếu vào ngày 29/10 tới đây. Đồng thời, công ty này cũng cho biết sẽ trích 30-50% lợi nhuận để trả cổ tức cho cổ đông trong tương lai. Theo số liệu của hãng tin Bloomberg, tỷ lệ lợi nhuận bình quân được dùng cho chi trả cổ tức trong 5 năm qua của Samsung chỉ ở mức 15%. Trước đó, tập đoàn lớn thứ 3 Hàn Quốc là SK Holdings cũng tuyên bố mua lại 871 tỷ Won cổ phiếu của công ty vào tháng 8/2015.

Từ đầu năm đến nay, các công ty Hàn Quốc đã chi hơn 29 nghìn tỷ Won cho chi trả cổ tức và mua lại cổ phiếu. Hãng Bloomberg dự đoán năm 2015 có lẽ là năm mà các tập đoàn Hàn Quốc chi trả “hào phóng” nhất cho nhà đầu tư từ sau cuộc khủng hoảng năm 2008.

Các Chaebol tại Hàn Quốc vốn có vị thế vô cùng lớn trong xã hội nên những chính trị gia nước nay khó có thể giúp đỡ nhiều cho những cổ đông thiểu số ở đây. Mặc dù vậy, sau nhiều năm tranh cãi và đàm phán, một số kết quả khả quan đã được chính quyền Seoul đạt được.

Mới đây, Tổng thống Park Geun Hye đã tuyên bố chi 18 tỷ USD để thúc đẩy các công ty và doanh nghiệp phát triển tại Hàn Quốc trong tình hình nền kinh tế bị chi phối bởi chaebol. Đây rõ ràng là một thách thức từ chính phủ Hàn Quốc đối với các tập đoàn lớn để giải quyết tình trạng chi phối quá mạnh của các gia đình quyền lực.

Với một tiềm lực kinh tế mạnh, không khó để hình dung sự hỗ trợ từ chính phủ sẽ thức đẩy một loạt các start up tại Hàn Quốc, qua đó cạnh tranh về nhân lực cũng như nguồn vốn với các chaebol. Rõ ràng, những tập đoàn lớn tại Hàn Quốc cũng đã cảm nhận được áp lực này. Số liệu của Bloomberg cho thấy đã có khoảng 73 công ty tại nước này dự kiến tăng cổ tức chi trả vào đợt tới, cao hơn so với con số 63 tại Đài Loan.

Thậm chí, nếu các chaebol không ngừng những hành vi sáp nhập và kiểm soát ngầm, gây mất uy tín trong xã hội, rất có thể họ sẽ bị phạt một khoản tiền lớn cho những gì mình gây ra. Trong vụ bê bối cuộc chiến vương quyền tại Lotte, cổ phiếu của tập đoàn này đã giảm 22% trong chưa đầy 2 tháng, phản ánh sự bất mãn trong giới đầu tư và cổ đông. Hãng Bloomberg cho rằng thời gian tới sẽ là lúc mà các chaebol Hàn Quốc trả giá cho những gì mình đã gây ra và là thời điểm "ngọt ngào" cho các cổ đông.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM