Buôn bán tại các chợ TP HCM: Bên ngoài cười nụ, bên trong khóc thầm

06/07/2012 11:27 AM |

Tiểu thương các chợ còn bị thất thế so với kênh phân phối hiện đại là các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và điều đáng nói là bị cạnh tranh không công bằng bởi nạn buôn bán ở lòng lề đường, chợ tự phát.

Gần đây, lượng người tiêu dùng (NTD) đến mua hàng tại các sạp chợ ngày càng thưa dần. Thế nhưng, ngoài yếu tố sức mua của NTD giảm, tiểu thương các chợ còn bị thất thế so với kênh phân phối hiện đại là các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và điều đáng nói là bị cạnh tranh không công bằng bởi nạn buôn bán ở lòng lề đường, chợ tự phát.

Hàng trăm tiểu thương bỏ chợ

Theo báo cáo về khảo sát thực trạng mua - bán hàng tại các kênh phân phối ở TPHCM cho thấy, việc hàng trăm tiểu thương bỏ chợ, đóng sạp là bức tranh thực tế nhất về tình hình sức mua các mặt hàng tại chợ hiện nay. Tại chợ Phạm Văn Hai, từ sau Tết Nguyên đán đến tháng 6, tình hình buôn bán ế ẩm đã khiến 100/403 sạp thực phẩm tươi sống tạm ngừng kinh doanh (chiếm 24,8%), ngành hàng ăn uống đóng cửa 23/84 sạp (chiếm 27,4%) và 38/232 sạp thực phẩm khô, gia vị nghỉ bán. Tương tự, tại chợ Tân Bình - một trong những chợ đầu mối lớn tại TPHCM, khu vực kinh doanh thực phẩm khô trước đây có 70 sạp thì nay chỉ còn 15 sạp lay lắt kinh doanh. Tại các chợ Xóm Chiếu, Tân Định, Tam Bình, An Khánh, Bà Chiểu, Gò Vấp... hàng loạt tiểu thương giảm lượng hàng nhập, hoặc đóng cửa sạp, chuyển đổi ngành nghề.

Số liệu khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) cho thấy, có đến 80% số tiểu thương được hỏi cho rằng tình hình bán hàng đang giảm mạnh, lượng khách ế ẩm, chợ rất vắng khách, đặc biệt từ sau 10 giờ trở đi, doanh số giảm từ 30-60% tùy mặt hàng. Một số tiểu thương ngành hàng bách hóa thực phẩm cho biết, chưa bao giờ lợi nhuận và doanh số lại phải trông chờ vào khuyến mãi của nhà sản xuất và tham gia trưng bày sản phẩm như hiện nay. 

Theo các tiểu thương, sức mua tại các sạp chợ ế ẩm không chỉ do sức mua giảm đi, NTD đến với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ngày càng nhiều mà còn do không ít NTD ngại vào chợ, đã mua hàng ở những người bán lấn chiếm lòng lề đường xung quanh các chợ hay các chợ tự phát gần khu dân cư. 

Chưa dẹp được chợ tự phát, lấn chiếm lòng lề đường

Theo Sở Công thương, tính đến đầu tháng 6, trên địa bàn TPHCM có 175 điểm, khu vực mua bán tự phát. Còn thống kê của Sở Giao thông Vận tải cho thấy TPHCM còn hơn 100 tuyến đường xảy ra tình trạng giao thông lộn xộn, lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh, buôn bán, gây bức xúc cho người dân. 

Bà Năm, kinh doanh ngành hàng thực phẩm tươi sống tại chợ Tân Định cho rằng: “Trong khi các tiểu thương kinh doanh tại các sạp chợ phải đóng đầy đủ các khoản phí, tiền thuế, sang sạp nhưng NTD ít vào chợ mua hàng thì những người bán bên ngoài chợ vừa không chịu những chi phí, vừa dễ bán hàng cho NTD hơn”. 

Đó là chưa kể đến tình trạng gây mất trật tự, mất mỹ quan đô thị và nguồn hàng của các đối tượng kinh doanh tại các chợ tự phát, lấn chiếm lòng lề đường hầu như không được kiểm soát, quản lý.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, rất cần sự hợp tác từ NTD trong việc chỉ mua hàng đúng nơi đúng chỗ. Điều này không chỉ giúp xây dựng văn minh thương mại, mỹ quan đô thị cho TPHCM mà còn bảo vệ quyền lợi cũng như ATVSTP cho NTD.
TPHCM đã có quy hoạch đến năm 2015, TP sẽ phát triển thêm 5 chợ mới và sẽ giải tỏa, chuyển đổi công năng 37 chợ. Sở Công thương TP cũng đề nghị UBND các quận, huyện nhanh chóng triển khai kế hoạch giải tỏa các điểm, khu vực kinh doanh tự phát, không để phát sinh điểm mới trên địa bàn.

Theo Mộng Thoa
Báo Lao Động

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM