Bóng đá Việt Nam: Tiền bạc, số lượng, và…

17/12/2012 08:15 AM | Kinh doanh

Đang có quá nhiều dấu hiệu cho thấy, từ một nền bóng đá trọng tiền bạc, và “một bộ phận cầu thủ chỉ nghĩ đến tiền” (lời PCT VFF Lê Hùng Dũng), BĐVN đang có xu hướng chuyển sang trọng số lượng, và dĩ nhiên “trọng tiền” hay “trọng lượng”, mà không chú ý tới những yếu tố phát triển bền vững, BĐVN chẳng khác gì cái cây non, có thể sụp đổ trước bất cứ cơn gió mỏng manh nào.

1. Nhìn lại hơn 10 năm bóng đá chuyên nghiệp, nếu trách các cầu thủ “chỉ nghĩ đến tiền” thì đấy mới chỉ là nhìn vào hình thức, chứ chưa phải  bản chất vấn đề. Bởi ai là người đã bơm tiền cho cầu thủ? Ai đã sản sinh và nuôi dưỡng “bóng đá tiền bạc” trong đầu cầu thủ? Không ai khác, đó chính là những người đổ tiền vào làm bóng đá: Các ông bầu.

Chính sự xuất hiện ồ ạt của các ông bầu, và chính  cái xu thế “bầu đi sau bao giờ cũng muốn nổi hơn bầu đi trước” mà đồng tiền được đổ vào bóng đá không ngừng tăng lên theo thời gian. Ở một thời đại mà các ông bầu luôn lấy tiền làm “mồi nhử” thì các cầu thủ không nghĩ đến tiền, không đá bóng vì tiền mới là chuyện lạ.

Hiền lành, bản lĩnh như Tài Em cũng không thể “đứng im” ở CLB ruột Đồng Tâm. Long An, nên đã phải về Navibank Sài Gòn để nhận vài tỷ đồng lót tay. Trung thành, nhã nhặn như Minh Phương cũng không thể gắn bó với một Đồng Tâm Long An đã tạo nên thương hiệu mình, nên buộc phải ra Đà Nẵng để nhận lương cao hơn, tiền thưởng nhiều hơn.

Tất nhiên những cầu thủ này ra đi không hẳn vì tiền, nhưng rõ ràng đồng tiền là yếu tố quyết định, sống còn cho những lựa chọn của họ. Và cũng không ai có quyền trách cứ họ, bởi cả làng cả nước như vậy, nếu họ không như vậy xem ra lại trở thành những kẻ… bất bình thường.

Hậu quả là bây giờ, khi các ông bầu thi nhau rút khỏi bóng đá thì nhiều cầu thủ đứng trước nguy cơ… kiết xác. Đã có những thống kê cho biết sau khi gần chục CLB (cả ở V.League lẫn giải hạng Nhất) giải thể hoặc được chuyển giao thì có không dưới 100 cầu thủ mất việc, mất cần câu cơm.

2. Bây giờ thì ai cũng nhìn ra điểm chết của một nền bóng đá mà hơn 10 năm chuyên nghiệp gần như chỉ biết chạy theo tiền, để rồi phải trả giá vì tiền. Thế nên bây giờ ai cũng kêu gào phải làm bóng đá căn cơ, khoa học, và đoạn tuyệt hẳn với “tư duy tiền bạc”.

Nhưng căn cơ, khoa học ở chỗ nào khi mà V.League sau mùa 2013 sẽ có cùng lúc 3 đội được đôn lên từ hạng Nhất, và bản thân hạng Nhất cũng có tới 5 đội được đôn lên từ hạng Nhì? Ai cũng biết, khoảng cách chất lượng giữa hạng Nhì và hạng Nhất cũng na ná như khoảng cách giữa bóng đá phong trào với bóng đá bán chuyên. Còn khoảng cách giữa hạng Nhất với chuyên nghiệp ở ta cũng na ná như khoảng cách giữa bán chuyên với… chuyên nghiệp trá hình.

Thế nên cái kiểu phải gồng lên để V.League và hạng Nhất mùa 2014 lần lượt có đủ 14 đội và 12 đội thể hiện một… tư duy trọng số lượng hơn chất lượng. Vấn đề là tại sao lại trọng số lượng một cách máy móc, dị kỳ như thế? Tại vì phải đảm bảo ý nghĩa “chính trị, xã hội của bóng đá”, rồi phải đảm bảo việc “phong trào bóng đá được phát triển trên diện rộng, ở tất cả các tỉnh, thành” như cách giải thích của một quan chức VFF chăng?

E là không thuyết phục, bởi chẳng có địa phương nào muốn “phát triển phong trào” bằng cách để đội bóng của mình đá V.League theo kiểu “chín ép”, và từ sự “chín ép” ấy không loại trừ khả năng sẽ trở thành một cái… ngân hàng điểm, một trò cười cho thiên hạ! Vậy thì phải chăng người ta muốn có nhiều đội dự giải, vì như thế cũng đồng nghĩa với việc sẽ có “nhiều mối quan hệ” hơn, mà “nhiều mối quan hệ” hơn sẽ tiếp tục nảy sinh nhiều cái hơn khác nữa?

3. Rất lạ là từ một nền bóng đá trọng tiền bạc, chúng ta lại đang có xu hướng trở thành một nền bóng đá trọng số lượng. Và chắc chắn, trọng tiền bạc hay số lượng (mà quên những yếu tố chất lượng mang tính căn cơ, bền vững) đều nguy hiểm như nhau.

Thành thử chỉ sợ là vài năm nữa, chúng ta rồi sẽ tiếp tục phải trả giá, giống như chúng ta đang trả giá lúc này!

Theo Phan Đăng
CAND

duchai

Từ khóa:  bóng đá
Cùng chuyên mục
XEM