'Bong bóng Startup', Nhà đầu tư đang bị ‘ảo tưởng’ với các công ty kiểu Xiaomi?

16/03/2015 10:40 AM | Kinh doanh

Nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ tại Trung Quốc đang thu hút được một lượng lớn tiền từ các nhà đầu tư tư nhân, điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng họ đang được định giá quá cao.

Nội dung nổi bật:

- Hàng loạt các công ty khởi nghiệp công nghệ tại Trung Quốc như Xiaomi hay Dianping liên tiếp nhận được các khoản tiền đầu tư khổng lồ.

- Có vẻ như các công ty công nghệ Trung Quốc đang được định giá quá cao trong khi họ chưa hề tìm ra được cách tạo doanh thu một cách nhất quán.


Mới đây nhất, website mua chung có trụ sở tại Thượng Hải là Dianping (hoạt động giống mô hình của Yelp) đã thu hút được 800 triệu USD tiền đầu tư, đẩy giá trị công ty này lên tới 4 tỷ USD – gấp 2 lần so với năm trước đó.

Thậm chí, con số này còn lớn hơn cả vốn hóa thị trường của Yelp, hiện chỉ ở mức 3,4 tỷ USD. Lần huy động vốn thành công này được xem là lời đáp trả với công ty đối thủ của Dianping là Meituan khi mới gọi vốn thành công được 700 triệu USD vào tháng 1.

Dữ liệu chỉ ra rằng những công ty công nghệ Trung Quốc đang được định giá quá cao trong khi họ chưa tìm được cách tạo ra doanh thu một cách nhất quán. Các nhà đầu tư và doanh nhân đang sử dụng cách đo lường số lượng người dùng và khối lượng hàng hóa (một thước đo phổ biến cho những giao dịch thương mại điện tử) hơn là chú ý tới các chỉ tiêu về doanh thu và lợi nhuận.

Một vài nhà đầu tư mạo hiểm nói rằng, trong năm 2015 họ có xu hướng ít đầu tư vào các công ty tư nhân của Trung Quốc bởi giá trị của chúng đang ngày càng trở nên đắt đỏ.

Một yếu tố giúp đẩy giá trị của các công ty tư nhân lên cao là bởi tâm lý sợ bị bỏ lỡ cơ hội”, Tony Hsu – Giám đốc đầu tư của OTS Capital Management nói. “Rất nhiều nhà đầu tư khăng khăng đầu tư vào những công ty có hồ sơ ‘đẹp’, mặc cho mức giá họ phải trả”.

Các công ty công nghệ Trung Quốc đã tăng được 5 tỷ USD chỉ sau nửa năm so với mức 700 triệu USD vào cùng kỳ năm 2013. Thương vụ lớn nhất và đáng chú ý nhất là 1,1 tỷ USD mà Xiaomi thu được vào tháng 12, đẩy giá trị toàn công ty lên mức 46 tỷ USD - trở thành công ty khởi nghiệp công nghệ giá trị nhất thế giới. Điều đáng nói là con số này cao gấp 10 lần so với giá trị của Xiaomi vào thời điểm tháng 8/2013.

Câu hỏi đặt ra là liệu những công ty khởi nghiệp công nghệ của Trung Quốc có cùng mối lo ngại như các công ty tại Mỹ hay không? Snapchat hiện giá trị 15 tỷ USD sau khi được “gã khổng lồ” Alibaba rót thêm 200 triệu USD.

Ứng dụng gọi xe Didi Dache "lên cơn sốt" nhờ Uber.

“Tôi không nói các công ty công nghệ của Mỹ và Trung Quốc là một cặp song sinh nhưng rõ ràng họ đang có mối liên kết rất sâu sắc”, Hurst Lin – đồng sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm DCM China nói.

Nhà đầu tư thường so sánh các công ty tại 2 thị trường (dù đôi khi thổi phồng giá trị). Ứng dụng gọi taxi Uber được định giá 41 tỷ USD vào tháng 12, khiến nhu cầu đầu tư vào 2 ứng dụng gọi xe lớn tại Trung Quốc là Didi Dache và Kuaidi Dache cũng lên cơn sốt. Kết quả là 2 công ty này đã tăng được 1,3 tỷ USD trong vòng huy động vốn mới nhất. Thậm chí, các nhà đầu tư hiện tại nói rằng họ đã tiếp cận được những người mua tiềm năng sẵn sàng trả mức giá gần 10 tỷ USD.

Sự thổi phồng giá trị này càng thu hút những cá nhân và quỹ đầu tư giàu có. Ví dụ điển hình nhất là nhà đầu tư lớn nhất vào Xiaomi trong vòng huy động vốn mới nhất là All-Stars chủ yếu tập hợp những người giàu có tại Trung Quốc.

Các giao dịch mạo hiểm tại Trung Quốc thường đi kèm một vài sự bảo đảm. Cụ thể, các nhà đầu tư thường nhận được một điều khoản đi kèm cho phép họ mua cổ phần tại mức giá rẻ hơn hoặc cho họ cổ phần lớn hơn khi công ty IPO so với giá trị trước đó.

Chính vì vậy, đa phần các nhà đầu tư đều mong chờ đến ngày “hái quả”, tức là thời điểm hãng trở thành công ty đại chúng – một viễn cảnh giống như Alibaba với giá trị IPO kỷ lục 25 tỷ USD trên sàn New York. Đối thủ cạnh tranh của Alibaba là JD cũng đã IPO thành công vào năm trước và tăng hơn 50% kể từ đó.

Điểm thu hút duy nhất của những công ty công nghệ Trung Quốc là ở tốc độ phát triển người dùng rất nhanh.

Các nhà phát triển ứng dụng có vẻ đã tìm ra khoảng trống thích hợp để phục vụ hơn 500 triệu người dùng điện thoại thông minh tại Trung Quốc. Dianping có hơn 190 triệu người dùng mỗi tháng với 85% lượt ghé thăm website trong 1 quý từ người dùng di động. Yelp đã có hơn 136 triệu lượt người ghé thăm trong tháng qua.

Tuy vậy, một thách thức lớn đối với các công ty khởi nghiệp công nghệ Trung Quốc là làm sao để biến số lượng người dùng thành doanh thu và lợi nhuận. 

Hầu hết những công ty này bao gồm cả Dianping đều không công bố chi tiết về tình hình tài chính. Nhà sáng lập Xiaomi là Lei Jun thì nói vào tháng này rằng doanh số bán hàng của họ tăng gấp đôi trong năm qua lên mức 74,3 tỷ NDT (tương đương 11,9 tỷ USD) và họ mong đợi năm nay sẽ tăng lên mức hơn 100 tỷ yuan. Tuy vậy, Xiaomi không tiết lộ lợi nhuận.

Các nhà đầu tư vào Xiaomi thì mong đợi nhà sản xuất điện thoại này có thể tạo ra thêm doanh thu với kho ứng dụng và các dịch vụ đi kèm như game.

“Rủi ro lớn nhất cho các nhà đầu tư là liệu người tiêu dùng Trung Quốc có sẵn sàng trả cho các dịch vụ trực tuyến hay không? Đó thực sự là một câu hỏi lớn”.

>> Xiaomi trở thành công ty khởi nghiệp công nghệ giá trị nhất thế giới

Vân Đàm

Đàm Vân

Cùng chuyên mục
XEM