Bộ Tài chính thay một nửa Ban quản trị của Bảo Việt, Tập đoàn vẫn hoạt động tốt

17/04/2015 17:50 PM | Kinh doanh

Sau 1 năm hoạt động, Bảo Việt vẫn chưa tìm được nhà đầu tư tiềm năng để tăng vốn điều lệ lên hơn 7.200 tỷ đồng. Bên cạnh việc Bộ Tài chính thay một nửa số thành viên Hội đồng Quản trị của Tập đoàn, chỉ tiêu kinh doanh của Tập đoàn đều sụt giảm đáng kể.

Nội dung nổi bật:

- Tân Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Bảo Việt khẳng định: Việc thay một số lãnh đạo cao cấp của Tập đoàn không làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của Bảo Việt. Minh chứng là doanh thu công ty mẹ năm 2014 vẫn đạt 94,6%. Lợi nhuận sau thuế vẫn tăng trưởng 1,5% so với cùng kỳ.

- Tuy nhiên, chỉ tiêu kinh doanh năm 2015 Bảo Việt đặt ra có sự sụt giảm mạnh, đặc biệt là chỉ tiêu lợi nhuận, giảm tới 14,4%

- Việc giảm các chỉ tiêu này, Bảo Việt cho biết có 5 nguyên nhân.


Tại Đại hội cổ đông bất thường Tập đoàn Bảo Việt (Mã chứng khoán: BVH) sáng 17/4, Bộ Tài chính – cổ đông lớn nhất của Tập đoàn với tỷ lệ sở hữu lên tới 70,91% - đã đề cử thay gần một nửa ban quản trị và đã được cổ đông thông qua.

[Xem thêm] Bảo Việt: Chủ tịch và 4 lãnh đạo cấp cao đồng loạt thôi chức từ ngày 23/12

Trước chất vấn của cổ đông liên quan đến việc thay đổi nhân sự cấp cao liên tục của Bảo Việt trong thời gian qua có ảnh hưởng đến hoạt động của Tập đoàn, tân Chủ tịch HĐQT vừa đương nhiệm Đào Đình Thi cho biết: Bảo Việt là Tập đoàn định chế tài chính, hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con và công ty liên kết. Ngoài công ty mẹ, có 3 công ty Tập đoàn sở hữu 100% vốn, 3 công ty con và một số công ty liên kết. Đây là những tổ chức pháp nhân hoạt động kinh doanh độc lập.

Bên cạnh lợi thế quy mô và mạng lưới rộng lớn, số lượng lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Bảo Việt cũng rất đông đảo, với 9 thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT), 8 thành viên Ban điều hành (1 Tổng Giám đốc và 7 Giám đốc khối), và 5 thành viên Ban Kiểm soát.

“Khi có sự thay đổi về lãnh đạo cấp cao, Bảo Việt bầu bổ sung và thay thế kịp thời ngay, để hoạt động kinh doanh của tập đoàn theo đúng quy định của pháp luật” – ông Thi cho biết.

Ông cũng cho hay với việc miễn nhiệm 4 thành viên HĐQT của Bảo Việt (bao gồm cả Chủ tịch HĐQT) mới đây, khi chưa diễn ra ĐHCĐ bất thường thì Bảo Việt đã tạm thời thay thế ngay các vị trí trống.

[Xem thêm] Tập đoàn Bảo Việt: Thêm 3 Giám đốc khối bị miễn nhiệm

“Chúng ta có thể khẳng định, trong thời gian vừa qua, việc thay một số lãnh đạo cao cấp của Tập đoàn không làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của Bảo Việt. Minh chứng là doanh thu công ty mẹ năm 2014 vẫn đạt 94,6%. Lợi nhuận sau thuế vẫn tăng trưởng 1,5% so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ của Công ty Mẹ đạt 16,5%” – ông Thi giải thích.

Vì đâu nhiều chỉ tiêu kinh doanh của Bảo Việt sụt giảm mạnh?

Theo báo cáo của tân Chủ tịch HĐQT Đào Đình Thi tại Đại hội cổ đông thường niên, năm 2014, tổng doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 19.050 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2013. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.627 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.331 tỷ đồng, tăng 7,9% so với năm 2013.

Tuy nhiên, chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn năm 2015 lại sụt giảm. Cụ thể, dự báo doanh thu Tập đoàn 2015 là 18.910 tỷ đồng, bằng 99,3% so với doanh thu năm 2014. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế sụt giảm mạnh, 1.140 tỷ đồng, bằng 85,6% so với lợi nhuận sau thuế năm 2014.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Quang Phi – Tổng Giám đốc mới nhận chức từ tháng 6 năm ngoái của Bảo Việt, cho biết việc điều chỉnh giảm các chỉ tiêu nói trên do 5 vấn đề chính. Cụ thể:

Một là, doanh thu hợp nhất năm 2015 không còn ghi nhận khoản hợp nhất của BaovietBank. Theo quy định, Tập đoàn sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại tổ chức tài chính này. Theo lộ trình, Tập đoàn đã giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 50% (tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn Bảo Việt tại BaovietBank chỉ còn 49,52%), và tương lai còn giảm nữa.

[Xem thêm] Ngân hàng Bảo Việt không còn là công ty con của Tập đoàn Bảo Việt

Hai là, trong những năm vừa qua, Bảo Việt được hưởng lợi nhiều từ hoạt động đầu tư do thị trường tài chính và thị trường vay rất sôi động. Trái phiếu sinh lời ở mức cao hơn rất nhiều so với thời điểm năm 2014 và 2015.

“Thị tường huy động vốn chẳng hạn, trong giai đoạn 2011 - 2012, bình quân chúng ta hưởng lãi suất tiền gửi khoảng 14%. Rất cao! Trong khi lãi suất năm 2014 và dự báo 2015 chỉ ở khoảng 6,5 - 7%. Như vậy, hoạt động đầu tư của chúng ta sẽ bị giảm hiệu quả một nửa nếu đầu tư vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp cũng như tiền gửi” – ông Phi nói.

“Đó là lý do vì sao chỉ tiêu kinh doanh của chúng ta bị giảm mạnh, vì tỷ trọng lợi nhuận từ nguồn đầu tư tài chính rất lớn, chiếm 1/4 hoặc hơn tổng lợi nhuận hợp nhất của Tập đoàn”.

Ba là do chế độ hạch toán. Thông tư 200 của Bộ Tài chính bắt đầu có hiệu lực từ năm 2015. Một số hạch toán đầu vào, thu – chi điều chỉnh, sẽ ảnh hưởng đến bút toán trong hợp nhất.

Bốn là, năm 2015, dự kiến thị trường chứng khoán cơ bản vẫn có xu hướng dùng dằng đi ngang, có lên cũng chỉ ở mức độ nhất định, đây cũng là yếu tố làm giảm kỳ vọng của Bảo Việt về kế hoạch kinh doanh 2015.

Năm là, để đảm bảo phát triển bền vững và chắc chắn trong tương lai dài, HĐQT và Ban Điều hành quyết định từ 2015, chúng ta sẽ tăng cường tái đầu tư cho phát triển, sẽ trích lập các khoản, mục đầu tư theo hướng an toàn nhất có thể. Khi trích lập các khoản đầu tư theo hướng an toàn và bền vững, tất sẽ dẫn đến lợi nhuận có mức ảnh hưởng nhất định.

“Lợi nhuận 2015 có thể giảm một chút, nhưng năng lực, sức mạnh tài chính sẽ được gia cố. Về nguyên tắc, khoản lợi nhuận đó không mất đi đâu mà vẫn có lợi cho cổ đông” – ông Phi cho biết.

“Nếu loại trừ những yếu tố nói trên, doanh thu hợp nhất của Bảo Việt năm 2015 tối thiểu vẫn sẽ tăng trưởng trên 8%, lợi nhuận sau khi loại bỏ những yếu tố khách quan, sẽ tăng ở mức xấp xỉ 7%, chứ thực tế không phải giảm”.

Chưa tăng được vốn điều lệ

Theo Nghị quyết ĐHCĐ năm 2014, Tập đoàn sẽ tăng vốn bằng phương thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ với số lượng từ 40 – 61,5 triệu cổ phần. Tương ứng với số lượng phát hành trên, số vốn điều lệ của Bảo Việt dự kiến tăng thêm 400 – 615 tỷ đồng, lên tới 7.205 - 7.420 tỷ đồng.

“Do một số vấn đề liên quan đến sự lựa chọn, tiêu chí, sự quan tâm nên lộ trình này không đúng tiến độ chúng ta đặt ra” – Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Việt Nguyễn Quang Phi cho biết.

Theo ông Phi, đến thời điểm này,Bảo Việt đã chọn được một trong số rất nhiều đối tác tiềm năng, và đang hợp tác với họ để làm thủ tục định giá Bảo Việt trước khi đầu tư. “Nếu không có gì thay đổi, Tháng 6 hoặc Tháng 8 năm nay sẽ có quyết định cuối cùng về đối tác tiềm năng này” – ông Phi nói.

>> Các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam 'đổ bộ' sang xứ Lào

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM