Bầu cử Tổng thống Mỹ: Cuộc chạy đua khốc liệt diễn ra thế nào?

18/06/2015 12:17 PM | Kinh doanh

Từ trước tới nay, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng luôn là sự kiện gây chú ý và tốn nhiều giấy mực nhất trên thế giới. Dưới đây là một số nét đặc trưng và luật lệ bầu bán của sự kiện này.

Dù còn gần 1 năm nữa sự kiện tranh cử tổng thống Mỹ kỳ tiếp theo mới diễn ra nhưng việc bà Hilary Clinton và ông trùm bất động sản Donald Trump chính thức tuyên bố ra tranh cử cho nhiệm kỳ mới vào năm 2016 đã khiến bầu không khí của sự kiện này trở nên nóng hơn bao giờ hết.

Quy trình bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra 4 năm một lần. Bắt đầu từ khoảng tháng 1 với hàng loạt cuộc bầu cử sơ bộ lần lượt được tổ chức trên toàn nước Mỹ để từng đảng chính trị chọn ra người đại diện tranh chức Tổng thống trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11.

Từ trước tới nay, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng luôn là sự kiện gây chú ý và tốn nhiều giấy mực nhất trên thế giới. Dưới đây là một số nét đặc trưng và luật lệ bầu bán của sự kiện này:

Những ai được ra tranh cử?

Theo Hiến pháp Mỹ, mọi công dân sinh ra trong lãnh thổ nước này và có tuổi đời ít nhất là 35 đều có thể trở thành tổng thống. Tuy nhiên, còn có một điều kiện “ngầm” khác đó là người này phải thực sự giàu có và quyền lực. Lý do là bởi, cuộc chạy đua dài hơi vào Nhà Trắng tiêu tốn một số tiền không hề nhỏ, lên đến hàng tỷ USD.

Chính vì vậy, dựa vào vốn liếng cá nhân của các ứng viên là chưa đủ. Những người này còn phải phát huy khả năng huy động tiền mới đủ trang trải được hết những việc cần làm. Tốn kém là vậy, nhưng mỗi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ luôn diễn ra hết sức sôi sục với những màn vung tiền không e ngại của các ứng cử viên.

Cụ thể, năm 2008 mức chi phí là gần 750 triệu USD, năm 2004 là 717,9 triệu USD và năm 2000 là 343,1 triệu USD. Có rất nhiều việc cần phải làm để dùng đến số tiền lớn đến vậy, gồm trả lương cho ê kíp vận động tranh cử, chi phí hoạt động truyền thông, quảng cáo, đi lại…

Bà Hillary và tỷ phú Donald Trump đã chính thức tuyên bố tranh cử tổng thống vào năm 2016.

Thông thường, vào thời điểm người dân Mỹ đi bỏ phiếu, danh sách ứng viên tổng thống có thể có rất nhiều nhưng người ta thường chỉ quan tâm đến hai gương mặt đại diện cho 2 chính đảng độc chiếm nền chính trị nước này là đảng Con voi (Cộng hòa)Con Lừa (Dân chủ). Một số đảng phái nhỏ lẻ khác gồm Đảng Trà (Tea Party), đảng Xanh (Green Party), đảng Cấm đoán (Prohibition Party) thường chỉ tham gia… cho vui.

Quy trình bầu cử Tổng thống Mỹ trải qua các giai đoạn như sau:

Giai đoạn khởi đầu

Một chính trị gia có tham vọng trở thành tổng thống Hoa Kỳ sẽ thành lập một uỷ ban. Uỷ ban này sẽ tìm hiểu, thăm dò triển vọng của vị chính trị gia đó và quyên góp tiền bạc để vận động tranh cử. Nếu như không giành được sự quan tâm của cử tri, thì họ sẽ tự động rút lui. Nếu kết quả khả quan thì họ sẽ ra ứng cử tổng thống.

Giai đoạn vận động ứng cử

Đây là giai đoạn các ứng viên (thuộc cùng một đảng) cạnh tranh trong nội bộ đảng để được chọn là ứng viên duy nhất ra tranh chức Tổng thống với đảng khác. Các ứng viên tổ chức vận động ở các tiểu bang để kêu gọi cử tri ủng hộ mình. Tại mỗi bang, cử tri chọn ra đại diện của tiểu bang đi dự đại hội đảng này trên toàn nước Mỹ. Có hai cách thức chọn đại diện:

Một số bang chọn cách bỏ phiếu kín (còn gọi là Caucus): Ban lãnh đạo đảng họp kín tại trường học, nhà riêng hay một nơi nào đó để chọn ra đảng viên tích cực; những người được chọn đã tuyên bố ủng hộ ứng viên nào.

Một số bang chọn cách thức bầu cử sơ bộ (hay gọi là Primary): Những cử tri có đăng ký bỏ phiếu chọn đại diện tham dự đại hội đảng.

Giai đoạn tổ chức đại hội

Đại hội đảng tổ chức vài tháng trước cuộc bầu cử Tổng thống để chọn ứng viên ra tranh chức tổng thống. Thường thì trước khi diễn ra đại hội người ta đã biết ứng viên nào được tuyển chọn dựa vào các cuộc vận động của các ứng viên tại các tiểu bang.

Ứng viên chiến thắng sẽ chọn một người cùng ra tranh chức Phó tổng thống, thường là một trong số những người thua cuộc.

Giai đoạn vận động tranh cử

Đây là giai đoạn quyết định trong quá trình tranh cử tổng thống. Đây là thời điểm ứng viên của hai đảng (Dân chủ và Cộng hoà) đối đầu trực tiếp với nhau.

Họ phải chi những khoản tiền khổng lồ cho cuộc vận động. Hai ứng viên tổ chức những hoạt động quảng cáo, tuyên truyền nhằm lôi kéo sự ủng hộ. Và cử tri cũng rất quan tâm tới các cuộc tranh luận trên truyền hình giữa hai ứng viên.

Đa số các bang đã thể hiện sự ủng hộ cho ứng viên nào. Tuy nhiên, một vài bang đến giờ chót vẫn chưa thể hiện sự ủng hộ cho ứng viên nên được gọi là "bang giờ chót". Vài tuần cuối trước khi bầu cử, các ứng viên sẽ tập trung vận động ở các bang này.

Giai đoạn bầu cử

Cuộc bầu chọn tổng thống Hoa Kỳ được tổ chức vào ngày thứ Ba sau thứ Hai đầu tiên của tháng 11. Tổng số đại cử tri của Hoa Kỳ là 538 người. Một ứng viên muốn trở thành tổng thống phải giành được số phiếu tối thiểu là 270.

Ở các tiểu bang, ứng viên nào giành được nhiều nhất phiếu cử tri thì giành được toàn bộ phiếu của cử tri đoàn.

Luật lệ bầu cử

Tổng thống và Phó Tổng thống là những quan chức đứng đầu cơ quan hành pháp của Chính phủ Liên bang với nhiệm kỳ 4 năm. Tổng thống và Phó Tổng thống được bầu theo thể thức sau:

- Tổng thống và Phó Tổng thống do các Đại cử tri (Elector) của các bang bầu chọn chứ không phải do dân bầu trực tiếp.

- Mỗi bang sẽ cử ra một số đại cử tri bằng đúng tổng số Thượng nghị sỹ và Hạ nghị sỹ của bang. Tuy nhiên sẽ không có bất kỳ Thượng nghị sỹ, Hạ nghị sỹ hoặc quan chức nào đang đảm nhiệm chức vụ được bầu làm đại cử tri.

- Các đại cử tri sẽ nhóm họp trong từng bang để bầu Tổng thống và Phó Tổng thống bằng lá phiếu của mình. Tổng thống và Phó Tổng thống không được là cư dân trong cùng một bang.

- Khi bầu chọn sẽ có hai lá phiếu khác nhau: phiếu bầu Tổng thống và phiếu bầu Phó Tổng thống.

- Kết quả bầu cử sẽ được chuyển lên Chính phủ Liên bang và trình lên Chủ tịch Thượng viện bằng hai văn bản: một bản là danh sách các ứng cử viên Tổng thống và bản còn lại là danh sách ứng cử viên Phó Tổng thống với số phiếu bầu tương ứng.

- Chủ tịch Thượng viện, trước sự chứng kiến của Thượng viện và Hạ viện, sẽ mở tất cả các hồ sơ đã được chứng nhận trước khi bắt đầu kiểm phiếu.

Người có số phiếu bầu cao nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống và vượt quá 50% số phiếu đại cử tri (quá bán tối thiểu 270 ghế trong tổng số 538 phiếu đại cử tri) sẽ đắc cử Tổng thống. Tương tự với chức vụ Phó Tổng thống.

Trong trường hợp không có ai đắc cử:

- Nếu không có ai đạt số phiếu đắc cử Tổng thống, Hạ viện sẽ ngay lập tức bỏ phiếu bầu Tổng thống trong những người có số phiếu cao nhất (nhưng không quá 3 người). Trong trường hợp này, việc bỏ phiếu sẽ được tính theo các bang với đại diện của mỗi bang có 01 phiếu bầu.

- Với chức danh Phó Tổng thống, cơ quan bầu chọn trong trường hợp này sẽ là Thượng viện. Thượng viện sẽ chọn 02 người có số phiếu cao nhất để bầu ra Phó Tổng thống. Thượng viện chỉ có thể bầu Phó Tổng thống khi có tối thiểu 2/3 tổng số Thượng nghị sỹ.

Dù đây là trường hợp vô cùng hiếm nhưng trong lịch sử các buộc cầu cử Tổng thống Mỹ đã có hai lần: Hạ viện chọn Tổng thống trong năm 1825 và Thượng viện đã chọn Phó Tổng thống trong năm 1837..

Trở thành tổng thống Mỹ - Chức vụ quyền lực nhất thế giới

Hiến pháp Mỹ quy định, Tổng thống mới đắc cử sẽ nhậm chức vào trưa ngày 20/1 của năm sau đó, cũng là thời điểm chấm dứt nhiệm kỳ của Tổng thống cũ. Lễ nhậm chức Tổng thống được tiến hành tại Nhà Trắng ở thủ đô Washington.

Mỗi nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ kéo dài 4 năm, và theo điều bổ sung sửa đổi Hiến pháp được thông qua ngày 27/2/1951, mỗi Tổng thống chỉ có thể được tại nhiệm không quá hai nhiệm kỳ.

Trên thực tế trước khi có quy định này, trong lịch sử Mỹ chỉ có một người đắc cử Tổng thống 3 nhiệm kỳ liên tiếp là Franklin Roosevelt (từ 1933 – 1945).

Năm người đắc cử 2 nhiệm kỳ liên tiếp gồm Dwight D.Eisenhower (1952-1959), Richard Nixon (1969-1975), Ronald Reagan (1980-1987), Bill Clinton (1992-2001), George Walker Bush (2001-2009), Barack Obama (2008 – 2016).

Tổng thống đương nhiệm của Mỹ hiện nay là ông Obama.

Hiến pháp quy định rằng Tổng thống phải "chăm lo để cho luật pháp được thực hiện một cách nghiêm minh". Để gánh vác trách nhiệm này, Tổng thống chủ trì ngành hành pháp của Chính quyền Liên bang - một tổ chức rộng lớn gồm tới bốn triệu người, trong đó có một triệu quân nhân tại ngũ. Ngoài ra Tổng thống còn có những quyền quan trọng về lập pháp và tư pháp.

Quyền hành pháp

Trong bản thân ngành hành pháp, Tổng thống có những quyền hạn rộng lớn để điều hành công việc quốc gia và các hoạt động của Chính quyền Liên bang. Tổng thống có thể ban hành các quy định, quy chế và chỉ thị, được gọi là những chế tài hành pháp, có hiệu lực bắt buộc của luật pháp đối với các cơ quan Liên bang mà không cần có sự tán thành của Quốc hội. Là tổng chỉ huy của các lực lượng vũ trang Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Tổng thống cũng có thể huy động các đơn vị Cận vệ quốc gia của bang phục vụ cho Liên bang.

Tổng thống cũng có quyền bổ nhiệm - và Thượng viện phê chuẩn - người đứng đầu tất cả các bộ và các cơ quan hành pháp, cùng với hàng trăm quan chức cao cấp Liên bang khác.

Quyền lập pháp

Mặc dù Hiến pháp quy định "mọi quyền lập pháp" phải được trao cho Quốc hội, nhưng Tổng thống, với tư cách người hoạch định chủ yếu chính sách công cộng, vẫn có một vai trò lập pháp quan trọng. Tổng thống có thể phủ quyết bất kỳ một dự luật nào đã được Quốc hội thông qua và trừ khi có 2/3 thành viên trong mỗi viện phủ quyết để gạt bỏ sự phủ quyết của Tổng thống, dự luật đó sẽ không bao giờ trở thành luật.

Quyền tư pháp

Trong số các quyền hợp hiến của Tổng thống có quyền bổ nhiệm các quan chức chính quyền quan trọng. Sự bổ nhiệm của Tổng thống đối với các thẩm phán Liên bang, kể cả các thành viên của Tòa án Tối cao, phải được sự phê chuẩn của Thượng viện.

Một quyền quan trọng nữa là ban bố lệnh ân xá hoàn toàn hay có điều kiện cho bất kỳ ai đã bị kết tội vi phạm luật pháp Liên bang - trừ trường hợp còn nghi vấn. Quyền ân xá bao hàm trong đó quyền rút ngắn thời hạn bị tù và giảm bớt tiền phạt.

Quyền trong các vấn đề đối ngoại

Theo Hiến pháp, Tổng thống là quan chức Liên bang chịu trách nhiệm tối cao về các mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với các nước khác. Tổng thống bổ nhiệm các đại sứ, công sứ và lãnh sự - với sự phê chuẩn của Thượng viện, - tiếp nhận các đại sứ và các quan chức nhà nước khác của nước ngoài.

Cùng với Bộ trưởng Ngoại giao, Tổng thống điều hành tất cả các mối liên hệ chính thức với các Chính phủ nước ngoài. Tổng thống còn có quyền đàm phán "các hiệp định hành pháp" với những cường quốc nước ngoài mà không cần đến sự phê chuẩn của Thượng viện.

Có thể nói, Tổng thống là trung tâm của nền chính trị Mỹ. Tổng thống có quyền lực rất lớn trong lĩnh vực đối ngoại và quân sự, nhưng thường không mạnh trong các quyết sách về đối nội vì còn phải tùy thuộc vào Quốc hội. Thông thường, Tổng thống chỉ đạt được những mục tiêu về chính sách đối nội khi vị này thuyết phục được Quốc hội và các chính đảng rằng lợi ích của họ trong trường hợp này là tương đồng.

Để giám sát quyền lực của Tổng thống, Phó Tổng thống và các quan chức cao cấp khác trong chính phủ, Hiến pháp Mỹ quy định Hạ viện có quyền luận tội những người này, còn Thượng viện có quyền xét xử.

Trong lịch sử nước Mỹ, đã có 2 Tổng thống bị luận tội, nhưng đều vượt qua được. Đó là Tổng thống Andrew Johnson và Tổng thống Bill Clinton. Ngoài ra, còn có Tổng thống Richard M. Nixon, nhưng ông đã từ chức trước khi bị luận tội vì vụ bê bối Watergate .

Lương và tiêu chuẩn chế độ tổng thống Mỹ:

Hiện nay, lương của Tổng thống Mỹ là 400.000 USD/năm (chưa đóng thuế), trợ cấp chức vụ 50.000 USD/năm (không phải đóng thuế); trợ cấp du lịch 100.000 USD/năm và chi phi tiếp khách chính thức 19.000 USD/năm (cả hai khoản này cũng không chịu thuế).

Ngoài lương bổng, Tổng thống Mỹ còn được các tiêu chuẩn chế độ khác như:

- Nếu công du bằng máy bay: Tổng thống Mỹ có sẵn văn phòng trên 2 chuyên cơ Boeing 747 được thiết kế đặc biệt dành riêng. Khi Tổng thống có mặt trên chuyên cơ nào, chuyên cơ đó sẽ phát tín hiệu “Không lực Một” (Air Force One) giúp các trạm kiểm soát không lưu phân biệt máy bay chở Tổng thống với các máy bay khác.

Siêu xe chở tổng thống Mỹ trong một lần xuất hiện.

Khi Tổng thống dùng trực thăng (thường là của hải quân), chiếc trực thăng này cũng sẽ phát tín hiệu “Hải quân Một” (Marine One, hay còn gọi là Thuỷ quân Lục chiến Một) cũng với mục đích tương tự.

- Nếu di chuyển bằng đường bộ: Tổng thống được chở trên một chiếc Limousine Cadillac bọc thép có toàn bộ các cửa kính và bánh xe chống đạn. Chiếc xe này được lắp đặt hệ thống điều hoà không khí đặc biệt để đề phòng trường hợp bị tấn công bằng vũ khí sinh học hoặc hoá học.

Sau khi rời chức vụ, Tổng thống cùng gia đình được Cơ quan Mật vụ bảo vệ tối đa thêm 10 năm nữa. Quy định này được áp dụng kể từ thời Tổng thống George Bush. Trước đó, tất cả các cựu Tổng thống và gia đình của họ đều được bảo vệ cho tới khi Tổng thống qua đời.

Ngoài ra, sau khi rời chức vụ Tổng thống còn được nhận tiền lương hưu, một văn phòng làm việc và một ban nhân sự. Tiền lương hưu của các cựu Tổng thống đã được tăng nhiều lần thông qua sự chấp thuận của Quốc hội.

Tuy nhiên, theo chia sẻ mới đây của tổng thống Obama thì cuộc sống trong Nhà Trắng không phải lúc nào cũng “màu hồng”.

Có rất nhiều thứ mà Tổng thống Mỹ Obama không được phép làm. Ví dụ như, tổng thống Obama chỉ được dùng điện thoại BlackBerry bởi lẽ có một số công nghệ trong chiếc iPhone ông không được phép sử dụng. Và phải đến tháng Năm vừa qua, Obama mới có một tài khoản Twitter cho riêng mình, mang tên @POTUS — president of the United States.

Trong chương trình, Obama cho biết ông không được phép tự lái xe đi đâu và đùa về một lần ông ăn trộm chìa khóa xe điện và lái xe xung quanh bãi cỏ phía nam khiến mật vụ hoảng hốt. Vào mùa hè khi ban ngày bắt đầu sớm hơn so với mùa đông vài tiếng đồng hồ, Obama cũng không được phép chỉnh lại đồng hồ. Thay vào đó, một nhân viên sẽ có nhiệm vụ chỉnh lại chiếc đồng hồ cạnh giường ông cho đúng.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM