Bao giờ ngân hàng và bảo hiểm 'bắt tay' nhau?

04/04/2013 15:32 PM | Kinh doanh

Để ngân hàng và bảo hiểm bắt tay nhau cùng tạo nên lợi ích tổng thể là không dễ dàng, tương tự như việc huấn luyện một đội bóng toàn ngôi sao cùng nhìn về một hướng.

Hiệu quả tương đối

Với tiềm lực của mình, Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank đã thành lập các công ty bảo hiểm lần lượt là ABIC, BIC, Vietcombank-Cardif và Bảo Ngân. Trong đó, ABIC, BIC và Bảo Ngân hoạt động trong lĩnh vực phi nhân thọ, còn Vietcombank-Cardif là công ty bảo hiểm nhân thọ.

Cũng có ngân hàng cổ phần tham gia lĩnh vực này, như trường hợp SHB là cổ đông sáng lập của Bảo hiểm SHB-Vinacomin (SVIC). Với cơ số khách hàng, tiềm lực tài chính hùng mạnh của bốn "đại gia" Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank, đương nhiên các công ty bảo hiểm trong hệ thống sẽ được hưởng vô số lợi thế.

Nhưng để cân đong các lợi thế và đánh giá thực tế khả năng chuyển hóa lợi thế như thế nào thì còn có nhiều vấn đề đáng bàn. Các công ty bảo hiểm nằm trong tổng thể một định chế tài chính thì phải phát triển theo chiến lược chung chứ không thể đi riêng.

Nếu trong trường hợp ngân hàng mẹ chưa có ý định đẩy mạnh lĩnh vực bảo hiểm thì công ty con dù muốn phát triển nhanh đi chăng nữa cũng vẫn phải... từ từ.

Cho đến thời điểm hiện nay, cũng chỉ mới có BIC niêm yết trên thị trường chứng khoán, các công ty còn lại hoặc chưa niêm yết hoặc vẫn chỉ là công ty TNHH nên cơ hội để đọc các tài liệu như báo cáo tài chính, báo cáo thường niên cũng hạn chế.

Nếu chỉ căn cứ vào các yếu tố như thông tin, sức lan tỏa của thương hiệu thì các công ty bảo hiểm trực thuộc ngân hàng nói trên vẫn còn khá lặng lẽ, trầm lắng. Nhưng cũng không vì vậy mà vội vã kết luận kém hiệu quả hay chưa hiệu quả.

Vì hiệu quả cần phải được đánh giá trong tổng thể hoạt động của cả hệ thống. Đơn cử, nếu ngân hàng mẹ xem việc thành lập công ty bảo hiểm để tạo nên một hệ thống các công ty con, đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh thì đó là thành công. Công ty bảo hiểm trong trường hợp này đã góp phần đánh bóng tên tuổi và củng cố uy tín, sức mạnh cho ngân hàng mẹ.

Cơ hội và bắt buộc

Vài năm gần đây, khái niệm bancassurance bắt đầu xuất hiện, gợi mở cơ hội về sự hợp tác ngân hàng-bảo hiểm. Bancassurance là việc các ngân hàng tham gia trong lĩnh vực phân phối các sản phẩm của công ty bảo hiểm hoặc có thể nói ngược lại là các công ty bảo hiểm triển khai các sản phẩm của mình thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.

Nếu dựa trên định nghĩa này thì thật ra, bancassurance đã được triển khai từ khá lâu, chẳng hạn đóng tiền bảo hiểm thông qua ngân hàng nhưng đây chỉ là sản phẩm, nghiệp vụ đơn giản.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường năm 2012 ước đạt 40.858 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2011; trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 22.942 tỷ đồng, tăng 11,5% và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 17.916 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2011.
BaoViet Bank, với cổ đông sáng lập là Tập đoàn Bảo Việt, một "đại gia" trong lĩnh vực bảo hiểm, có thể nói là một trong những đơn vị tiên phong trong việc giới thiệu bancassurance đến với khách hàng.

Truy cập vào webiste của BaoViet Bank, có thể nhận thấy một chuyên mục riêng về các sản phẩm của bancassurance như bảo hiểm nhà tư nhân, bảo hiểm sức khỏe, tiết kiệm các loại...

Chẳng hạn BaoViet Bank triển khai gói sản phẩm cho vay mua nhà kết hợp với dịch vụ bảo hiểm để được hưởng nhiều dịch vụ ưu đãi, nhiều tiện ích gia tăng. Hay như BIC, cũng được đánh giá là khá năng động trong vài năm gần đây trong việc triển khai bancassurance với cổ đông lớn BIDV.

Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, bancassurance vẫn chưa xuất hiện quá nhiều trên thị trường để khách hàng biết đến, có nhiều cơ hội chọn lựa. Để có thể tiêu thụ sản phẩm, khách hàng trước tiên cần phải biết rõ, cần quá trình để "thấm" và điều này có lẽ cần thêm thời gian.

Chừng nào bancassurance sẽ phổ biến để đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng cũng như chính các ngân hàng và công ty bảo hiểm? Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào cả cung lẫn cầu. Nhưng ở đây cần lưu ý đến một điều, các ngân hàng giờ đây đã xác định sẽ phải tập trung hơn nữa trong việc phát triển mảng bán lẻ, dịch vụ.

Như vậy, nếu phát triển bancassurance cũng có nghĩa là ngân hàng có thêm một sản phẩm để kéo khách hàng đến với mình. Đây chính là lợi thế rất lớn với các ngân hàng, nhất là những ngân hàng đã sở hữu công ty bảo hiểm. Mong rằng thời gian tới sẽ chứng kiến những sự lột xác thật sự từ các công ty bảo hiểm này.

Theo Minh Triệu

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM