Bão cắt giảm ở Standard Chartered: 2.000 nhân viên sẽ ra đường

09/01/2015 10:28 AM | Kinh doanh

Standard Chartered tuyên bố đóng mảng kinh doanh chứng khoán và lên kế hoạch cắt giảm 2.000 nhân sự trong nỗ lực vực dậy công ty của CEO Peter Sands.

Đóng mảng kinh doanh đang làm ăn thua lỗ là chứng khoán, nghiên cứu thị trường chứng khoán và tư vấn phát hành chứng khoán sẽ khiến 200 nhân viên mất việc và tiết kiệm được 100 triệu USD cho đến năm 2016, tuyên bố chính thức của ngân hàng Standard Chartered nói. Nó sẽ vẫn giữ mảng kinh doanh trái phiếu chuyển đổi và nghiệp vụ chứng khoán phái sinh cùng những nghiệp vụ phân tích thị trường trái phiếu và giao dịch ngoại tệ.

CEO Peter Sands.

CEO Sands hiện 53 tuổi đã lên kế hoạch cắt giảm 400 triệu USD chi phí trong năm nay để đối phó với tình trạng sụt giảm lợi nhuận dẫn tới giá cổ phiếu lao dốc mạnh nhất trong 6 năm trong năm 2014 của Standard Chartered.

“Cổ phiếu đã tăng ngày hôm nay nhưng tuyên bố này không đủ để thuyết phục các nhà đầu tư rằng ngân hàng này đang dần hồi phục. Chúng tôi cần một tuyên bố rõ ràng hơn từ ban lãnh đạo về cách thức họ sẽ làm trong thời gian tới”, Jim Antos – một chuyên gia phân tích đến từ công ty có trụ sở tại Hong Kong là Mizuho Securities Asia nói.

Cổ phiếu của Standard Chartered đã tăng 2,6%, mức tốt nhất trong gần 3 tuần lên mức 114,7 USD Hong Kong vào 3h19 (giờ Hong Kong) trên sàn giao dịch Hong Kong. Cổ phiếu của hãng đã giảm 33% tại Hong Kong vào năm ngoái.

Cắt giảm mảng bán lẻ

Standard Chartered tuyên bố, khoảng 1 nửa kế hoạch cắt giảm năm nay sẽ đến từ mảng ngân hàng bán lẻ. Cụ thể họ đã cắt giảm khoảng  2.000 việc làm trong 3 tháng qua khi tập trung vào những thành phố trọng điểm và tăng tốc chuyển đổi thành ngân hàng kỹ thuật số. Thậm chí trong năm 2015, có thể hãng sẽ tiếp tục cắt giảm thêm 2.000 việc làm nữa. Nó cũng đã đóng cửa 22 chi nhánh nửa cuối năm 2014 trong mục tiêu cắt giảm từ 80-100 chi nhánh được tuyên bố trước đó.

Người phát ngôn của Standard Chartered cũng cho biết, việc cắt giảm nhân sự trong mảng kinh doanh chứng khoán sẽ diễn ra hầu hết ở châu Á. Dĩ nhiên, Hong Kong sẽ là nơi có số lượng lớn nhất, bên cạnh đó các nhân viên đến từ Singapore, Ấn Độ, Hàn Quốc và Indonesia cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Hãng này nhấn mạnh trong tuyên bố rằng động thái lần này là để tồn tại và tái cấu trúc những hoạt động kinh doanh “không cốt lõi”. Năm ngoái ngân hàng này đã thông báo sẽ bán hoặc đóng cửa những mảng kinh doanh như cho vay tiêu dùng tại Trung Quốc, Hồng Kông, Đức và Hàn Quốc, ngân hàng bán lẻ tại Li Băng và ngân hàng tư nhân tại Geneva.

Hiện Standard Chartered đang có 900 chi nhánh tại Châu Á trong tổng số 1.600 chi nhánh trên toàn thế giới.

Cắt giảm số lượng lớn nhân sự tại Malaysia

Theo tài liệu thu thập được của Bloomberg thì Standard Chartered cũng sẽ cắt giảm 11% nhân sự tại Malaysia trong quý này, hầu hết ở những bộ phận gồm tiếp thị và ngân hàng bán lẻ. Tuy vậy, ngân hàng này đã từ chối đưa ra bình luận.

Các nhà đầu tư nên cảm thấy an tâm hơn khi Standard Chartered đang tiến hành các bước cắt giảm chi phí. Họ đang đi đúng hướng khi tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi”, Edmond Law – chuyên gia phân tích đến từ công ty UOB-Kay Hian có trụ sở tại Hong Kong nói.

Doanh thu của ngân hàng này bị ảnh hưởng nặng nề trong bối cảnh giá hàng hóa giảm và sự suy giảm kinh tế trên toàn châu Á – khu vực vốn mang lại 3/4 lợi nhuận cho Standard Chartered. Lợi nhuận trước thuế của hãng này cũng giảm 16% trong quý 3 xuống mức 1,53 tỷ USD do tỷ lệ nợ xấu tăng lên gần gấp đôi trong khi chi phí quản lý và vận hành cũng tăng.

Bước đi “cần thiết”

Đóng hoạt động kinh doanh chứng khoán là “một động thái cần thiết trong kế hoạch kiểm soát chi phí”, Hugh Young – Giám đốc Aberdeen Asset Management Plc, công ty có trụ sở tại Singapore nói. Công ty này cũng sở hữu 10,9% cổ phần của Standard Chartered theo dữ liệu của Bloomberg.

Động thái đóng cửa kể trên cho thấy Standard Chartered đã "nản" với nỗ lực mở rộng mảng kinh doanh chứng khoán bao gồm cả việc mua lại Cazenove Asia từ JPMorgan Cazenove trước đó. Cazenove Asia có 150 nhân viên tính đến cuối năm 2007 bao gồm 30 chuyên gia phân tích tại Singapore và Hong Kong.

Standard Chartered xếp thứ 49 trong bảng xếp hạng các công ty kinh doanh nghiệp vụ bảo lãnh chứng khoán, phát hành cổ phiếu và các chứng chỉ quỹ vào năm ngoái. Những đối thủ cạnh tranh gồm Barclays và HSBC lần lượt xếp ở vị trí thứ 9 và 11. Tại châu Á, trừ Nhật Bản Standard Chartered xếp thứ 16.

Việc đóng cửa mảng kinh doanh chứng khoán phản ánh sai lầm trong chiến lược của Standard Chartered. Mặc dù thực tế đang có mạng lưới chi nhánh tốt tại châu Á nhưng họ không thể kiếm được tiền từ mảng kinh doanh này”, David Fergusson – Giám đốc đầu tư của công ty có trụ sở tại Singapore là Woodside Holdings Investment Management nói.

>> Standard Chartered rót 35 triệu USD vào Golden Gate Group

Vân Đàm

Đàm Vân

Cùng chuyên mục
XEM