Bán mình cho đại gia Thái – Vận may của PICO?

16/06/2015 10:32 AM | Kinh doanh

Những lấp lửng trong câu trả lời giữa đại diện PICO khiến nhiều người tin rằng, thực sự có một thương vụ mua bán đang được tiến hành.

Trả lời chính thức trên báo chí, bà Vũ Thị Ngọc Huệ, đại diện truyền thông phía Pico trả lời: "Việc bán cổ phần (nếu có) lẽ ra sẽ phải là tin vui được công bố từ chính Pico chứ không phải bởi những bên thứ 3 khác".

Trong một bài phỏng vấn khác với chúng tôi hồi giữa tháng 3 năm nay, đại diện chuỗi điện máy phía Bắc này cũng đề cập đến một diện mạo mới cho PICO, một thay đổi đủ sức giúp PICO trở thành thế lực cạnh tranh trên thị trường điện máy.

"Việc hợp tác được với DN nước ngoài là một thành công lớn, chứng tỏ DN nội đó có đủ năng lực. PICO sẽ không từ chối bất cứ một cơ hội nào", bà Huệ cho biết.

Nỗi niềm kẻ bán

Nếu Nguyễn Kim là DN điện máy mạnh nhất ở khu vực phía Nam thì PICO lại thành danh trên đất Bắc.

Năm 2007, khi người dân Hà Nội vẫn còn quen với việc mua sắm hàng điện máy ở những cửa hàng trên các “phố điện máy” như Hai Bà Trưng, PICO đi tiên phong trong việc mở ra những siêu thị điện máy – diện tích rộng, hàng hóa đa dạng và chính hãng. Gia nhập thị trường từ rất sớm, PICO nhanh chóng gặt hái thành công. Theo một chuyên gia trong ngành hàng này, buôn bán hàng điện máy thời điểm đó là mô hình kinh doanh siêu lợi nhuận, với tỉ suất lợi nhuận có thể lên tới 30%, thậm chí là 40%.

4 siêu thị điện máy PICO có vị trí đẹp ở Hà Nội lần lượt ra đời. Ngoài lĩnh vực điện máy, DN này còn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với PICO Mall (Hà Nội) và PICO Plaza (Tp Hồ Chí Minh).

Tuy nhiên, việc ngày càng có nhiều tên tuổi tham gia ngành này khiến kinh doanh hàng điện máy không còn lãi như trước. Lần lượt Mediamart, Nguyễn Kim, Topcare, Trần Anh, HC, Vinpro… xuất hiện, trong khi nhu cầu dòng hàng điện máy dần bão hòa ở các thành phố lớn khiến không ít các thương hiệu lao đao.

Từng là người đi đầu nhưng PICO lại tỏ ra hụt hơi. Tốc độ mở rộng của chuỗi điện máy này không bằng đối thủ. Hiện tại, PICO chỉ có 4 trung tâm trên địa bàn Hà Nội. 3 địa điểm mới được PICO mở ở vùng ngoại thành hồi năm ngoái chỉ là sang nhượng tên chứ không phải là bỏ vốn đầu tư địa điểm mới.

Năm 2013, doanh thu của PICO đạt 2,5 nghìn tỉ đồng, ở mức trung bình so với các tên tuổi khác.

Đại diện phía PICO cho biết, việc PICO không mở rộng mà hướng tới tăng trưởng ổn định và lợi nhuận đảm bảo. Trước việc bị cạnh tranh gay gắt, PICO cho biết sẽ đặt chỉ tiêu 2015 ở mức “vừa phải” .

Tuy nhiên, việc PICO bán dần các mảng kinh doanh của mình, đầu tiên là bán mảng bất động sản với PICO Plaza (Hà Nội) cho tập đoàn Lotte của Hàn Quốc, và tới đây nhiều khả năng sẽ là mảng điện máy cho thấy công việc kinh doanh của công ty này không đạt đúng kỳ vọng đề ra.

Thị trường điện máy ở Hà Nội những năm gần đây được xem là chiến trường vô cùng khắc nghiệt. Một số đơn vị điện máy như Topcare, Homeone đã phải đóng cửa vì thua lỗ. Trần Anh, sau khi chạy theo mô hình này, cũng bị lỗ nhiều năm liền và chỉ lãi có vỏn vẹn 3,9 tỉ đồng trên doanh thu hơn 2.400 tỉ đồng trong năm 2014.

Nguyên nhân lớn nhất được đặt ra đó là các DN điện máy phía Bắc chỉ cạnh tranh với nhau về giá. Những đặc điểm về thương hiệu, chất lượng, độ tin cậy, nhãn hàng gần như không có sự khác biệt. Ngoại trừ Nguyễn Kim vẫn duy trì được mức giá cao hơn so với đối thủ (DN này cũng đã phải thay đổi và đua giá bán khi ra thị trường phía Bắc), các DN còn lại chỉ có cách giảm giá thành.

Kết quả của cuộc chiến về giá là những DN không đủ vốn để duy trì lần lượt ra đi. Tới thời điểm hiện tại, biên lợi nhuận của các chuỗi siêu thị điện máy chỉ đạt mức 5% đã được coi là lý tưởng. Mặc dù vậy, không có nhiều DN đạt được con số này.

Lãnh đạo của một DN bán lẻ cho biết, để thành công với bất kỳ mô hình chuỗi nào, yếu tố quan trọng nhất là đạt đến được một số lượng cửa hàng nhất định. Tuy nhiên, việc mở thêm các chuỗi siêu thị điện máy tại Hà Nội không hề dễ dàng. Rất khó để thuê được những mặt bằng trên 1.000m2 tại khu vực trung tâm, chi phí mặt bằng đắt đỏ công thêm việc bị cạnh tranh khốc liệt khiến các DN rơi vào thua lỗ.

Vì vậy, sẽ không có gì lạ nếu các DN điện máy ngay lập tức chấp nhận lời đề nghị rót vốn.

“Để bán cho 1 DN nước ngoài không đơn giản. Họ sẽ không mua 1 DN có sức mạnh thương hiệu kém hoặc có kết quả kinh doanh không tốt. Nếu bạn đã bán bớt được cổ phần và chia sẻ cơ hội đầu tư đấy thì rõ ràng đó là một thành công”, đại diện PICO nói.

Có vẻ như PICO đã đạt được thành công họ hằng mong đợi.

Trang Lam

Cùng chuyên mục
XEM