Bán lẻ điện máy: Khối ngoại có thành "cứu cánh"?

06/04/2015 14:33 PM | Kinh doanh

Bắt đầu phát triển từ khoảng năm 2007, thị trường bán lẻ điện máy luôn là cuộc chơi của riêng các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn trở lại đây, thị trường đã chứng kiến sự gia nhập của rất nhiều cái tên ngoại.

Đại hội cổ đông của Điện máy Trần Anh diễn ra chóng vánh ngày 3/4 với một thông tin duy nhất đáng chú ý. Đó là chính thức thông qua việc chuyển nhượng cổ phần Trần Anh từ tay Aureos Capital sang cho cổ đông chiến lược Nhật Bản là tập đoàn Nojima Corporation.

Theo đó, Nojima sẽ có thêm 20% cổ phần của Trần Anh, nâng tỉ lệ sở hữu của tập đoàn này tại điện máy Trần Anh lên hơn 30%.

Cùng với việc tăng thêm cổ phần, Nojima tiến cử thêm 2 người vào trong HĐQT của Trần Anh, một người đóng vai trò tư vấn cấp cao đặc biệt tại Nojima và một người là phó trưởng phòng dự án nước ngoài của tập đoàn này.

Năm nay, Trần Anh đặt ra kế hoạch tăng trưởng doanh thu  cao hơn hẳn. Doanh thu thuần dự kiến đạt hơn 3.300 tỷ đồng, tăng 37% so với 2014, còn lợi nhuận sau thuế đạt 7,8 tỉ đồng, gấp đôi so với 2014.

Dù biên lợi nhuận theo kê hoạch của Trần Anh vẫn gần ... bằng 0, kế hoạch đề ra vẫn là khá cao so với những gì công ty này thể hiện trong các năm qua.

Với tỉ lệ sở hữu cao hơn, người ta kỳ vọng tập đoàn Nhật Bản có thể giúp Trần Anh xoay chuyển tình hình kinh doanh khó khăn hiện tại.

Trên thực tế, Trần Anh không phải là cái tên duy nhất trong ngành bán lẻ điện máy cần tới khối ngoại.

Bắt đầu phát triển từ khoảng năm 2007, thị trường bán lẻ điện máy luôn là cuộc chơi của riêng các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn trở lại đây, thị trường đã chứng kiến sự gia nhập của rất nhiều cái tên ngoại.

Pico, một trong những DN điện máy lớn ở phía Bắc, sau khi liên kết khá chặt chẽ với ông lớn Lotte của Hàn Quốc trong lĩnh vực bất động sản (Thuê lại toàn bộ diện tích của trung tâm thương mại Mipec Mall, Hà Nội, mua lại Pico Plaza ở thành phố Hồ Chí Minh), cũng đang kỳ vọng có một cái bắt tay tương tự trong lĩnh vực điện máy.

Việc bắt tay này giúp cả 2 có thể thâm nhập nhanh hơn, sâu hơn và tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường bán lẻ trong nước. Đại diện Pico cho biết, DN này đang có kế hoạch mở thêm 3 siêu thị mới ngay trong năm nay.

Tại miền Nam, Thiên Hòa, một trong những tên tuổi điện máy lớn nhất cũng cho biết, đã có khá nhiều đối tác đặt vấn đề mua cổ phần của công ty nhưng DN này đã từ chối vì vẫn đang làm ăn tốt.

Mặc dù vậy, không nhiều DN từ chối lời mời của khối ngoại. Một ông lớn khác ở phía Nam đã mở rộng vòng tay chào đón nhà đầu tư Thái Lan, đó là Nguyễn Kim. Đứng đầu ngành bán lẻ điện máy về doanh số, Nguyễn Kim vẫn quyết định bán lại 49% cổ phần cho tập đoàn Central Group.

Trước khi bán lại cổ phần, tốc độ tăng trưởng của Nguyễn Kim đã có dấu hiệu chững lại, cả về doanh thu lẫn số cửa hàng. Ngay sau khi thương vụ thành công, Nguyễn Kim cũng công bố một kế hoạch mở rộng quy mô với việc tăng gấp đôi số siêu thị điện máy, lên 50 trung tâm vào năm 2020.

Thương vụ trị giá trên 100 triệu USD của Nguyễn Kim cho thấy dù có là người dẫn đầu, áp lực liên kết với DN ngoại vẫn là không nhỏ. Vài năm trở lại đây, DN điện máy nội địa đang gặp vấn đề về tăng trưởng, bất chấp nhu cầu tiêu dùng của thị trường vẫn tăng đều. Ít nhất đã có 5 DN điện máy tên tuổi phải phá sản trong 2 năm trở lại đây.

Chính thời điểm này, những thương hiệu nước ngoài, có bề dày kinh nghiệm cả trăm năm cùng tiềm lực tài chính hùng hậu đã mang lại một sức ép khó cưỡng.

Sau những cái bắt tay diễn ra trong thời gian vừa qua, các chuyên gia cho rằng, xu thế M&A trong ngành bán lẻ điện máy sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, đi cùng với lộ trình cam kết khi gia nhập WTO và tác động của các Hiệp định thương mại.

“M&A là xu thế chung của thế giới, và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Đây là xu thế cần thiết cho thị trường Việt Nam vốn đang thiếu nguồn lực. Tuy nhiên, để bán được cho khối ngoại không phải đơn giản, sẽ chỉ có những DN tốt mới đạt yêu cầu. Đây không chỉ là quá trình thâu tóm mà còn là quá trình chọn lọc những DN tốt, đào thải những DN yếu kém”, vị này nhận định.

>> Đại diện Media Mart: Mô hình điện máy trong Trung tâm thương mại khó có đất sống ở Việt Nam

Trang Lam

Quốc Dũng

Cùng chuyên mục
XEM